Thích nghi mùa dịch, chị em công sở làm việc online vẫn tranh thủ đá ngang sang kinh doanh, có người kiếm nửa triệu mỗi ngày

T.B| 08/04/2020 17:58
Theo dõi ICTVietnam trên

Việc kiếm tiền triệu mỗi ngày trong thời dịch bệnh khó khăn này cũng không phải không thể nếu bạn chăm chỉ và thêm một chút khéo léo.

Đúng là "cái khó ló cái khôn", khi khó khăn chị em công sở có thể nghĩ ra đủ cách kiếm tiền để duy trì cuộc sống. Làm việc online tại nhà không những đạt hiệu suất công việc trên cả mong muốn, đảm bảo sức khỏe mùa dịch bệnh Covid-19 mà nhiều chị em còn tranh thủ kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

1. Vợ làm bánh, chồng kiêm chân shipper

Chị Lan Anh, kế toán cho một công ty phần mềm ở Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, thời gian trước chị vẫn phải tới công ty. Nhưng hơn 1 tuần nay được làm việc tại nhà nên chị đã không bỏ qua cơ hội kiếm thêm thu nhập bằng nghề làm bánh. Thực ra đây vốn là sở thích của chị Lan Anh những lúc rảnh rỗi nhằm chiều ý các con, nay lại là cơ hội để chị kiếm thêm thu nhập. Chị thử thực hiện với quy mô lớn hơn rồi đăng tải lên facebook, may mắn nhiều bạn bè, người quen ngỏ ý muốn mua.

Thích nghi mùa dịch: Chị em làm việc online vẫn tranh thủ đá ngang sang kinh doanh, có người kiếm nửa triệu mỗi ngày  - Ảnh 1.

Thông thường chị sẽ nhận order từ hôm trước và tranh thủ làm từ tờ mờ sáng để kịp ship cho khách. "Trong cái rủi cũng có cái may, chồng mình làm bên mảng tổ chức sự kiện, thời gian này không có việc nên có thể giúp vợ ship hàng full thời gian. Nếu không có anh hỗ trợ chắc việc phải thuê vận chuyển cũng cực mà không đảm bảo thời gian giao hàng cho khách, chưa kể còn tốn thêm một khoản kha khá" - Chị Lan Anh kể.

Có chút tài lẻ bếp núc, chị Lan Anh đã tận dụng để bán hàng, kiếm thêm thu nhập mùa dịch.

Được biết các món chị làm hàng ngày thường là bánh mì hoa cúc, bánh mì bơ tỏi, bánh flan... Đối tượng khách hàng của chị cũng chủ yếu là người quen như đồng nghiệp, bạn bè. "Mua hàng của người quen thì đảm bảo được vấn đề an toàn an toàn thực phẩm nên mình cũng được mọi người cũng tin tưởng. Lượng khách tuy không quá nhiều nhưng nếu chịu khó mỗi ngày cũng có thu nhập không dưới 500 nghìn" - Chị Lan Anh vui vẻ tiết lộ.

2. Giải cứu thực phẩm sạch, vừa cứu người lại giúp mình

Bản thân không có năng khiếu làm bánh, cũng chẳng có vốn để làm ăn lớn nên chị Thủy, một nhân viên văn phòng ở Hà Đông lại nghĩ ra cách bán rau sạch cho chị em đồng nghiệp. "Quê mình ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc), để giúp người dân ở đây tiêu thụ rau su su nên mình thường đăng lên group xóm chợ dành riêng cho nhân viên của công ty và group kín của cư dân tòa nhà. Cũng hên là nhu cầu về thực phẩm của các gia đình cũng lớn nên mỗi lần gom phải được vài chục kilogam rau".

Thích nghi mùa dịch: Chị em làm việc online vẫn tranh thủ đá ngang sang kinh doanh, có người kiếm nửa triệu mỗi ngày  - Ảnh 3.

Chị Thủy thường lựa chọn đăng bài trên các chợ mạng, nhóm kín của cư dân tòa nhà nơi mình ở để tiết kiệm công sức và thời gian vận chuyển.

"Thời gian mình cân đối để giao hàng thường là vào sáng sớm hoặc sau 5h30 hàng ngày. Vì do tính chất công việc làm online lại không có người hỗ trợ vận chuyển nên phải chịu khó cân đối thời gian cho hợp lý" - chị Thủy bộc bạch.

Theo chị Thủy, trong lúc kinh tế khó khăn, lại sẵn có điều kiện thời gian làm việc linh động nên vợ chồng động viên nhau cùng cố gắng cũng kiếm được đồng ra đồng vào. Nhưng chị cũng không thể phủ nhận cách đá ngang nhiều việc cùng lúc thế này vất vả hơn rất nhiều. Nhiều khi phải thức khuya, dậy sớm đi lấy hàng rồi giao đến cho khách nhưng đầu óc vẫn nghĩ đến một mớ deadline đang chờ đợi.

Đối với những nhân viên công sở bị ảnh hưởng ít nhiều bởi dịch bệnh, việc phải giảm lương, giảm giờ làm... nếu có chút tay nghề bếp núc hoàn toàn có thể thử sức để kinh doanh. Không chỉ giúp có thêm thu nhập mùa dịch, biết đâu nghề tay trái này lại khiến cuộc sống của các chị em sang trang mới thì sao?

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thích nghi mùa dịch, chị em công sở làm việc online vẫn tranh thủ đá ngang sang kinh doanh, có người kiếm nửa triệu mỗi ngày
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO