Truyền thông

Thúc đẩy DN tư nhân đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới

Anh Minh 09:05 15/10/2023

Dự án IPSC sẽ hỗ trợ cải thiện chính sách, gỡ bỏ các rào cản thị trường và giải quyết các thách thức trong quản trị doanh nghiệp (DN), hướng tới thúc đẩy khu vực tư nhân Việt Nam đổi mới sáng tạo (ĐMST), nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.

Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong tăng trưởng kinh tế bền vững. Tuy nhiên các DN vẫn gặp nhiều khó khăn để nâng cao tri thức, tiếp cận nguồn vốn và mở rộng thị trường. Để cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các tiêu chuẩn mới và hướng đến tính bền vững và bao trùm.

Vì vậy, trong hơn 2 năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) với tài trợ từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho các DN tiên phong, DN áp dụng thực hành ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị).

Dự án IPSC sẽ hỗ trợ cải thiện chính sách, gỡ bỏ các rào cản thị trường và giải quyết các thách thức trong quản trị DN đang cản trở sự phát triển của các DN đang tăng trưởng - bao gồm cả các DN do phụ nữ và nhóm yếu thế làm chủ. Dự án hướng tới thúc đẩy khu vực tư nhân Việt Nam ĐMST, tăng cơ hội kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới.

que-hoi.jpg
Công ty cổ phần sản xuất và xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex) là một trong 3 DN đã chiến thắng chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam 2023.

Tại sự kiện Diễn đàn “Tiên phong tinh thần doanh nhân, kiến tạo Việt Nam bền vững” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với USAID tổ chức sáng 13/10, ông Mark Birnbaum, Giám đốc Dự án IPSC, đã công bố một số kết quả mà dự án đã đạt được trong thời gian qua.

Cụ thể, từ hơn 600 DN đăng ký, dựa trên những tiêu chí đánh giá khách quan và khoa học, Hội đồng đánh giá đã lựa chọn 22 DN tiên phong để nhận gói hỗ trợ được thiết kế riêng với tổng giá trị lên tới 150.000 USD (tuỳ theo quy mô, nhu cầu, năng lực và cam kết của DN).

Hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của Dự án cho DN tiên phong có sự đồng hành của các bên liên quan và tập trung vào xây dựng chiến lược tổng thể (bao gồm chiến lược định vị thương hiệu DN trên thị trường quốc tế); nghiên cứu và phát triển thị trường mục tiêu; hỗ trợ phát triển sản phẩm mang thương hiệu Việt; và hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện cho DN.

Để thúc đẩy DN khu vực tư nhân kinh doanh bền vững và thực hành khung đánh giá ESG, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và USAID khởi động cuộc thi Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 vào tháng 11/2022. Sáng kiến đã thu hút gần 150 hồ sơ đăng ký từ các DN tư nhân, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Trên cơ sở đó, Dự án đã lựa chọn 10 DN có sáng kiến tốt nhất để hỗ trợ đào tạo và tư vấn chuyên sâu 1-1 nhằm nâng cao năng lực và hiểu biết về ESG cũng như các mô hình kinh doanh bền vững khác, giúp các DN xây dựng, hoàn thiện kế hoạch triển khai ESG. Top 3 DN chiến thắng chung cuộc sẽ nhận được các hỗ trợ có tổng trị giá lên tới 2 tỷ đồng để thí điểm triển khai hoặc nhân rộng các sáng kiến kinh doanh bền vững.

Ngoài ra, một số kết quả đáng ghi nhận đã được công bố là có 3.155 DN đã nhận hỗ trợ kỹ thuật của Dự án IPSC, bao gồm đào tạo, huấn luyện 1-1 và tham gia các sự kiện kết nối thị trường để gia tăng doanh số bán hàng. Có 1.560 DN do phụ nữ làm chủ được hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. 82% DN áp dụng kiến thức và kỹ năng thông qua các hoạt động hỗ trợ của Dự án IPSC để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh. 47 DN đã tiếp cận thành công khách hàng mới trên thị trường quốc tế. Theo ghi nhận, sau khi nhận các hỗ trợ kỹ thuật từ Dự án, mức tăng trưởng doanh số bán hàng của các DN đã tăng 15%.

Dự kiến đến năm 2025, sẽ có khoảng 5.000 DN nhận được sự hỗ trợ từ Dự án IPSC để cải thiện hiệu quả hoạt động kinh doanh, giúp tăng doanh thu và ít nhất 100 DN tiếp cận thành công thị trường khu vực hoặc quốc tế./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy DN tư nhân đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO