Theo bà Lê Thị Thúy Bích, Cục Báo chí, từ năm 1998 - 2009, chính phủ Thụy Điển đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nâng cao đào tạo báo chí cả về phương diện nghiệp vụ và quản lý điều hành thông qua Dự án nâng cao đào tạo báo chí Việt Nam. Trong 10 năm, kết quả của dự án là rất đáng ghi nhận là đã đào tạo cho hơn 5000 nhà báo trên khắp cả nước.
Dự án này đã giúp xây dựng được một đội ngũ trợ giảng, giảng viên và phiên dịch dày dặn kinh nghiệm, đồng thời cũng xuất bản được 7 cuốn cẩm nang nghiệp vụ báo chí phát tới nhiều cơ quan báo chí trên khắp cả nước.
Tiếp nối thành công của giai đoạn trước, Chính phủ Thụy Điển đã tiếp tục hỗ trợ một dự án thông qua Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ báo chí thuộc Cục Báo chí, Bộ TTTT. Qua 3 năm thực hiện, dự án đã đào tạo được 41 khóa đào tạo với 1000 học viên về kỹ năng làm báo, nhiều hội thảo báo chí được tổ chức. Bên cạnh đó, các khóa học tại chỗ như tại Báo Tuổi trẻ, Báo Nông thôn Ngày nay thì con số học viên được hưởng lợi từ Dự án này là rất lớn bởi cả tòa soạn được tham gia đào tạo.
Trong suốt quá trình đào tạo nghiệp vụ, các nhà báo Việt Nam đã đạt được các tiêu chuẩn rất cao về trình độ chuyên môn và có những khả năng đưa tin về các sự kiện cũng như nâng cao tính chuyên nghiệp của các nhà báo. Đồng thời, không chỉ có các nhà báo, mà còn rất nhiều khóa đào tạo của Trung tâm đã giúp cho các nhà quản lý báo chí thông qua các khóa học quản lý báo chí đã có khả năng điều hành hoạt động báo chí hiệu quả.
Hội thảo “Kỹ năng báo chí và truyền thông hiện đại trong thế kỷ XXI: Chia sẻ kinh nghiệm giữa Thụy Điển và Việt Nam” do Bộ TTTT phối hợp với Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam và Đại học Lund (Thụy Điển) tổ chức tháng 12/2016 (Ảnh: baoquocte.vn)
“Kết quả là sau 3 năm thực hiện dự án, Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ báo chí đã được công nhận như là một Trung tâm đào tạo báo chí chất lượng của Việt Nam với những chương trình đào tạo báo chí rất là thiết thực và hiệu quả”, bà Bích nhấn mạnh.
Đội ngũ giảng viên Thụy Điển là những giảng viên trình độ cao. Các học viên tham gia các khóa học được tiếp cận một phương pháp giảng dạy mới và thực sự bổ ích cho họ từ các giáo viên Thụy Điển, giúp cho những khóa học đạt chất lượng cao.
Công tác hỗ trợ đào tạo báo chí của Thụy Điển cũng thực sự đã hỗ trợ Bộ TTTT rất là lớn trong quá trình xây dựng chiến lược phát triển báo chí cho Việt Nam và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về báo chí”, bà Bích cũng cho biết.
Sau khi kết thúc hỗ trợ đào tạo báo chí của Thụy Điển, bà Bích cho biết Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ báo chí vẫn tiếp tục tham gia vào Dự án nâng cao năng lực báo chí cho các cơ sở đào tạo báo chí ở Đông Nam Á, kéo dài từ năm 2017 - 2019. Dự án do Học viện Báo chí Thụy Điển (FOJO) trực tiếp đồng hành và mục đích là thiết lập một mạng lưới cơ sở đào tạo báo chí tương đồng ở Đông Nam Á.
Được thành lập từ sự hỗ trợ của Thụy Điển, Trung tâm bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ báo chí Việt Nam tham gia dự án khu vực cùng với các Trung tâm khác của các nước khác như : Viện đào tạo báo chí Thụy Điển, Viện Truyền thông Campuchia, Trung tâm độc lập báo chí Campuchia, Viện đào tạo báo chí Myanmar, Lào hay Liên minh báo chí Đông Nam Á. Tất cả các tổ chức tham gia vào dự án này đều hỗ trợ nhau và chia sẻ kinh nghiệm với nhau trong công tác đào tạo báo chí.
Bà Bích cho biết thêm: “Sự hỗ trợ của Chính phủ Thụy Điển trong suốt một thời gian dài cho báo chí Việt Nam không chỉ giúp các cơ sở đào tạo báo chí, tòa soạn ở Việt Nam mà còn trực tiếp cho các nhà báo. Hàng nghìn nhà báo trên khắp cả nước và hàng trăm các cơ quan báo chí đã được thụ hưởng từ các hoạt động đào tạo báo chí do Thụy Điển hỗ trợ. Các nhà báo không chỉ áp dụng kiến thức được đào tạo cho các tòa soạn, các sản phẩm báo chí của mình mà còn làm thay đổi trong chính tòa soạn của họ”.