Các tập thơ của Phong Việt tạo nên "hiện tượng xuất bản"
Nguyễn Phong Việt là một tác giả luôn gây sốt với bất cứ cuốn sách nào được xuất bản bởi chất thơ đầy cảm xúc, tất cả chất liệu tạo nên những vần thơ đều được chau chuốt mượt mà, gây thổn thức mỗi độc giả từ những trang sách đầu tiên.
Có thể nói, thơ của Nguyễn Phong Việt hay không chỉ vì những câu từ đẹp mà còn ẩn chứa ở đó tâm tư về cuộc sống, về những trăn trở day dứt mà bất cứ ai cũng từng đôi lần nghĩ tới. Nó tạo nên sự đồng cảm cùng sự gần gũi bình dị trong cuộc sống.
Các tập thơ của Phong Việt tạo nên "hiện tượng xuất bản" khi đã bán được hàng chục nghìn bản in, một điều rất hiếm thấy đối với thơ Việt Nam trong hàng thập kỷ trước. Nhiều độc giả biết tới Phong Việt qua thơ ca, nhưng công việc chính của anh là làm báo, làm truyền thông. Ngoài viết những dòng thơ cảm xúc, anh còn là một người sáng tạo nội dung trong truyền thông số.
Anh quan niệm thơ ca là loại hình giải trí giống như ta xem phim, nghe nhạc, đọc sách. Nhưng thơ ca cô đọng về cảm xúc, đôi khi chỉ một câu, một khổ thơ, mà người đọc cảm giác như tác giả đang kể câu chuyện, cuộc đời của họ chỉ bằng mấy câu từ ngắn gọn, súc tích. "Đôi khi bằng vài từ, câu chữ mà thơ ca nói lên tâm tư con người".
Phong Việt cho rằng mỗi thời một khác song không vì ngày nay con người theo đuổi nhiều mục tiêu, phương tiện số bùng nổ mà lấn át văn chương nghệ thuật.
"Thơ ca là khoảng lặng giúp ta chậm rãi nhẹ nhàng nhìn thấu một phần nào đó suy nghĩ, nhận thức bản thân. Thơ ca như sự xoa dịu tâm hồn con người. Có người nhìn thấy ở thơ sự đau buồn, dằn vặt, hoặc được xoa dịu bản thân", Phong Việt chia sẻ.
Với anh, những người yêu thơ là người có đời sống nội tâm phong phú. Đó là điểm khác biệt giữa người thích thơ với những người yêu thích các loại hình giải trí khác. "Vậy nên ta đừng quá nặng nề thơ ca phải thế này, phải thế khác. Nếu ta cứ định nghĩa thơ theo cách ta mong muốn thì ta đang tự giới hạn khả năng sáng tạo của mình", Phong Việt nêu quan điểm.
Phong Việt phân tích không phải lúc nào ta cũng mua được một cuốn sách hay. Có khi ra hiệu sách mua phải cuốn sách mà sau đó ta cảm thấy phí tiền, phí thời gian đọc. Nhưng đó cũng là kinh nghiệm để lần sau ta chọn sách tốt hơn.
Những câu chuyện, cảm xúc trong thơ là điều mà tác giả đã trải nghiệm
Anh chia sẻ những gì mình viết đều bắt nguồn từ trải nghiệm bản thân. "So với người khác, Việt viết ít chứ không nhiều. Trong năm, lượng bài thơ được viết khoảng 60 bài", Phong Việt cho biết.
Những câu chuyện, cảm xúc trong thơ chính là những gì mà anh đã trải qua. Anh viết về chính những nỗi buồn, niềm đau của mình. Khi viết anh tôn trọng cảm xúc bản thân, để câu chữ dẫn dắt mình.
Phong Việt cho rằng anh không bắt buộc mình phải viết kiểu này kiểu kia, không thúc ép câu chữ. "Khi viết, tôi như đang review lại những trải nghiệm của mình".
Khi được hỏi có bao giờ viết về cảm xúc của mình mà anh gặp khó trong diễn đạt, Phong Việt cho biết anh cũng nhiều lần bế tắc câu chữ. Từ năm 14-15 tuổi, Phong Việt cũng viết thơ niêm luật, nhưng anh gặp khó khăn khi gò cảm xúc mình lại trong những luật lệ chặt chẽ.
"Có câu chữ mình không muốn dùng, nhưng phải đưa vào vì nó vần với câu trước. Tôi cảm thấy viết như vậy không được thoải mái. Vậy nên viết tự do phù hợp với tôi hơn. Đó cũng là lý do tôi ngưỡng mộ các tác giả làm thơ theo thể, theo niêm luật", Phong Việt chia sẻ.
Viết thơ hiện đại, tự do phóng khoáng nhưng Phong Việt bảo tác phẩm anh tâm đắc nhất là Truyện Kiều của Nguyễn Du. Anh nói: "Với Việt, rất nhiều lần bế tắc câu chữ, Việt tìm thấy nhiều từ thú vị trong Truyện Kiều. Nếu có thời gian, bạn hãy tìm về Kiều, chắc chắn có thể tìm được vốn liếng ngôn ngữ trong đó".
Nhà thơ Nguyễn Phong Việt sinh năm 1980 ở Tuy Hòa, Phú Yên. Anh được coi là "hiện tượng xuất bản Việt Nam" khi mỗi tập thơ phát hành tới nhiều vạn bản. Mỗi lần Nguyễn Phong Việt ra mắt tập thơ mới đều tạo nên một cơn sốt đối với độc giả. Trước Mình sẽ đi cuối đất cùng trời, anh đã phát hành 7 tập thơ Chỉ cần tin mình là duy nhất, Đi qua thương nhớ, Từ yêu đến thương, Sinh ra để cô đơn, Sống một cuộc đời bình thường, Về đâu những vết thương, Sao phải đau đến như vậy.