Thủ tục đăng ký vị trí quỹ đạo vệ tinh địa tĩnh

03/11/2015 21:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Để có thể phóng và khai thác vệ tinh trên quỹ đạo cần phải có vị trí quỹ đạo và tần số hoạt động. Vậy làm thế nào để có thể đăng ký thành công một vị trí quỹ đạo cho vệ tinh địa tĩnh. Bài viết sau đây sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về các quy trình đăng ký vị trí quỹ đạo, tần số vệ tinh tại Liên minh Viễn thông quốc tế (International Telecommunication Union – ITU)

Đăng ký quỹ đạo, phối hợp tần số cho vệ tinh VINASAT -  Nhu cầu cần thiết

Để chuẩn bị cho dự án phóng vệ tinh viễn thông địa tĩnh VINASAT, từ năm 1996, Việt Nam đã đệ trình lên ITU các bộ hồ sơ VINASAT ở một số vị trí quỹ đạo (1070 Đông, 1300 Đông, 1320 Đông…) và tiếp tục đệ trình các bộ hồ sơ vệ tinh VINASAT vào những năm sau đó để có được lợi thế về ngày ưu tiên của một bộ hồ sơ vệ tinh theo quy định của ITU và nhằm “gối đầu” các hồ sơ vệ tinh do một bộ hồ sơ vệ tinh đều có thời hạn nhất định.

Để có thể phóng vệ tinh lên vị trí quỹ đạo 132o Đông (132oE) – vệ tinh VINASAT-1, Việt Nam đã phải tiến hành phối hợp với nhiều quốc gia bị ảnh hưởng, đặc biệt là Nhật Bản, Trung Quốc, Tonga… Nhật Bản có nhiều vệ tinh lân cận vị trí 132o E và đặc biệt đã có vệ tinh đang hoạt động tại vị trí 132oE. Trung Quốc với vệ tinh tại 130oE và Tonga tại 134oE. Với độ cách ly quỹ đạo nhỏ hơn 2 độ, để hoàn thành phối hợp tần số, đảm bảo không can nhiễu giữa VINASAT-1 với các vệ tinh lân cận đó là một nhiệm vụ rất khó khăn. Và thực tế, Việt Nam/VNPT đã mất 10 năm để hoàn thành phối hợp tần số với Nhật Bản.

Từ quá trình thực hiện thủ tục pháp lý với ITU và quá trình phối hợp tần số/quỹ đạo vệ tinh, Việt Nam và VNPT đã đạt được kết quả quan trọng trong phối hợp tần số với các quốc gia bị ảnh hưởng, tạo điều kiện pháp lý vững chắc để vệ tinh VINASAT-1/-2 được phóng lên quỹ đạo và hoạt động an toàn trong khuôn khổ pháp lý của ITU.

Công nghiệp vệ tinh đã, đang và sẽ phát triển, các quốc gia vẫn tiếp tục phát triển vệ tinh mới lên quỹ đạo (ví dụ Lào đang triển khai dự án vệ tinh viễn thông địa tĩnh đầu tiên LAOSAT-1 ở vị trí 128.5E, Ấn Độ đang xây dựng hệ thống Vệ tinh Dẫn đường Khu vực – IRNSS ở vị trí 127.5E và 129.5E…) và triển khai các nghiệp vụ mặt đất tiên tiến như IMT2000, WIMAX…sẽ ảnh hưởng can nhiễu đến vệ tinh VINASAT của Việt Nam. Để loại trừ can nhiễu cần phải đàm phán phối hợp tần số giữa các quốc gia và nắm bắt được các quy định của ITU. Bên cạnh đó, cần phải tiếp tục mở rộng vùng phủ sóng, đăng ký thêm băng tần mới cho các thế hệ vệ tinh VINASAT trong tương lai để đáp ứng nhu cầu thị trường, thu hút thêm nhiều khách hàng.

Do đó, công tác phối hợp tần số/quỹ đạo vệ tinh, thực hiện các thủ tục pháp lý với ITU sẽ luôn gắn liền với bất kỳ quốc gia/nhà khai thác vệ tinh trên thế giới. .

Thực trạng phát triển công nghệ vệ tinh và nguồn tài nguyên tần số, quỹ đạo vệ tinh

Công nghiệp vệ tinh toàn cầu có giá trị 177.3 tỷ đô la Mỹ, mặc dù chỉ chiếm 61% trong lĩnh vực công nghiệp không gian, đóng góp 4% trong lĩnh vực công nghiệp viễn thông toàn cầu. Công nghiệp vệ tinh toàn cầu đang phát triển với tốc độ ổn định 5%, mặc dù kinh tế thế giới vẫn đang suy thoái. Hiện có 994 vệ tinh trên quỹ đạo, trong đó 58% là vệ tinh thông tin (38% là vệ tinh thương mại, 20% là vệ tinh quân sự hoặc thực hiện các nhiệm vụ của Chính phủ), 42% các vệ tinh đang hoạt động là vệ tinh địa tĩnh.

