Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được thực hiện theo Thông báo số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 17/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ. Theo Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, sau hơn 3 năm triển khai, hiện nay 71% người tiêu dùng tin tưởng vào hàng Việt Nam chất lượng cao. Trước khi có Cuộc vận động, theo kết quả điều tra của Tập đoàn Grey Group (Hoa Kỳ), có đến 77% người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng các thương hiệu nước ngoài, chỉ 23 % tin dùng các sản phẩm tiêu dùng trong nước.
(Ảnh: DT)
Phát biểu tại Hội nghị tập huấn, Thứ trưởng Bộ TTTT Trần Đức Lai nêu rõ: Cuộc vận động này không phải là bảo hộ hàng nội địa mà nhằm mục đích kích cầu thông qua nâng cao nhận thức của người tiêu dùng Việt Nam. Đối với sản phẩm, dịch vụ CNTT Việt Nam, Bộ TTTT đã thực hiện chương trình Vibrand khá thành công với nhiều doanh nghiệp CNTT Việt Nam tham gia hàng trăm sản phẩm, dịch vụ CNTT Việt có chất lượng đáp ứng được nhu cầu của người Việt Nam.
Bộ TTTT đã chỉ đạo sâu sát báo chí từ trung ương đến địa phương tham gia tích cực Cuộc vận động, trong đó nổi bật nhiều điển hình tuyên tuyền rất tốt như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình Hà Nội, Báo Đại Đoàn kết và nhiều cơ quan báo chí, thông tấn khác. Thứ trưởng Trần Đức Lai nêu bài học kinh nghiệm từ Hàn Quốc, nơi người dân có tinh thần tự hào dân tộc rất cao, hầu như chỉ dùng hàng nội địa nên đã kích cầu rất hiệu quả cho phát triển sản xuất trong nước. Thứ trưởng cũng tuyên dương báo chí Việt Nam đã vào cuộc nhanh, tích cực hưởng ứng tuyên truyền trong nhiều chuyên trang, chuyên mục; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền khá hấp dẫn; phát hiện và tôn vinh những nhân tố mới tích cực trong sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Báo chí đã tích cực điều chỉnh, thay đổi có hiệu quả văn hóa tiêu dùng “sính ngoại” của người dân sang tin tưởng hơn ở hàng Việt Nam.
Tuy nhiên, báo chí vẫn còn một số điểm yếu chung cần nhanh chóng khắc phục như: đưa thông tin vội vàng, thiếu kiểm chứng gây thiệt hại vật chất và uy tín cho các doanh nghiệp, nông dân …; phát hiện tiêu cực theo hướng thổi phồng, quy chụp, vùi dập, suy diễn thông tin; một số trưởng hợp đưa thông tin bịa đặt hoặc sai sự thật. Truyền thống nhân dân ta rất tin tưởng các cơ quan truyền thông của Nhà nước nên báo chí phải thực sự nghiêm túc thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của mình, tránh sa đà vào đăng tin giật gân, không có lợi chung cho xã hội và thực sự thúc đẩy hơn nữa việc thay đổi văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam trong những năm tới của Cuộc vận động.