Diễn đàn

Thực tiễn và hiệu quả ứng dụng AI tại các cơ quan báo chí Việt Nam

Hoàng Linh 18/03/2023 16:06

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ: “Dùng công nghệ hay bất cứ thứ gì thì không thể thêm năm tháng vào cuộc đời mà chúng ta chỉ có thêm một chút đời vào năm tháng”.

thu-truong-thanh-lam-18032023_2.jpeg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm: Chiến lược chuyển đổi số (CĐS) báo chí sẽ sớm được phê duyệt

Ngày 18/3, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tổ chức Hội thảo “Trí tuệ nhân tạo AI và quản trị sáng tạo nội dung trong toà soạn”.

Phóng sự truyền hình đầu tiên được viết bằng ChatGPT

Chia sẻ về câu chuyện ứng dụng AI tại Đài Truyền hình TP. HCM (HTV), nhà báo Ngô Trần Thịnh cho biết phóng sự truyền hình “Xu hướng phát triển trí thông minh nhân tạo tại Việt Nam” được viết bằng ứng dụng ChatGPT vừa được phát sóng trong chương trình Cuộc sống tương lai Cafetek trên HTV9. Đây là phóng sự đầu tiên tại Việt Nam do AI viết, thu hút sự quan tâm, chú ý của khán giả cũng như các chuyên gia trong lĩnh vực AI.

Chỉ trong vòng 8 phút, ChatGPT có thể đề xuất được 4 phần chính trong kịch bản và tự viết được hơn 500 chữ cho mỗi phần. Ngoài ra, ứng dụng này còn đề xuất thêm những chuyên gia tại Việt Nam để phỏng vấn, bổ sung vào bài phóng sự. Sau khi có bài viết cơ bản từ ChatGPT, ekip tiến hành lồng tiếng và tiến hành dựng clip trên nền tảng mà ứng dụng này đã viết.

Nhà báo Ngô Trần Thịnh, chịu trách nhiệm sản xuất chương trình Cafetek cho biết, văn bản mà ChatGPT thực hiện có thể tự tổng hợp, bố cục và viết bài tương tự như một biên tập viên (BTV) 1 - 2 năm tuổi nghề. Không quá hay, nhưng đầy đủ thông tin và góc nhìn, đủ để phục vụ thông tin cho khán giả. Thời gian để xong một kịch bản như vậy chỉ khoảng 8 phút, quá nhanh so với một BTV bình thường có thể làm.

Ứng dụng AI để tăng trải nghiệm bạn đọc

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, VietnamPlus chia sẻ toà soạn này đã sử dụng AI trong hoạt động báo chí khoảng 7-8 năm nay để tăng cường trải nghiệm, tạo ra những sản phẩm báo chí mới lạ, giá trị cho độc giả và điều quan trọng là giải phóng sức lao động cho phóng viên (PV), BTV và ứng dụng cho các công việc toà soạn.

Cụ thể, từ năm 2015, VietnamPlus đã trực quan hoá các bảng biểu lúc đó gọi là công nghệ automation và giờ gọi là AI. Nhờ ứng dụng AI, trong vài giây PV, BTV VietnamPlus đã có thể tạo ra các bảng biểu phù hợp. Các sản phẩm báo chất lượng cao lúc đó, VietnamPlus đều đẩy dữ liệu vào và là yếu tố giúp VietnamPlus đạt giải báo chí quốc gia 10 năm liên tiếp.

Đến năm 2019, Thông tấn xã Việt Nam với ứng dụng chatbot của báo điện tử VietnamPlus đã đoạt giải thưởng của Tổ chức các Hãng thông tấn khu vực châu Á-Thái Bình Dương (OANA) về trả lời độc giả. “Sau đó, VietnamPlus đã phát triển những sản phẩm podcast, là tiền đề để nhóm nghiên cứu ra trợ lý ảo tin tức đầu tiên tại Việt Nam. VietnamPlus cũng cá nhân hoá thông tin để cung cấp cho bạn đọc nhờ AI”, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật chia sẻ.

Phát triển dữ liệu bạn đọc nhờ AI

Chia sẻ về ứng dụng công nghệ, AI tại báo Tuổi trẻ, nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập cho biết khi báo Tuổi trẻ chuyển đổi từ toà soạn truyền thống sang toà soạn hội tụ phải mất tới 10 năm nhưng chuyển từ toà soạn hội tụ sang toà soạn chuyển đổi số (CĐS) thì chưa đến 2 năm. Việc này diễn ra vào thời điểm đại dịch COVID-19 do không thể vận hành toà soạn như cũ.

“Dù muốn hay không phải chuyển đổi và công việc được giảm bớt nhờ ứng dụng công nghệ, AI. Đầu năm 2023, báo Tuổi trẻ ra mắt tuổi trẻ online mới với giao diện được làm trong chỉ 3 - 4 tháng nhờ ứng dụng công nghệ số, AI, trong khi đó trước đây một giao diện mới phải làm mất cả năm”, nhà báo Lê Xuân Trung chia sẻ.

Cũng theo nhà báo Lê Xuân Trung, báo Tuổi trẻ cũng ứng dụng AI để phát triển dữ liệu người dùng. Báo đã thuê một công ty Ấn Độ làm rất tốt khai thác dữ liệu bạn đọc để đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc. Báo cũng đang triển khai chat Tuổi trẻ trong nội bộ để phát triển đề tài từ nguồn dữ liệu của báo như một PV đề xuất một đề tài mới thì phải nắm được thông tin các bài viết đã xuất bản liên quan để phát triển nội dung mới chứng không phải lặp lại. Điều này có nghĩa là tìm ý tưởng mới từ dữ liệu cũ.

Chat Tuổi trẻ cũng để giải đáp các câu hỏi của bạn đọc, trong đó có một ví dụ về câu hỏi được gửi đến toà soạn về các điểm tiêm vắc-xin cho trẻ em. Dữ liệu toàn bộ điểm tiêm vắc-xin mà toàn thể trẻ em ở TP. HCM có thể đến tiêm đã được tổng hợp để trả lời bạn đọc. Nhà báo Lê Xuân Trung cho biết đây là một cách ứng dụng AI trong phân khúc bạn đọc hẹp hơn.

Báo Tuổi trẻ mong muốn báo trở thành là một hệ sinh thái kết nối tất cả các nguồn lực hiện có để phát triển toà soạn, tránh phát triển nhiều sản phẩm mà không kết nối mà kết nối được thì chỉ có máy móc mới làm tốt. “Máy móc giúp tiết kiệm nguồn nhân lực theo cách phải đầu tư, tận dụng và phát huy hiệu quả hơn”, nhà báo Lê Xuân Trung chia sẻ.

Công cụ hỗ trợ nhà báo

Nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng Ban Báo điện tử báo Nhân dân chia sẻ ứng dụng AI, hãng thông tấn Reuters thực hiện tốt khi tổng hợp các thông tin trên mạng thay vì nhiều cơ quan báo chí hiện nay phải tổng hợp thông tin báo chí. Các cơ quan báo chí Việt Nam có thể ứng dụng

Hoạt động của toà soạn báo thường có ba khâu: tổ chức sản xuất nội dung, thiết kế và phân phối nội dung. Theo nhà báo Ngô Việt Anh trong khâu nội dung liên quan đến hậu kiểm, ứng dụng AI có thể giúp rà soát chính tả, các lỗi. Còn ứng dụng AI vào viết bài thì các bài viết thể thao mang tính tường thuật có thể hay bản tin chứng khoán có thể ứng dụng tốt. “AI ở đây mang tính chất trợ lý phóng viên hơn là viết báo”.

Về ứng dụng AI trong thiết kế, đã có nhiều toà soạn Việt Nam ứng dụng AI để làm ra nhiều đồ hoạ nhất là trong đợt dịch COVID-19. Ở Na Uy, một BTV ứng dụng AI để bắt chước giọng gần giống với người nổi tiếng. Về phân phối phát hành báo chí, AI được ứng dụng nhiều để phân tích dữ liệu người dùng để cá nhân hoá nội dung để cung cấp đúng theo từng nhu cầu bạn đọc.

Nhà báo Mai Đức Thông, Tổng Biên tập báo Tuyên Quang cho biết báo Tuyên Quang cũng như nhiều cơ quan báo chí địa phương đang trong giai đoạn bắt đầu ứng dụng AI trong hoạt động toà soạn. Vừa qua, báo Tuyên Quang đã tổ chức hội thảo về chatGPT - cơ hội và thách thức, thu hút quan tâm của nhiều nhà báo không chỉ trong tỉnh.

Báo Tuyên Quang coi đây chỉ là công cụ hỗ trợ nhưng không thể thay thế được nhà báo hiện trường vì chatGPT không có nhạy cảm chính trị, nhân văn, đạo đức người làm báo…. Chúng ta không né tránh ứng dụng công nghệ mà tranh thủ được thì phải trau dồi hơn về năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nhà báo để làm chủ AI.

“Báo Tuyên Quang sẽ tập huấn về sử dụng ChatGPT, trước tiên tìm kiếm tổng hợp thông tin, đặt câu hỏi trả lời, tiêu đề và tăng các bài trên mạng xã hội để tận dụng cơ hội mà AI mang lại và tránh nguy cơ có thể xay ra trong ứng dụng AI trong nghiệp vụ của mình”, nhà báo Mai Đức Thông nhấn mạnh.

Chủ động đổi mới phương thức truyền tải nhờ ứng dụng công nghệ, AI

Nhấn mạnh tại hội thảo, nhà báo Lê Quốc Minh, Tổng Biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam cho biết, CĐS đã và đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện nay. Là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế - xã hội, báo chí truyền thông phải đi đầu trong công cuộc CĐS quốc gia.

nha-bao-le-quoc-minh-18032023.jpeg
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Lê Quốc Minh: Báo chí phải chủ động đổi mới phương thức truyền tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc.

Trong bối cảnh đó, Tổng Biên tập Báo Nhân dân nhấn mạnh: “Báo chí phải chủ động đổi mới phương thức truyền tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số. Trước sự bùng nổ về cả tốc độ, số lượng và quy mô tiêu thụ thông tin hiện nay, các tổ chức báo chí, truyền thông sẽ dần quả tải nếu vẫn duy trì cách truyền thống”.

Để giải quyết vấn đề này, nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng AI để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản cũng như phân phối nội dung tin tức trên các nền tảng khác nhau, từ đó từng bước thay đổi trải nghiệm người dùng về nội dung bằng các hình thức phong phú, thông minh hơn. Tuy nhiên, những ứng dụng AI, đặc biệt là ChatGPT đã, đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức, nhất là đối với các nhà báo và các nhà quản lý báo chí.

Theo nhà báo Lê Quốc Minh, mối quan hệ giữa AI và báo chí đang được nhắc đến nhiều, nhưng thực ra nó không phải chuyện gì mới mẻ và không phải toàn những điều tồi tệ. Những cơ quan báo chí lớn như Forbes, hãng tin AP hay tạp chí online nhỏ hơn như Worldcrunch đã sử dụng AI nhiều năm qua, sản xuất những bản tin tự động và đơn giản.

Trong một kỷ nguyên mà các cơ quan báo chí phải cạnh tranh về tốc độ, những tiêu đề hoặc tóm tắt do AI gợi ý có thể giúp công tác nghiên cứu và viết bài hiệu quả hơn đối với những nhà báo luôn chịu sức ép về thời gian.

Nhưng ngay cả khi số lượng các nội dung tự động hóa phức tạp tăng lên, nhà báo Lê Quốc Minh cho biết các tòa soạn không thể phụ thuộc vào mỗi AI để sản xuất ra các bài báo. “Những cơ quan báo chí tên tuổi và có thương hiệu lớn đã phải mất nhiều thập kỷ thúc đẩy hoạt động đưa tin thận trọng và cân bằng, sẽ phải tiếp tục duy trì vị thế như là nguồn tạo ra nội dung gốc chất lượng cao để giành lấy niềm tin của độc giả, khán thính giả”.

“Và mặc dù công việc của những nhà báo bằng xương bằng thịt chưa bị thách thức quá lớn thì các cơ quan báo chí vẫn phải thích ứng với một kỷ nguyên mới với sự hiện diện ngày càng lớn trong mọi lĩnh vực đời sống của AI”, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân khẳng định.

Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược CĐS báo chí. Chủ đề hội thảo hôm nay rất hấp dẫn, mới, có những diễn biến bất ngờ và câu chuyện sẽ còn tiếp tục, thay đổi liên tục.

“Trong một xã hội có những giá trị cốt lõi, có những cái là tất yếu thì cách tiếp cận công nghệ hay bất cứ việc việc gì thì phải có đích đến là làm được điều gì tốt hơn, với chi phí hợp lý hơn, cuộc sống phải tươi đẹp hơn, dành thời gian và trí tuệ cho những thứ tạo ra giá trị hơn. Tất cả làm gì cũng chỉ có một cuộc đời, công nghệ không thể giúp chúng ta có thêm cuộc đời khác. Dùng công nghệ hay bất cứ thứ gì thì không thể thêm năm tháng vào cuộc đời mà chúng ta chỉ có thêm một chút đời vào năm tháng”, Thứ trưởng chia sẻ./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thực tiễn và hiệu quả ứng dụng AI tại các cơ quan báo chí Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO