Thị trường TMĐT Hoa Kỳ - Cuộc cạnh tranh khốc liệt

Hiền Nguyễn| 23/12/2022 09:23
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 22/12/2022, chỉ còn một ngày trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, giá cổ phiếu của Amazon (AMZN), công ty thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất thế giới, vẫn tiếp tục đà giảm xuống đến 83,79 USD vào lúc đóng cửa phiên giao dịch.

Những năm trước, ở Mỹ, khoảng thời gian từ lễ Tạ ơn đến lễ Giáng sinh là dịp người dân tưng bừng mua sắm, đó cũng là dịp Amazon và các công ty thương mại khác tung ra các chiêu khuyến mại và thu về lợi nhuận khổng lồ. Nhưng năm nay thì khác. Khả năng xảy ra suy thoái kinh tế vào năm 2023 là một lý do nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy sự cạnh tranh trên thị trường tiêu dùng ở nước Mỹ đang diễn ra ngày càng gay gắt, khốc liệt.

Mục tiêu số một của nhiều công ty TMĐT Trung Quốc

Thị trường nội địa Trung Quốc đã bão hòa đang thúc đẩy các công ty TMĐT Trung Quốc tìm kiếm cơ hội phát triển bên ngoài thị trường nội địa của họ. Thị trường TMĐT Hoa kỳ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, chính là mục tiêu số một của các công ty Trung Quốc, Hoa Kỳ vốn đã là một môi trường bán lẻ cạnh tranh khốc liệt, nay được coi là chiến trường chính của các công ty công nghệ Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc đang làm thay đổi thói quen mua sắm của người Mỹ và thách thức Amazon ngay trên sân nhà của họ. Lợi thế chính của các công ty này là cấu trúc chi phí thấp hơn.

Người tiêu dùng Mỹ đang đứng trước vô số chiêu thức khuyến mại hấp dẫn đến từ Trung Quốc. Thậm chí, sự cạnh tranh cũng ngày càng gia tăng giữa các công ty Trung Quốc như Shein, ByteDance, Pinduoduo… nhằm tranh giành thị phần Hoa Kỳ. Các công ty Trung Quốc này áp dụng chiêu thức kết hợp giao dịch với các đặc quyền như giao hàng miễn phí và giảm giá bổ sung cho các danh mục hoặc đơn đặt hàng cụ thể vượt quá số tiền nhất định. Shein giảm giá 10% cho các đơn hàng từ 39 USD trở lên. Thậm chí Shein và Temu đã giảm giá tới 90% cho một số mặt hàng được khuyến mại, ví dụ: các phụ kiện như hoa tai có giá dưới 1 USD và tai nghe có giá chỉ vài đô la.

Thị trường TMĐT Hoa Kỳ - Cuộc cạnh tranh khốc liệt - Ảnh 1.

Ảnh: us.temu.com

Temu là nền tảng mua sắm trực tuyến toàn cầu chi phí thấp của công ty Pinduoduo có trụ sở tại Thượng Hải, Trung Quốc. Trước sự phổ biến rộng rãi của Shein ở Mỹ, Temu đã cạnh tranh tạo nên sức hút đáng kể vào thời điểm đầu tháng 11/2022 khi nó nhanh chóng trở thành ứng dụng mua sắm có lượng tải xuống nhiều nhất. Trong khi đó, mạng xã hội Trung Quốc ByteDance đang tiếp tục tận dụng tầm ảnh hưởng của nền tảng TikTok và thêm vào chức năng mua sắm linh hoạt cho phép người dùng có thể tự tạo ra các kệ ảo bán hàng hóa.

Theo ước tính, TikTok đã có hơn 136 triệu người dùng ở Mỹ từ mùa hè 2022 và ngày càng gia tăng số lượng người dùng. Cùng với sự hiện diện của Shein từ trước, sự góp mặt của Temu gần đây, lại thêm việc bổ sung tính năng mua sắm trên TikTok… tất cả đã tạo ra ảnh hưởng đáng kể trên thị trường thương mại điện tử ở Hoa kỳ, tạo nên những thách thức to lớn đối các công ty thương mại Hoa Kỳ và đặc biệt là gã khổng lồ Amazon.

Cái gì sẽ là cứu cánh của Amazon

Amazon vẫn còn hai mảng kinh doanh khác, mang nhiều tiềm năng hơn và có thể đưa mô hình kinh doanh của công ty theo một hướng mới trong dài hạn.

Mảng thứ nhất là kinh doanh điện toán đám mây (ĐTĐM) Amazon Web Services (AWS), hiện đang dẫn đầu với 34% thị phần. Đối thủ theo sát AWS trên thị trường ĐTĐM hiện nay là Azure của Microsoft với 21% thị phần. Theo ước tính, khoảng 3 năm tới AWS có thể đạt được doanh thu thường niên 160 tỉ USD.

Mảng thứ hai có nhiều tiềm năng cho tương lai của Amazon là quảng cáo số. Về cơ bản, Amazon thu thập lượng dữ liệu khổng lồ từ khách hàng của chính mình, tạo nên một kho dữ liệu cực kỳ quý giá mà công ty có thể khai thác. Kho dữ liệu này có thể giúp Amazon tiếp thị sản phẩm và dịch vụ tốt hơn, như "bán hàng gia tăng", tức người bán thuyết phục khách mua hẳn một bộ sản phẩm hoặc kèm thêm phụ kiện để nâng cao trải nghiệm sử dụng. Từ đó, tỉ lệ chuyển đổi và tỉ suất lợi nhuận đều tăng. Amazon cũng có thể bán quyền truy cập vào dữ liệu cho các nhà quảng cáo để họ quảng bá sản phẩm trên thị trường của Amazon.

Kiếm tiền từ dữ liệu của chính mình thông qua quảng cáo được tài trợ đang dần trở thành một hoạt động kinh doanh thực sự nghiêm túc của Amazon. Trong quý 3 năm 2022, doanh thu từ dịch vụ quảng cáo đã tăng 25,4% so với cùng kỳ năm trước lên 9,5 tỉ USD. Nếu giữ được nhịp độ tăng trưởng 25% mỗi năm, quảng cáo số có thể mang lại doanh thu thường niên tới 70 tỉ USD vào năm tài chính 2025.

Thị trường TMĐT Hoa Kỳ - Cuộc cạnh tranh khốc liệt - Ảnh 2.

Tương lai của TMĐT

Hiện nay, Amazon vẫn là công ty TMĐT lớn nhất ở Hoa Kỳ và thế giới. Khác với Walmart và các công ty thương mại Hoa Kỳ khác có các hệ thống cửa hàng rộng lớn khắp lãnh thổ nước Mỹ, Amazon dựa hoàn toàn trên nền tảng điện tử, chỉ có chuỗi kho hàng mà không có các cửa hàng phục vụ giao tiếp trực tiếp với người mua sắm tiêu dùng. Muốn tồn tại thì phải tìm ra lối đi riêng, phát huy thế mạnh riêng có.

Amazon vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào hoạt động kinh doanh TMĐT. Mảng này chiếm 84% doanh thu hợp nhất trong quý 3/2022 của công ty nhưng không ổn định, đặc biệt là trong bối cảnh suy thoái kinh tế, sức mua giảm mạnh và sự cạnh tranh gay gắt đến từ các công ty Trung Quốc. Không chỉ cạnh tranh về giá cả dịch vụ, các nền tảng trực tuyến của Shein và Temu cũng đang tìm mọi cách thu thập thông tin từ khách hàng. Ví dụ để nhận được khuyến mại thì khách hàng cần mở tài khoản trên nền tảng của họ, phải cung cấp một số thông tin cá nhân như email, số điện thoại, địa chỉ, tuổi tác, giới tính…

Tuy nhiên, con đường hướng tới mục tiêu giành thị phần tại trường Hoa Kỳ sẽ là một cuộc chiến khó khăn đối với các công ty Trung Quốc. Các nền tảng TMĐT của Trung Quốc sẽ bị thách thức bởi sự khác biệt giữa hai thị trường Trung Quốc và Mỹ - trong đó bao gồm sự quen thuộc và thói quen của người tiêu dùng, vấn đề hậu cần và cơ sở hạ tầng, hay các mối lo ngại về an toàn dữ liệu cá nhân đối với các công ty Trung Quốc. Mặt khác chi phí hậu cần đe dọa khả năng sinh lời của các công ty TMĐT Trung Quốc, bởi rất tốn kém khi vận chuyển các đơn hàng nhỏ bằng đường hàng không.

Cuộc cạnh tranh sẽ vẫn tiếp diễn và ngày càng gay gắt khốc liệt. Vấn đề là ai làm chủ nền tảng công nghệ thì người đó sẽ thắng. Amazon, Microsoft và Google đã bỏ ra hàng tỷ USD để tự xây dựng các trung tâm dữ liệu (TTDL) cho riêng mình và tất nhiên hiệu quả, an toàn, bảo mật... hơn hẳn so với các phòng máy chủ hay TTDL của các công ty nhỏ hơn. Ba nhà cung cấp ĐTĐM hàng đầu là Amazon AWS, Microsoft Azure và Google Cloud, mỗi nhà cung cấp có những điểm mạnh và điểm yếu riêng khiến chúng trở nên lý tưởng cho mỗi mục đích sử dụng.

Thị trường TMĐT Hoa Kỳ - Cuộc cạnh tranh khốc liệt - Ảnh 3.

Ba nhà cung cấp ĐTĐM hàng đầu là Amazon AWS, Microsoft Azure và Google Cloud (Ảnh: clarat.com)

Với các TTDL khổng lồ được xây dựng ở nhiều nơi khác nhau giúp phần mềm của các doanh nghiệp có thể chạy ở quy mô lớn hơn, chi phí thấp hơn, khả năng đáp ứng tốt hơn… Việc cạnh tranh chủ yếu được dựa trên lợi thế về quy mô của các TTDL. Nền tảng đám mây nào càng có nhiều khách hàng, nền tảng đó càng có khả năng tăng thêm số lượng máy chủ. Nền tảng nào càng có nhiều máy chủ, thì nền tảng đó càng có nhiều lợi thế kinh tế về quy mô, từ đó đưa ra mức chi phí thấp hơn, nhiều tính năng hơn cho khách hàng của mình.

Với số lượng khách hàng của Amazon, AWS đang chiếm ưu thế. Đó cũng là ưu thế để Amazon duy trì vị trí số 1 trên thị trường TMĐT./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thị trường TMĐT Hoa Kỳ - Cuộc cạnh tranh khốc liệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO