Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử

Lan Phương| 13/09/2019 16:29
Theo dõi ICTVietnam trên

Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử đã tổ chức phiên họp thứ hai để đóng góp ý kiến vào dự thảo tiếp theo của Nghị định.

Ngày 13/9/2019, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng, Trưởng Ban soạn thảo đã chủ trì phiên họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử. Tham dự phiên họp có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và các đơn vị chức năng liên quan của Bộ TTTT.

Toàn cảnh phiên họp

Tại phiên họp, ông Lã Hoàng Trung, Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia (NEAC) thuộc Bộ TTTT, đơn vị thường trực Ban soạn thảo Nghị định cho biết sau cuộc họp lần thứ nhất nhiều ý kiến đóng góp đã được gửi đến thường trực để hoàn thiện Dự thảo Nghị định.

Dự thảo 2 của Nghị định nêu rõ mô hình định danh và xác thực điện tử gồm:

Các cơ quan nhà nước: Bộ TTTT chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về định danh và xác thực điện tử: Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử; Xây dựng, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật; Quản lý, vận hành nền tảng xác thực điện tử quốc gia; Đánh giá, kiểm tra, thanh tra việc cung cấp và sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử.

Văn phòng Chính phủ quy định việc định danh và xác thực điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia; Các Bộ ngành, địa phương triển khai, xây dựng ứng dụng định danh, xác thực điện tử đáp ứng đủ điều kiện quy định.

Các tổ chức cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử: Tổ chức cung cấp thông tin định danh điện tử gốc; Tổ chức cung cấp thông tin định danh điện tử; Tổ chức cung cấp phương thức xác thực và chứng thư xác thực.

Các tổ chức tiềm năng, gồm: Tổng cục Thuế, các ngân hàng, các doanh nghiệp viễn thông, bảo hiểm xã hội Việt Nam, các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số…

Các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử…

Dự thảo lần này sửa đổi bổ sung một số nội dung của các chương, điều. Cụ thể, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung nguyên tắc định danh điện tử và xác thực điện tử: Thông tin định danh điện tử do cá nhân, tổ chức cung cấp, quản lý, cập nhật, thay đổi. Bất kỳ sự thay đổi thông tin định danh điện tử phải được sự đồng ý của cá nhân, tổ chức liên quan.

Các hành vi bị cấm trong hoạt động định danh và xác thực điện tử gồm: Các tổ chức không được tiết lộ, mua bán, trao đổi thông tin định danh điện tử của thuê bao khi chưa được sự cho phép của thuê bao.

Về định danh điện tử, dự thảo Chương II nêu rõ định danh điện tử có giá trị pháp lý trong các giao dịch điện tử. Khi đáp ứng các yêu cầu và quy định của bên cung cấp dịch vụ, định danh điện tử có giá trị pháp lý tương đương với việc sử dụng giấy tờ định danh tương ứng trong đời thực. Cụ thể, thông tin định danh điện tử đối với tổ chức: Trong trường hợp tổ chức không có mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách và mã số thuế của tổ chức thì không thể đề xuất sử dụng thông tin khác. Tổ chức cung cấp thông tin định danh điện tử bao gồm tổ chức cung cấp thông tin định danh điện tử gốc, tổ chức cung cấp thông tin định danh điện tử và tổ chức cung cấp thông tin bổ sung.

Hiện trạng một số cơ sở dữ liệu thông tin định danh

Theo dự thảo định nghĩa, tổ chức cung cấp thông tin định danh điện tử gốc là các tổ chức tạo lập thông tin định danh gốc của người dân, doanh nghiệp và tổ chức, bao gồm: Bộ Tư pháp tạo lập thông tin hộ tịch cá nhân; Bộ Công an tạo lập số định danh cá nhân, số chứng minh nhân dân; Bộ Kế hoạch và Đầu tư tạo lập thông tin doanh nghiệp; Bộ Tài chính tạo lập mã số thuế của cá nhân, DN, tổ chức và mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách; Bảo hiểm xã hội Việt Nam tạo lập mã số bảo hiểm xã hội.

Theo điều 9 của dự thảo Nghị định, điều kiện kỹ thuật cung cấp thông tin định danh điện tử phải đáp ứng các yêu cầu bảo đảm an toàn hệ thống thông tin đối với hệ thống thông tin cấp độ 4 theo quy định tại Nghị định 85/2016 ngày 1/7/2016 về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.

Điều kiện hoạt động cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử cần đáp ứng: Có giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp thông tin định danh điện tử cá nhân, tổ chức; Có giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp phương tiện xác thực và chứng thư xác thực phục vụ việc xác thực điện tử.

Về dịch vụ định danh và xác thực điện tử (Chương IV) quy định rõ điều kiện hoạt động cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử đáp ứng các điều kiện là có giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp thông tin định danh điện tử của cá nhân, tổ chức; có giấy chứng nhận đủ điều kiện cấp phương tiện xác thực và chứng thư xác thực vụ vụ việc xác thực điện tử.

Chương này cũng bổ sung các quy định về tạm đình chỉ giấy chứng nhận, thu hồi giấy chứng nhận, cấp lại giấy chứng nhận.

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng phát biểu

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh việc xây dựng Nghị định phải bám sát Nghị quyết số 44/NQ-CP thông qua đề nghị của Bộ TTTT về việc xây dựng Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử. Thực hiện Nghị quyết 44/NQ-CP, Bộ TTTT đã khẩn trương làm việc với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan để thành lập Ban soạn thảo, Tổ giúp việc xây dựng dự thảo Nghị định và chuẩn bị các nội dung của Nghị định.

Nghị định này là chưa có tiền lệ, được xây dựng để đáp ứng phục vụ cổng dịch vụ công quốc gia. Việc xây dựng Nghị định làm sao phải hài hoà cấp phép và thúc đẩy phát triển. Trong những ngày tới, trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các thành viên Ban soạn thảo, thường trực Ban soạn thảo và các chuyên gia thuộc lĩnh vực này tiếp tục làm việc để hoàn thiện dự thảo, Thứ trưởng yêu cầu.

Bài liên quan
  • New Zealand ra mắt Khung định danh số an toàn
    Chính phủ New Zealand vừa hoàn thiện “Khung tin cậy cho dịch vụ nhận diện số”, đánh dấu bước đầu trong việc triển khai các dịch vụ nhận diện số tại quốc gia này.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO