Đó là một trong nội dung tại Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Uỷ ban Quốc gia về CPĐT ngày 10/3/2021.
Thông báo nêu rõ, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử, tập trung nguồn lực nâng tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, 4 và tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (DVCQG) bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2021, phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN).
Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực của các thành viên Ủy ban, các bộ, ngành, địa phương, DN đã tâm huyết, tích cực, chung sức, đồng lòng đóng góp cho thành công trong công tác xây dựng CPĐT và CĐS trong thời gian qua.
Thủ tướng biểu dương Bộ TT&TT đã thực hiện tốt vai trò đầu mối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối công tác xây dựng, phát triển CPĐT, CĐS; biểu dương, đánh giá cao Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, quyết liệt trong việc xây dựng các nền tảng CPĐT phục công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng cũng ghi nhận, biểu dương những đóng góp tích cực, hiệu quả của các DN CNTT như Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần CMC, Công ty cổ phần BKAV,... trong công tác xây dựng CPĐT, CĐS quốc gia, phục vụ người dân, DN.
Để phát triển CPĐT, CĐS giai đoạn tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, về thể chế, chiến lược phát triển CPĐT, Chính phủ số, Bộ Công an đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Chính phủ xem xét ban hành; Bộ TT&TT khẩn trương tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để hoàn thiện dự thảo Nghị định về định danh và xác thực điện tử trình Chính phủ xem xét, ban hành; hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Chiến lược phát CPĐT hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Về triển khai các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, Bộ Công an triển khai hiệu quả CSDL quốc gia về dân cư, kết nối, chia sẻ, khai thác triệt để dữ liệu để giảm tối đa giấy tờ trong xử lý TTHC, đến tháng 7/2021 khai thác, sử dụng chính thức trên diện rộng; Bộ Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ xây dựng CSDL Đất đai quốc gia, bảo đảm đến tháng 07/2021 hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai theo quy định.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sử dụng, khai thác hiệu quả các dịch vụ cung cấp trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; chủ động thực hiện kết nối, chia sẻ, cung cấp dữ liệu của mình cho các cơ quan khác theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; 100% các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin và đề xuất phương án bảo đảm an toàn thông tin.
Về việc triển khai CĐS, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng, triển khai ngay các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án CĐS cho giai đoạn mới, quyết tâm thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình CĐS quốc gia; các bộ, ngành, địa phương, DN, trường học tiếp tục duy trì, phát triển các hoạt động trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội như đã được hình thành trong thời gian dịch bệnh COVID-19; Bộ TT&TT tăng cường quản lý, đẩy mạnh triển khai CNTT và viễn thông phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số.
Trước đó tại phiên họp sơ kết 2 năm thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP của Ủy ban quốc gia về CPĐT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, với việc ban hành Nghị quyết số 17/NQ-CP, lần đầu tiên chúng ta có kế hoạch tổng thể về triển CPĐT ở Việt Nam. Bộ máy chỉ đạo, điều hành triển khai CPĐT được kiện toàn. Ủy ban quốc gia về CPĐT được mở rộng chức năng, nhiệm vụ để chỉ đạo thêm nội dung về CĐS, kinh tế số, đô thị thông minh...
Thủ tướng cũng cho biết, báo cáo khảo sát xếp hạng mức độ phát triển CPĐT năm 2020 của Liên Hợp Quốc, xếp hạng chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam đứng thứ 86/193 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2018.