Tất cả vệ tinh cần phải sử dụng phổ tần số vô tuyến điện để thu/phát tín hiệu với các đài mặt đất. Băng tần số phân bổ cho nghiệp vụ vệ tinh cần phải phù hợp, khắc phục được các điều kiện về mặt thời tiết, góc ngẩng, giới hạn công suất và cự ly truyền dẫn xa. Băng tần số được ITU phân bổ hoạt động thương mại cho vệ tinh hiện nay là băng C, L, S, Ku, Ka (Bảng 1). Các băng tần này là đối tượng cho yêu cầu phối hợp vệ tinh giữa các quốc gia/nhà khai thác vệ tinh để đảm bảo không can nhiễu có hại từ các đài vô tuyến thuộc các quốc gia/nhà khai thác khác.

Hầu hết vệ tinh thông tin hoạt động ở quỹ đạo đồng bộ trái đất – quỹ đạo địa tĩnh, cùng tốc độ quay của Trái đất, nằm trên mặt phẳng xích đạo. Một vệ tinh địa tĩnh có thể phủ sóng được 1/3 bề mặt Trái đất tại độ cao 35786km. Vị trí tương đối của vệ tinh địa tĩnh là một yếu tố thuận lợi để truyền thông tin qua lại với trạm mặt đất. Mặc dù hiện nay quỹ đạo địa tĩnh hiện đã trở nên chật chội, đặc biệt ở các khu vực có nhiều khách hàng tiềm năng (Hình 1), tuy nhiên không có giới hạn về số lượng vệ tinh có thể cùng hoạt động trên quỹ đạo vì còn phụ thuộc vào các yếu tố khác. Thực tế, nhiều nhà khai thác vệ tinh có thể triển khai nhiều vệ tinh tại cùng một vị trí quỹ đạo. Do đó, vai trò của ITU trong việc quản lý việc khai thác hiệu quả phổ tần số, quỹ đạo vệ tinh địa tĩnh là rất quan trọng đối với các quốc gia, nhà khai thác vệ tinh hiện nay và trong tương lai.

Tổng quan về thủ tục pháp lý của ITU đăng ký vị trí quỹ đạo vệ tinh địa tĩnh

Khai thác nguồn tài nguyên tần số, quỹ đạo vệ tinh do ITU quản lý thông qua hai quy trình xử lý riêng rẽ được quy định trong Thể lệ vô tuyến điện của ITU. Các quy trình này được các thành viên của ITU xem xét, thảo luận và quyết định tại Hội nghị thông tin vô tuyến điện (World Radiocommunication Conference - WRC) của ITU. Hai quy trình này là:

- Băng tần Không quy hoạch được hiểu là các băng tần thông dụng cho nghiệp vụ vệ tinh như Băng tần C: 5850-6725 MHz; 3400-4200MHz. Băng tần Ku: 13.75-14.5GHz; 10.95-11.2GHz/11.45-11.7GHz/12.2-12.75GHz;

 - Băng tần Quy hoạch (cho nghiệp vụ FSS): Băng tần C: 4500-4800MHz; 6725-7025MHz. Băng tần Ku: 10.70-10.95GHz; 11.2-11.45GHz and 12.75-13.25GHz.

· “Đến trước, ưu tiên trước – First come, first serve”: được trình bày chi tiết trong điều 9, điều 11 và Tập I của Thể lệ vô tuyến điện: quy trình này căn cứ trên quy trình Phối hợp và bảo vệ can nhiễu có hại từ các đài vô tuyến khác. Quy trình này chỉ áp dụng cho băng tần Không quy hoạch;

·“Theo Quy hoạch”: được trình bày trong các Phụ lục thuộc Tập II của Thể lệ vô tuyến điện. Quy trình này dựa trên việc phân bổ vị trí quỹ đạo và phổ tần số cho mỗi quốc gia trên thế giới được sử dụng hai nghiệp vụ Cố định qua vệ tinh (FSS) và Quảng bá qua vệ tinh (BSS) để đảm bảo cho mọi quốc gia thành viên của ITU đều có một vị trí quỹ đạo và phổ tần số để khai thác vệ tinh. Quy trình này được áp dụng cho băng tần Quy hoạch.

Các thủ tục cơ bản sau đây sẽ được áp dụng để đăng ký một vị trí quỹ đạo trong băng tần Không Quy hoạch (Hình 2). Quy trình này gồm 3 bước:

·Đệ trình Bộ hồ sơ Xuất bản trước - API;

·Đệ trình Bộ hồ sơ Yêu cầu phối hợp – CR;

·Đệ trình Bộ hồ sơ Thông báo – N.

Quy trình này bắt đầu bằng việc đệ trình lên ITU-R bộ hồ sơ Xuất bản trước (Advance Publication Information-API). Quốc gia đăng ký bộ hồ sơ này sẽ cung cấp các thông tin tổng quan về mạng vệ tinh dự kiến triển khai theo quy định trong Phụ lục 4 của Thể lệ vô tuyến điện như vị trí quỹ đạo, băng tần, vùng phủ sóng. Bộ hồ sơ API này được đệ trình không sớm hơn 7 năm và không muộn hơn 2 năm trước ngày dự định đưa vệ tinh vào sử dụng (BIU- Bringing into Use). Thông tin của bộ hồ sơ này sẽ được Văn phòng vô tuyến của ITU-R (BR) xuất bản trong Thông tư về thông tin tần số quốc tế (BR-IFIC: International Frequency Information Cirrcular). BR-IFIC sẽ được xuất bản với định kỳ 2 tuần. Ngày BR nhận được bộ hồ sơ API được quy định là điểm bắt đầu để tính thời hạn của một bộ hồ sơ vệ tinh (T0). Quốc gia đệ trình bộ hồ sơ này có thời gian là (T0 7 năm) để đưa vệ tinh vào hoạt động.

Nếu một trong số các thông tin sau đây thay đổi hoặc không được đáp ứng, bộ hồ sơ API (Hình 3) cần phải đăng ký lại:

·Băng tần số thay đổi hoặc đăng ký thêm băng tần mới;

·Vị trí quỹ đạo sai khác ± 6o so với vị trí quỹ đạo khai báo trong hồ sơ API trước đó;

·Không đệ trình bộ hồ sơ CR trong vòng 2 năm kể từ ngày BR nhận bộ hồ sơ API.

Hình 3: Ví dụ của một bộ hồ sơ xuất bản trước

Bộ hồ sơ CR có thể đệ trình tại bất kỳ ngày nào trong khung thời gian (T0 6 tháng) nhưng ngày BR xác nhận nhận bộ hồ sơ này – ngày ưu tiên - sẽ được tính tại ngày cuối cùng của (T0 6 tháng) để đảm bảo công bằng cho các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Trong vòng 2 năm kể từ ngày BR nhận được bộ hồ sơ API, quốc gia đăng ký cần phải đệ trình tiếp bộ hồ sơ Yêu cầu phối hợp (CR – Coordination Request). Ngày BR nhận được bộ hồ sơ này sẽ được tính là ngày ưu tiên của một bộ hồ sơ vệ tinh đăng ký mới đó. Ngày ưu tiên được đưa ra để đảm bảo sự công bằng trong quá trình xử lý hồ sơ của BR: hồ sơ mạng vệ tinh nào đệ trình trước thì sẽ được ưu tiên xử lý trước và và ưu tiên hơn trong quá trình phối hợp tần số. Bên cạnh đó, mạng hồ sơ đệ trình sau phải bảo vệ can nhiễu có hại cho mạng vệ tinh đệ trình trước đó và cho mạng vệ tinh đã được ghi vào bảng đăng ký tần số chủ quốc tế của ITU (MIFR). Thông tin trong bộ hồ sơ CR này sẽ là các thông tin chi tiết về dự án vệ tinh sẽ triển khai như: vị trí quỹ đạo, vùng phủ sóng, vùng dịch vụ, tần số trung tâm của bộ phát đáp, băng thông bộ phát đáp, kiểu sóng mang, công suất phát, chỉ số bảo vệ, đặc điểm trạm mặt đất…Sau khi xem xét tính hợp lệ của bộ hồ sơ CR, BR sẽ xuất bản các thông tin này trong BR-IFIC và đưa ra danh sách các mạng vệ tinh bị ảnh hưởng bởi mạng vệ tinh đăng ký mới này. Và quốc gia đăng ký mạng vệ tinh mới phải tiến hành phối hợp tần số với các quốc gia bị ảnh hưởng để đảm bảo hoạt động không can nhiễu giữa các mạng vệ tinh liên quan. Quá trình phối hợp tần số thường kéo dài nhiều năm và đóng vai trò quyết định liệu vị trí quỹ đạo/ tần số đăng ký mới đó có khả thi để phóng và khai thác vệ tinh hay không. Hình 4 là ví dụ về bộ hồ sơ CR.

Cuối cùng, quốc gia đăng ký cần phải đệ trình bộ hồ sơ Thông báo thông báo với ITU quá trình phối hợp tần số liên quan đã hoàn thành và vệ tinh này đã được đưa vào sử dụng. Bộ hồ sơ Thông báo này cần phải được đệ trình trước ngày hết hạn theo quy định trong Thể lệ vô tuyến điện là (T0 7 năm).

Theo quy định của ITU, hai bộ hồ sơ CR và N sẽ phải nộp phí xử lý hồ sơ cho ITU (giá trị điển hình là 24.620 CHF đối với bộ hồ sơ CR, 30.910 CHF với bộ hồ sơ N)

Ngay khi nhận được bộ hồ sơ Thông báo, BR sẽ tiến hành xem xét sự hợp lệ của bộ hồ sơ này:

·Đã hoàn thành phối hợp tần số?

·Có phù hợp với các quy định trong Thể lệ vô tuyến điện: băng tần, giá trị mật độ thông lượng công suất (pfd)…?

Nếu bộ hồ sơ Thông báo vượt qua bước xem xét này, hồ sơ vệ tinh đăng ký sẽ được ghi vào vào bảng đăng ký tần số chủ quốc tế của ITU-R (MIFR), chính là ghi các ấn định tần số vào MIFR - là bước công nhận của ITU đối với một hồ sơ vệ tinh, và từ đó trở đi, các ấn định tần số của hồ sơ vệ tinh này sẽ được bảo vệ can nhiễu có hại từ các đài vô tuyến khác.

Bên cạnh 3 bước quy định trên, quốc gia đăng ký hồ sơ vệ tinh cần phải gửi thêm cho BR hai thông tin sau để xác nhận với ITU-R và cộng đồng quốc tế về tính xác thực của một dự án vệ tinh, tránh tình trạng khai báo thông tin “ảo” để chiếm giữ vị trí quỹ đạo:

·Các thông tin về vệ tinh sắp được phóng lên quỹ đạo, về Hợp đồng sản xuất vệ tinh (ngày hiệu lực và kết thúc của Hợp đồng), về Hợp đồng cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh (ngày hiệu lực và kết thúc của Hợp đồng, loại tên lửa phóng, địa điểm phóng). Thông tin khai báo này có tên gọi là Due Diligence theo Nghị quyết 49 (Res 49) của WRC;

·Xác nhận ngày thực tế vệ tinh “có mặt” tại vị trí quỹ đạo đăng ký, có khả năng thu/phát tại các tần số đăng ký và hoạt động liên tục trong 90 ngày tại vị trí quỹ đạo đó.

Một ấn định tần số, hồ sơ vệ tinh sẽ bị ITU hủy nếu không đáp ứng được một trong các điều kiện sau trước ngày hết hạn T0 7 năm:

·Không đệ trình bộ hồ sơ Thông báo;

·Không đưa các ấn định tần số của vệ tinh vào hoạt động (một vệ tinh có nhiều ấn định tần số, ấn định tần số nào không được sử dụng trước thời hạn quy định sẽ bị hủy);

·Không gửi thông tin Res 49 ;

·Không xác nhận ngày thực tế vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo trong vòng 120 ngày kể từ mốc (T0 7 năm).

Kết luận

Có thể thấy các thủ tục đăng ký và phối hợp tần số/quỹ đạo vệ tinh hết sức phức tạp. Để có được vị trí quỹ đạo cho phóng vệ tinh cần sự chủ động, sáng tạo, bản lĩnh trong hợp tác phối hợp quốc tế, nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia về tần số và vị trí quĩ đạo. Với kinh nghiệm tích lũy từ hai dự án phóng vệ tinh VINASAT -1/2, Việt Nam/VNPT có đủ năng lực, chủ động thực hiện các thủ tục pháp lý với ITU, bảo vệ cho hệ thống vệ tinh VINASAT hoạt động an toàn trong khuôn khổ pháp lý của ITU và phấn đấu đăng ký thành công nhiều vị trí quỹ đạo khác./.

Tài liệu tham khảo:

[1] INTERNATIONAL TELECOMMUNICATIONS UNION. Radio Regulations 2012.

[2] COUNCIL 2012. Decision 482, Implementation of cost recovery for satellite network filings. Geneva. ITU.Doc. C12/95(Rev.2)-E.

[3] AUDREY L. ALLISON 2012. Paper satellites, Virtual Satellites: Managing Satellite Orbital and Spectrum Resources in an Increasingly Competitive and Congested Environment.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thủ tục đăng ký vị trí quỹ đạo vệ tinh địa tĩnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO