Truyền thông

Thủ đô Hà Nội – nơi kết nối mạch nguồn lịch sử, hội tụ tinh hoa dân tộc

Đỗ Thêu 15:15 10/10/2024

70 năm trước, ngày 10/10/1954, Thủ đô Hà Nội sạch bóng quân thù, chính thức được giải phóng. Trong quá trình tái thiết và phát triển, Hà Nội luôn khẳng định là nơi kết nối mạch nguồn lịch sử, hội tụ tinh hoa dân tộc.

anh-16.1.jpg
Trải qua 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế là nơi hội tụ tinh hoa của dân tộc.

Dấu mốc lịch sử

Ngày giải phóng Thủ đô là sự kiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng, khẳng định thắng lợi hoàn toàn của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đồng thời mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội.

70 năm qua, Thủ đô Hà Nội luôn khẳng định vai trò là trung tâm, trái tim của cả nước. Kể từ năm 1954, TP. Hà Nội đã có bốn lần điều chỉnh địa giới hành chính lớn, vào các năm 1961, 1978, 1991 và 2008. Trong đó có ba lần mở rộng địa giới hành chính vào các năm 1961, 1978 và 2008 và một lần thu hẹp vào năm 1991. Từ một Thủ đô quy mô diện tích và dân số nhỏ bé (152,2km² với 43,7 vạn người), Hà Nội hôm nay mang tầm vóc của một đô thị lớn với tổng diện tích gần 3.400km2, 30 đơn vị hành chính quận, huyện, thị xã (đứng thứ 2 cả nước về quy mô dân số). Đảng bộ Hà Nội hiện là Đảng bộ lớn nhất cả nước, với 50 Đảng bộ cấp cơ sở trực thuộc, hơn 48 vạn đảng viên, chiếm hơn 9% tổng số đảng viên cả nước.

Với tinh thần không ngừng đổi mới tư duy và hành động, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, TP. Hà Nội đã bám sát quan điểm chỉ đạo, đi đầu và vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của T.Ư vào thực tiễn, trong đó có những nghị quyết đặc biệt quan trọng với Hà Nội như Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 6/1/2012 của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020”, Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, cùng cả nước tạo nên những thành tựu có ý nghĩa lịch sử.

Tiêu biểu, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 hiện nay, với việc thực hiện 10 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ chủ yếu và 3 khâu đột phá được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII, Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế, trong đó coi trọng yêu cầu phát triển bền vững. Đặc biệt, Hà Nội coi trọng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với thực hiện tốt bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường; tạo bước chuyển mới trong công tác xây dựng văn hóa và con người Hà Nội thanh lịch, văn minh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.

Với tinh thần đoàn kết và nỗ lực không ngừng của hệ thống chính quyền và nhân dân, kinh tế Thủ đô liên tục tăng trưởng, năng suất lao động ngày càng tăng, đạt bình quân trên 7%/năm, quy mô GRDP xếp thứ 2, GRDP bình quân đầu người xếp thứ 8 cả nước. Hà Nội cũng là địa phương đi đầu cả nước về công tác xây dựng nông thôn mới khi 18/18 huyện, thị xã đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

anh-16.2.jpg
Chính quyền TP. Hà Nội luôn quan tâm tới các vấn đề an sinh xã hội, chăm lo chất lượng cuộc sống cho Nhân dân.

Những thành tựu nêu trên đã góp phần thúc đẩy an sinh xã hội, đến đầu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của Hà Nội chỉ còn 0,03%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 0,7%, 18/30 quận, huyện không còn hộ nghèo, 5 quận không còn hộ cận nghèo. Trên cơ sở khai thác hiệu quả các nguồn lực, cũng như định hướng phát triển bền vững, sự ra đời của những công trình giao thông lớn, quan trọng như đường sắt trên cao, các cây cầu hiện đại, hình thành các khu đô thị, tuyến phố kiểu mẫu… đã nâng tầm vóc, diện mạo đô thị của Thủ đô Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại.

Bên cạnh những thành tựu về kinh tế, Hà Nội vẫn giữ được những giá trị văn hóa lịch sử trường tồn của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến, đồng thời, phát huy giá trị của “Thành phố sáng tạo” trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh Thủ đô ra thế giới.

Hà Nội hôm nay không chỉ đóng vai trò là Thủ đô của đất nước mà còn là cầu nối quan trọng để Việt Nam hội nhập quốc tế. Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với 61 Thủ đô, thành phố các nước, có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế có uy tín trên thế giới…

Hướng tới tương lai đầy tươi sáng

Trên tiền đề những kết quả đã đạt được, TP. Hà Nội tiếp tục đổi mới tư duy và hành động, phát huy sức sáng tạo của các cấp, ngành, đồng thời phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển của Thủ đô trên mọi lĩnh vực.

Trong đó, triển khai hiệu quả Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 sau khi được ban hành. Triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024 và phát huy hiệu quả cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù trong thực tiễn. Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các nghị quyết chuyên đề, đề án lớn của Thành ủy trong đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; tăng cường kết nối vùng; phân bố các không gian phát triển kinh tế - xã hội; phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; triển khai các dự án giao thông lớn, hạ tầng đô thị…

Bên cạnh đó, Hà Nội chú trọng phát triển văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Phát triển nền nông nghiệp sinh thái xanh - sạch, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, làm cơ sở cho sự phát triển bền vững. Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, chuyển đổi số, thúc đẩy hội nhập quốc tế.

Theo Bí thư Thành ủy Bùi Thị Minh Hoài, TP. Hà Nội sẵn sàng đảm nhận các nhiệm vụ trung ương giao, sẵn sàng là địa phương đi đầu ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động của các cơ quan Đảng, chính quyền.

Thời gian tới, Thành ủy Hà Nội xác định tiếp tục tập trung lãnh đạo thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả; kiên quyết, kiên trì thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ, bảo đảm Đảng lãnh đạo toàn diện trên tinh thần không ngừng đổi mới. Phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, vận động tạo đồng thuận, khơi dậy ý chí, khát vọng cống hiến của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự phát triển chung của Thủ đô.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thủ đô Hà Nội – nơi kết nối mạch nguồn lịch sử, hội tụ tinh hoa dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO