Trong thập kỷ qua, châu Phi đã có những bước tiến nhanh chóng, kết quả là tốc độ tăng trưởng ở châu lục này đứng thứ 2 trên thế giới (sau châu Á). Điều này được minh chứng qua những con số thống kê của nền kinh tế châu Phi: nhu cầu băng rộng tăng 50% mỗi năm, ở các quốc gia như Angola, nhu cầu này tăng 75% và ở Tazania, tỷ lệ tăng hằng năm là 67%.
Tổng dân số của lục địa châu Phi khoảng hơn 1 tỷ và dự kiến sẽ tăng khoảng 2,5% mỗi năm. Trong khi đó, châu Á và Mỹ La tinh có tốc độ tăng trưởng dân số chỉ khoảng 1%. Châu Phi cũng là nơi có tỷ lệ người trẻ tuổi cao nhất thế giới với khoảng 65% dân số ở độ tuổi dưới 35.
Một phần ba các nền kinh tế của các quốc gia tại châu Phi tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng trung bình 6% mỗi năm. Sự tăng trưởng ở một số lĩnh vực hàng đầu như dầu và gas, khai thác mỏ, lâm nghiệp và các ngành công nghiệp khác đang thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở khu vực châu Phi, đồng thời kéo theo sự tăng trưởng các lĩnh vực khác như truyền hình, viễn thông, Internet... Có thể nhận thấy trong mấy năm gần đây, tốc độ tăng trưởng trong những lĩnh vực này ở châu Phi được đánh giá là nhanh nhưng nhìn chung vẫn là thị trường kém phát triển. Theo số liệu phân tích về mức độ sử dụng Internet trên toàn cầu, lục địa châu Phi chiếm khoảng 15,3% dân số toàn cầu và tỷ lệ thâm nhập Internet là 15,6% trong khi ở những khu vực khác trên thế giới tỷ lệ thâm nhập trung bình là 37,7%.
Nền kinh tế ở châu Phi tiếp tục tăng trưởng và kết nối băng rộng là một yếu tố quan trọng để phát triển bền vững. Công nghệ vệ tinh vẫn là giải pháp băng rộng hiệu quả nhất cho vùng nông thôn và những vùng xa ở châu Phi, nơi mà 80% dân số đang sinh sống.
CƠ HỘI TRONG PHÂN KHÚC TRUYỀN HÌNH TRẢ TIỀN
Theo Digital TV Research, sự xâm nhập của truyền hình số sẽ nhanh chóng vượt 50% số hộ gia đình sử dụng truyền hình ở các nước châu Phi vùng cận Sahara (Sub - Saharan Africa). Báo cáo Digital TV Sub - Saharan Africa dự báo, hầu như mọi gia đình sẽ chuyển sang truyền hình số vào năm 2020. Sự tăng trưởng này phần lớn là do sự chuyển đổi truyền hình mặt đất tương tự, với hơn 2/3 số hộ gia đình nhận tín hiệu truyền hình kỹ thuật số mặt đất (DTT-Digital Terrestrial Television) vào năm 2020, trong khi cuối năm 2013, tỷ lệ này là dưới 1/5. Khoảng 28% hộ gia đình sẽ có ăn-ten chảo vệ tinh vào năm 2020.
Các nước châu Phi cận Sahara sẽ có thêm 20 triệu hộ gia đình sử dụng truyền hình trong giai đoạn 2013 đến 2020, đạt 68 triệu hộ gia đình sử dụng vào năm 2020. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là đang và sẽ tiếp tục có hơn 100 triệu gia đình không có máy thu truyền hình (TV set). Trên thực tế, tỷ lệ thâm nhập truyền hình của các hộ gia đình ở châu Phi chỉ đạt 38,4% vào năm 2020, theo Digital TV Research.
Simon Murray, chuyên gia phân tích của Digital TV Research, cho biết: "Điều này cho thấy tiềm năng dài hạn của khu vực, với mong đợi sẽ có sự tăng trưởng cao vượt so với dự đoán. Cấu trúc của các mạng băng rộng thế hệ tiếp theo sẽ đảm bảo không chỉ có sự tăng trưởng ở lĩnh vực truyền hình vệ tinh và DTT mà còn ở nhiều lĩnh vực khác“.
Trong số 11,01 triệu thuê bao truyền hình trả tiền vào cuối năm 2013, thì có 8,5 triệu là thuê bao truyền hình vệ tinh. Đến năm 2020, tổng số thuê bao truyền hình trả tiền sẽ tăng gấp hơn 2 lần đạt 25,26 triệu, với 14,34 triệu là thuê bao truyền hình vệ tinh và khoảng 8,86 triệu thuê bao DTT. Trong tổng số thuê bao truyền hình trả tiền của khu vực châu Phi năm 2013, Nam Phi có 4,48 triệu thuê bao và số lượng này sẽ tăng thêm 2 triệu, đạt 6,85 triệu thuê bao vào năm 2020. Nigeria sẽ tăng gấp 3, từ 2,12 triệu năm 2013 lên 6,15 triệu thuê bao vào năm 2020. Ngoại trừ thị trường phát triển là Nam Phi, số lượng hộ gia đình sử dụng truyền hình vệ tinh trả tiền sẽ tăng hơn 2 lần trong khoảng từ 2013 đến 2020, đạt 8,17 triệu.
Lợi nhuận truyền hình trả tiền ở các nước châu Phi cận Sahara sẽ đạt 5,35 tỷ USD vào năm 2020, tăng 69% so với năm 2013 (3,17 tỷ USD) và gấp 3 lần so với năm 2010 (1,8 tỷ USD). Truyền hình vệ tinh chiếm gần như toàn bộ lợi nhuận truyền hình trả tiền trong năm 2013 ở khu vực này. Tuy nhiên, đến năm 2020, phân khúc truyền hình trả tiền ở châu Phi sẽ có sự tham gia đáng kể của DTT, ước tính sẽ chiếm khoảng 742 triệu USD. Sự cạnh tranh và việc đưa ra những gói cước DTT rẻ hơn sẽ làm cho ARPU giảm xuống ở hầu hết các quốc gia.
NHỮNG THÁCH THỨC
Tiềm năng tăng trưởng lớn ở thị trường châu Phi đã thu hút hầu hết các công ty vệ tinh lớn trên thế giới, trong đó có cả một số nhà khai thác vệ tinh châu Á. Tuy nhiên, trong khi chưa biết chắc chắn liệu nhu cầu sử dụng có vượt quá khả năng đáp ứng hay không thì các nhà khai thác vệ tinh đã nhìn thấy một cuộc cạnh tranh về giá cả khiến giá cho thuê các bộ phát đáp giảm xuống.
Thách thức tiếp theo là sự phát triển và những chính sách quy định không đồng đều giữa 55 quốc gia châu Phi đòi hỏi các chiến lược và sự cấp phát tài nguyên khác nhau ở mỗi quốc gia trong châu lục này. Cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường và điện vẫn còn thiếu ở hầu hết các vùng của châu Phi và điều này đã cản trở sự phát triển cơ sở hạ tầng băng rộng ở đây.
Khả năng tiếp cận với nguồn vốn là một vấn đề mà các công ty khởi nghiệp tại châu Phi phải đối mặt và thậm chí cả phương thức để các doanh nghiệp lớn hoạt động cũng đang là rào cản cho sự phát triển ở khu vực này. Do đó, các nhà khai thác rất cần có những chính sách tài chính mềm dẻo, linh hoạt để có thể kinh doanh được ở một số quốc gia châu Phi.
Mặc dù có một số thách thức tuy nhiên, châu Phi vẫn là thị trường tiềm năng dài hạn đối với các nhà khai thác vệ tinh, đặc biệt các ứng dụng Direct-to- Home và băng rộng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong vài năm tới.
B.N
(Nguồn Satellite Excutive Briefing magazine, SatelliteMarkets.com)