Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
Tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, nhìn tổng thể sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, có thể khẳng định chương trình đã được triển khai tích cực, đúng hướng và đạt được nhiều kết quả quan trọng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực.
Cả hệ thống chính trị đã nghiêm túc triển khai Nghị quyết của Trung ương về nông nghiệp, nông thôn và nông dân; từ Chính phủ, đến các bộ, ngành, địa phương đều tích cực vào cuộc, có kế hoạch triển khai cụ thể, rõ ràng.
Đến nay, xây dựng NTM đã trở thành phong trào thi đua, phong trào quần chúng sôi nổi và tương đối đều khắp trong cả nước. Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của đa số cán bộ và người dân: Từ trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước, sang tự chủ thực hiện, tạo thành phong trào sôi động khắp cả nước.
Đội ngũ cán bộ vận hành chương trình, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở đã có tiến bộ rõ rệt. Vai trò của các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể ở nhiều nơi được phát huy, dân chủ ở nông thôn được nâng lên về chất.
Tỉ lệ xã đạt chuẩn NTM tính đến hết tháng 11/2015 trên cả nước đạt 14,5%, dự kiến cuối năm đạt 16%. Tuy chưa đạt mục tiêu đề ra là 20%, nhưng kết quả này có ý nghĩa rất lớn. Thêm vào đó là số tiêu chí cấp xã đạt được tăng lên, một xã đạt bình quân gần 13 tiêu chí (tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010).
Số xã khó khăn đã nỗ lực vươn lên, từ xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên; đã có 10 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM và có 8 huyện, thị xã đã có tờ trình của UBND tỉnh, thành phố đề nghị xét, công nhận.
Trong xây dựng NTM, 5 năm qua, thu nhập của người nông dân tăng lên 1,9 lần (mục tiêu đề ra là tăng 1,5 lần); số hộ nghèo ở nông thôn giảm mạnh, còn 8,2%.
Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng NTM, đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, kinh nghiệm tốt. Cụ thể có tới 22.000 mô hình sản xuất nông lâm nghiệp tiên tiến, hiệu quả. Đây là cơ sở để chúng ta nhân rộng, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 41 tập thể cấp huyện dẫn đầu trong phong trào xây dựng NTM. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
“Những kết quả này tạo điều kiện, tiền đề để Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM - một nội dung quan trọng trong nghị quyết tam nông của Trung ương trong 5 năm tới sẽ được thực hiện tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn”, Thủ tướng phát biểu.
Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh những hạn chế cần phải tập trung khắc phục, trong đó lưu ý sự chênh lệnh tiêu chí giữa các xã ở các vùng miền còn lớn; tỉ lệ hộ nghèo so với bình quân cả nước còn cao, số hộ nghèo ở các huyện nghèo chiếm tỉ lệ lớn; nhận thức ở một số nơi về mục đích, ý nghĩa của chương trình chưa đầy đủ; công tác tuyên truyền có mặt còn hạn chế.
Có cơ chế, chính sách để thực hiện chương trình hiệu quả
Về phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cơ bản đồng tình với Báo cáo sơ kết của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh mục tiêu được xác định trong giai đoạn 2016-2020 là những con số rất cụ thể, đó là phấn đấu 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn NTM; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một huyện đạt chuẩn NTM; không còn xã dưới 5 tiêu chí. “Những con số này rất cụ thể, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chúng ta, cả hệ thống chính trị của chúng ta phải nỗ lực thực hiện”.
Từ mục tiêu nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện trong giai đoạn tới.
Theo đó, trước hết cần tập trung rà soát, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho thực hiện mục tiêu Chương trình. Đây là nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định.
“Tôi đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM rà soát lại tất cả các cơ chế, chính sách để thực hiện chương trình một cách hiệu quả. Phải cụ thể, không thể nói chung chung. Ví dụ, chúng ta nói muốn xây dựng NTM thì phải đưa doanh nghiệp về sản xuất ở địa bàn nông thôn. Nói thì dễ nhưng muốn doanh nghiệp đặt cơ sở sản xuất ở địa bàn nông thôn thì không dễ, nên phải cụ thể là cơ chế gì, chính sách gì để thu hút doanh nghiệp về nông thôn”, Thủ tướng chỉ đạo.
Đi liền với đó là đề cao trách nhiệm, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị về xây dựng NTM; phải coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, bởi xây dựng NTM với 19 tiêu chí chính là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần vào tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
“Thực tế cho thấy, nơi nào được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, sát sao trong chỉ đạo, triển khai thực hiện, có sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm… thì nơi đó xây dựng NTM được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả. Chính vì vậy, việc đề cao trách nhiệm, nâng cao nhận thức có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Phải tập trung chỉ đạo một cách thiết thực, cụ thể, hiệu quả và đồng bộ để đạt được kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra”, Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 51 xã, thị trấn tiêu biểu trong phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng NTM. Ảnh: VGP/Nhật Bắc. |
“Việc này vừa qua chúng ta đã làm, có kết quả, nhưng vẫn còn chưa tương xứng. Ngược lại có việc còn dùng biện pháp hành chính để bắt buộc dân đóng góp quá mức. Cần nghiêm túc nhìn nhận, rút kinh nghiệm”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thẳng thắn chỉ ra bất cập này.
Một nhiệm vụ lớn nữa được Thủ tướng đề cập là phải tiếp tục quan tâm huy động các nguồn lực cho xây dụng NTM. Trong đó, Trung ương sẽ cố gắng thu xếp, cân đối, bố trí nguồn lực cho thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; đồng thời các địa phương cũng phải tính toán cân đối ngân sách địa phương, lồng ghép thực hiện với nguồn vốn của các chương trình khác; vận động nhân dân đóng góp phù hợp với khả năng; huy động các nguồn lực từ xã hội...
Thủ tướng cũng lưu ý cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn đến thực hiện một số tiêu chí còn đạt ở mức thấp, trong đó có tiêu chí về huy động nguồn lực cho phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi; tiêu chí về phát triển lực lượng sản xuất ở địa bàn nông thôn gắn liền với tái cơ cấu nông nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động; các tiêu chí về thúc đẩy sản xuất, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường; tiêu chí về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn...
Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo các cấp tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM; phấn đấu nỗ lực hết mình để hoàn thành đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình trong giai đoạn 2016-2020.
Xây dựng NTM trở thành phong trào cách mạng sâu rộng
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng sau 5 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM, tuy kết quả mới bước đầu đạt được, song đã khẳng định được sự đúng đắn của một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Đây là phong trào được lòng dân, được nhân dân ủng hộ, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
“Có thể khẳng định, phong trào xây dựng NTM thời gian qua thực sự là một phong trào cách mạng sâu rộng; huy động được sự tham gia của toàn dân và thành công, kết quả đạt được cũng vì mục tiêu cuối cùng là xây dựng đời sống mới, chăm lo lợi ích thiết thực, nhiều mặt cho người nông dân”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định Quốc hội sẽ cùng các cấp chính quyền quan tâm, tập trung chỉ đạo để chương trình xây dựng NTM tiếp tục được triển khai thực hiện và phát huy hiệu quả hơn nữa.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng hệ thống chính trị không chỉ phải có quyết tâm cao mà “phải hành động bằng tất cả tình cảm, con tim của mình” hướng về người nông dân, khu vực nông thôn - khu vực có tới 70% dân cư sinh sống.
Cùng với đó phải luôn lấy người nông dân làm chủ thể; từ quy hoạch, đến đầu tư sản xuất, phát triển hạ tầng, chăm lo phát triển cho y tế, văn hóa, giáo dục… đều phải xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.