Thúc đẩy chuyển đổi số khu vực đô thị

Minh Thiện| 24/11/2020 15:12
Theo dõi ICTVietnam trên

Phát triển đô thị thông minh (ĐTTM) chính là thực hiện chuyển đổi số cho một đô thị với 3 nội dung chính bao gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Thử nghiệm chuyển đổi số trên diện rộng

Ngày 24/11, tại Hà Nội, Hội nghị Cấp cao thành phố thông minh 2020 (Smart City Summit) lần thứ 4 đã chính thức khai mạc. Khoảng 1.000 đại biểu đã tham gia theo dõi trên các nền tảng trực tuyến và 27 điểm cầu tại nhiều địa phương. Chương trình được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông và điều phối bởi Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA).

Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Từ góc độ nhận thức, phát triển ĐTTM chính là thực hiện chuyển đổi số cho một đô thị với 3 nội dung chính bao gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Từ góc độ chính sách, ĐTTM là nơi thí điểm, thử nghiệm triển khai các dịch vụ mới, mô hình mới, thí điểm các chính sách mới bằng việc sử dụng công nghệ số mới, làm ngay từ khâu xây dựng quy hoạch phát triển đô thị, xuất phát từ bài toán nhức nhối đặc thù của chính đô thị đó.

Thúc đẩy chuyển đổi số khu vực đô thị - Ảnh 1.

Các chuyên gia và đại diện cơ quan quản lý nhà nước tại phiên tọa đàm

Thành phố thông minh (smart city) là xu thế phát triển của tất cả các đô thị trên toàn thế giới. Chính phủ Việt Nam xác định phát triển ĐTTM bền vững là một hướng đi có tính đột phá để góp phần nâng cao tính cạnh tranh quốc gia. Vì vậy trong các năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy xây dựng và phát triển các thành phố thông minh, ĐTTM như Quyết định số 950/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 định hướng đến năm 2030, Quyết định 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", cùng nhiều chương trình, định hướng.

Bên cạnh các văn bản pháp lý, trong thời gian qua, Việt Nam đã rất tích cực tham gia vào các mạng lưới thành phố thông minh trong khu vực và trên thế giới. Hiện nay, trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang là quốc gia tích cực xây dựng thành phố thông minh với 3 trong số 26 thành phố thuộc mạng lưới thành phố thông minh ASEAN. Hiện nay, gần 40 địa phương tại Việt Nam đang triển khai xây dựng các mô hình thành phố thông minh.

Thành phố thông minh có lẽ là lĩnh vực ứng dụng mạnh mẽ nhất những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Có rất nhiều các yếu tố quan trọng trong phát triển thành phố thông minh nhưng có thể nói hạ tầng, nền tảng ICT và công nghệ số được coi là những yếu tố nền tảng, là cơ sở cho các yếu tố khác triển khai trên đó. Đây là các yếu tố len lỏi trong mọi lĩnh vực của thành phố thông minh và trực tiếp đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển đô thị.

Thúc đẩy chuyển đổi số khu vực đô thị - Ảnh 2.

Thúc đẩy chuyển đổi số khu vực đô thị - Ảnh 3.

Hình ảnh một số đầu cầu tham dự hội nghị trực tuyến

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết: Khung tham chiếu công nghệ thông tin (Khung tham chiếu ICT) phát triển ĐTTM đã được Bộ TT&TT đã ban hành ngày 31/5/2019. Đây là cơ sở để các địa phương xây dựng Kiến trúc công nghệ thông tin và triển khai hạ tầng công nghệ số phục vụ phát triển ĐTTM tại địa phương.

Theo thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, việc phát triển ĐTTM tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu, trong khi việc triển khai ĐTTM đòi hỏi áp dụng nhiều công nghệ mới, tiên tiến từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (Blockchain), Internet vạn vật (IoT),… và được triển khai trong phạm vi rộng ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đã đặt ra nhiều thách thức lớn cho các cơ quan quản lý ở trung ương và các địa phương trong quá trình tổ chức triển khai. Hạ tầng công nghệ thông tin, nền tảng cho phát triển ĐTTM phải bảo đảm đáp ứng được các yêu cầu đề ra, tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo đảm tính tương thích, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu, khả năng mở rộng linh hoạt trong tương lai và bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong suốt quá trình triển khai, vận hành ĐTTM.

Tiếp tục hoàn thiện chính sách thúc đẩy xây dựng thành phố thông minh

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam nhận định, thành phố thông minh là một xu thế không thể đảo ngược. Đây là giải pháp tối ưu giải quyết các vấn đề của đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh chóng, giúp các đô thị tối ưu hóa các nguồn lực, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh an toàn hơn, tiện ích hơn cho người dân và phát triển kinh tế xã hội. Việc xây dựng thành phố thông minh không chỉ của Chính phủ, chính quyền các cấp mà cần sự ủng hộ, đồng hành và vào cuộc mạnh mẽ của tất cả người dân và doanh nghiệp.

Ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng, Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng chia sẻ: Các nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển ĐTTM đều nhằm hướng tới 3 mục tiêu cơ bản là đạt được một môi trường đô thị bền vững; đạt được một cuộc sống chất lượng có chất lượng cao của cư dân và tạo nên nền kinh tế có sức cạnh tranh.

Thúc đẩy chuyển đổi số khu vực đô thị - Ảnh 4.

Ông Trần Quốc Thái, Cục trưởng, Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng

Thực tế triển khai tại Việt Nam cho thấy vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức cho các lãnh đạo các thành phố, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp trong đó lớn nhất là hành lang pháp lý và cơ chế hợp tác phù hợp. Theo ông Trần Quốc Thái, trong giai đoạn tới, Chính phủ sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển ĐTTM với 9 nhóm nhiệm vụ chính: Xây dựng nền tảng pháp lý và cơ sở đánh giá cho phát triển ĐTTM với các hoạt động trọng tâm; Thiết lập, duy trì, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu không gian đô thị số hóa liên thông đa ngành; Nghiên cứu ứng dụng, phát triển quy hoạch ĐTTM bền vững; Lập, thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án thí điểm phát triển ĐTTM bền vững; Đẩy mạnh chính phủ điện tử; Xây dựng các chính sách hỗ trợ và khuyến khích phát triển ĐTTM; Tập trung đào tạo cán bộ đầu mối của đề án; Xây dựng cơ chế điều phối phát triển ĐTTM; Tiếp tục thúc đẩy giao lưu, hợp tác quốc tế.

Hội nghị Cấp cao thành phố thông minh Việt Nam 2020 có 03 chuyên đề với 6 hội thảo gồm: Chiến lược và chính sách xây dựng ĐTTM; Các kinh nghiệm xây dựng và triển khai ĐTTM; Hạ tầng số cho ĐTTM; Khu ĐTTM - tương lai Bất động sản thập kỷ thứ 3; Khu công nghiệp thông minh - thế hệ bất động sản công nghiệp thứ 4; Các nền tảng và giải pháp số cho ĐTTM.

Tại các hội thảo chuyên đề, các đại diện cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ đã đưa ra những sáng kiến giải pháp công nghệ giúp thông minh hóa các đô thị của Việt Nam và khu vực nhằm tạo ra những không gian đáng sống cho người dân, những môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn cho các doanh nhân… Rất nhiều kinh nghiệm hữu ích đến từ các thành phố trong khu vực như Penang - Malaysia, Khonkaen - Thái Lan, các thành phố đang đi đầu trong xây dựng Smart City tại Việt Nam như: Đà Nẵng, Quảng Ninh, Huế… và những kinh nghiệm hợp tác triển khai các giải pháp từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu như Viettel, FPT, VNPT, Amazon cũng đã được chia sẻ.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy chuyển đổi số khu vực đô thị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO