Thủ tướng Chính phủ: Đưa Việt Nam hội nhập thành công và vươn lên vị thế cao trong nền kinh tế số và xã hội thông tin toàn cầu, đó là trách nhiệm lịch sử của chúng ta. (Ảnh: T.H/Vietnam )
Thành công dù đi sau
Thủ tướng Chính phủ cho hay, nhân loại đang đứng trước cuộc cách mạng được dự báo sẽ thay đổi cách thức con người sống, làm việc và tương tác. Hàng loạt công nghệ mới mang tính đột phá đang xóa đi những ranh giới truyền thống của không gian vật lý, không gian sinh học, tạo tiền đề cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Với cuộc cách mạng số, các nền kinh tế sẽ chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào những yếu tố truyền thống như lao động giá rẻ, đất đai, tài nguyên sang mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ…
“Cách mạng số sẽ mang lại đầy đủ cơ hội và thách thức cho các quốc gia. Việt Nam cần nhận thức đầy đủ những thách thức to lớn sẽ phải đối mặt như: nhiều ngành nghề sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày… sẽ mất lợi thế cạnh tranh; cùng với đó tình trạng thất nghiệp của lao động thủ công. Nguy cơ bất bình đẳng, khoảng cách giàu nghèo và cả cơ hội tiếp cận, khai thác các nguồn lực, tiện ích xã hội gia tăng,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, muốn thành công, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trong khu vực và trên thế giới, chúng ta cần phải vượt qua được những thách thức kinh tế xã hội cơ bản này. Việt Nam cần phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và công nghệ lạc hậu sang chủ yếu dựa vào công nghệ, nhân lực chất lượng cao và đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng cũng bày tỏ sự tin tưởng với lợi thế cạnh tranh về phát triển công nghệ thông tin và lợi thế nguồn lực “dân số vàng,” Việt Nam dù đi sau vẫn có thể thành công nếu chúng ta nắm bắt được cơ hội, có chiến lược đúng đắn, có chương trình hành động cụ thể, kịp thời và triển khai thực thi quyết liệt, hiệu quả.
Thực tế cho thấy, Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết 26, 36a của Chính phủ đã xác định mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin với quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp.
Với những bước tiến khá nhanh về phát triển công nghệ thông tin trong thời gian qua, Việt Nam đã có thứ hạng cao trên bản đồ công nghệ thế giới, trong đó xếp vị trí số 1 toàn cầu trong ngành dịch vụ phần mềm thuê ngoài; đứng đầu về chỉ số kinh tế ứng dụng di động trong 6 nước phát triển nhất khu vực ASEAN. Năm 2016, chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam được Liên hợp quốc xếp hạng thuộc nhóm các nước có chỉ số phát triển cao, đứng thứ 89/193 quốc gia, tăng 10 bậc so với năm 2015.
Bên cạnh đó, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đầu tư công nghệ cao với sự góp mặt của hàng loạt tập đoàn lớn như Samsung, IBM, Microsoft, Intel, Apple, Fujitsu… Nhiều doanh nghiệp Việt cũng được thế giới biết đến như FPT, VNPT, Viettel… và ngày càng có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Không bỏ lỡ cơ hội phát triển đất nước
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng khẳng định những kết quả này chưa xứng với tiềm năng, chưa đủ để vượt qua các thách thức mà Việt Nam cần đối mặt. Do đó, cần phải hành động nhanh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa; tạo cuộc cách mạng trong ứng dụng công nghệ, tạo phương thức phát triển mới, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia.
Thủ tướng yêu cầu tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh ứng dụng thông tin, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển và vì người dân.
Thứ hai, cần thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ trong mọi ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam thành Trung tâm công nghiệp phần mềm, ứng dụng di động và Trung tâm dịch vụ an toàn bảo mật thông tin của thế giới.
Thứ ba, cần thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp là con đường nhanh nhất để phát triển lực lượng doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ cao và tạo những nhân tố phát triển đột phá trong nền kinh tế số. Xóa bỏ mọi rào cản, khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Thứ tư là phát triển nguồn nhân lực số, biến lợi thế “dân số vàng” thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ để Việt Nam trở thành một trong những trung tâm cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho nền kinh tế số thế giới.
Thứ năm là từng bước xây dựng và phát triển các thành phố thông minh, đi đầu là các đô thị lớn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương…; giải quyết những bức xúc xã hội về giao thông, y tế, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, môi trường…
Cuối cùng, các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội cần nâng cao nhận thức về cuộc cách mạng số, đồng thời quyết liệt đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản trị hoạt động của mình. Đây phải được coi là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và là trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu trong các cơ quan tổ chức của Nhà nước, từ Trung ương xuống địa phương.
“Dù phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn, chúng ta quyết không bỏ lỡ cơ hội phát triển đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin tạo phương thức phát triển mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đưa Việt Nam hội nhập thành công và vươn lên vị thế cao trong nền kinh tế số và xã hội thông tin toàn cầu, đó là trách nhiệm lịch sử của chúng ta,” Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông cũng khẳng định cơ hội không tự đến. Bởi thế, phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn nếu không sẽ đánh mất thời cơ, vận hội của quốc gia, dân tộc.”./.