Tiêu chuẩn IEEE 802.11ac - Công nghệ và chiến lược ứng dụng (P2)

03/11/2015 20:49
Theo dõi ICTVietnam trên

Với những ưu điểm rõ rệt của 802.11ac, rõ ràng là đã đến thời điểm áp dụng rộng rãi tiêu chuẩn này trong các mục đích như: tăng cường cho hệ thống 802.11n hiện tại, tăng dung lượng cho khách hàng đầu cuối khi xu hướng BYOD ngày càng phổ biến, cải thiện tỷ lệ chi phí/hiệu năng...

NHỮNG TRỞ NGẠI CHO QUÁ TRÌNH TRIỂN KHAI CHUẨN 802.11ac

Mặc dù chuẩn 802.11ac có nhiều ưu điểm rõ ràng nhưng nhiều doanh nghiệp, tổ chức vẫn còn nhiều băn khoăn khi lên kế hoạch triển khai. Sau đây là những lý do chính:

-Về mức độ tương thích với tiêu chuẩn mới:  Năm 2013, đã có nhiều công ty tiên phong áp dụng chuẩn 802.11ac trong các sản phẩm của mình trước khi tiêu chuẩn được chính thức ban hành. Có thể nói rằng, tính đến nay, mọi sản phẩm đều tương thích tiêu chuẩn mới hoặc có thể đạt được nhờ nâng cấp phần sụn (firmware). Quan trọng hơn, Liên minh WiFi đã ban hành bản thông số kỹ thuật nội bộ để bảo đảm sự liên thông công nghệ trong mọi sản phẩm có thương hiệu "WiFi“, trong đó các đặc tính kỹ thuật thậm chí còn đạt mức cao hơn IEEE yêu cầu. Do đó, không cần lo ngại bất kỳ rủi ro kỹ thuật nào khi áp dụng sớm 802.11ac mà không tương thích tiêu chuẩn mới.

-Ít thiết bị đầu cuối theo chuẩn 802.11ac : Điều lo ngại này là có cơ sở trong thời điểm đầu năm 2014. Tuy nhiên, tốc độ ra đời các dòng thiết bị mới rất nhanh chóng như điện thoại, máy tính xách tay, máy tính bảng, thậm chí một số thiết bị giao tiếp máy-máy, đo lường từ xa cũng có chức năng của 802.11ac.

-Triển khai hệ thống theo chuẩn 802.11n chưa hoàn thành : Nhiều cơ quan, doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình triển khai các hệ thống theo chuẩn 802.11n nên không quan tâm đến 802.11ac. Những lo ngại chính là việc phát sinh thêm chi phí cho chuẩn mới. Tuy nhiên, thực ra khoản chênh lệch giá không lớn khi thay thế một số thiết bị theo chuẩn 802.11ac nhưng cài đặt hoạt động ở chế độ chuẩn 802.11n. Lý do là hiệu năng hoạt động cao hơn so với mức chi phí gia tăng trong khi có thể yên tâm hệ thống không bị lỗi thời trong tương lai.

-Đợi "làn sóng' thứ hai (Wave 2) : Như đã đề cập ở phần trên, thuật ngữ không chính thức về làn sóng thứ 2 cho các thiết bị thương mại của 802.11ac sử dụng kênh có băng thông 160 MHz, MU-MIMO, đa luồng (lớn hơn 4) phân tập không gian (spatial stream) khiến cho tốc độ truyền dẫn tới mỗi người dùng có thể lên tới 433 Mbit/s. Tuy nhiên, thiết bị đầu cuối thương mại có các tính năng này khó xuất hiện trên thị trường trước năm 2016. Bởi vậy, trong khi những rủi ro kỹ thuật liên quan đến đầu tư hệ thống theo chuẩn 802.11ac ngày càng giảm thì chi phí cơ hội nếu không áp dụng 802.11ac lại tăng lên hàng ngày.

CHUẨN BỊ SẴN SÀNG ÁP DỤNG CHUẨN 802.11ac

Để có thể áp dụng hiệu quả tiêu chuẩn 802.11ac, nên thực hiện tuần tự theo các bước đơn giản như sau, cho dù hệ thống hiện nay của tổ chức, doanh nghiệp đang ở giai đoạn nào:

-Kiểm tra hiện trạng mạng không dây : Thực hiện kiểm tra tất cả những điểm yếu xuất hiện trong mạng làm giảm hiệu năng và chủ động tiến hành các biện pháp khắc phục phù hợp.

-Quy hoạch kênh vô tuyến (RF) : Do thiết bị 802.11ac làm việc trong dải tần số 5 GHz nên không làm ảnh hưởng gì đến dải tần số 2,4 GHz của các AP cũ đang hoạt động. Tuy nhiên, quy hoạch kênh RF là phải xem xét đến các hệ thống theo chuẩn 802.11ac và 802.11n hoạt động ở dải tần 5 GHz. Thực tế cũng ít nơi đã triển khai ở dải tần 5 GHz nên có thể phân bổ vài kênh 80 MHz mà không gặp khó khăn gì. Một số tổ chức muốn chuyển đổi một số kênh 40 MHz chuẩn 802.11n sang 802.11ac. Hình 2cho thấy những đề xuất thay đổi về quản lý tần số do FCC (Cục quản lý tần số liên bang Mỹ) quy định trong dải tần số 5 GHz không phải cấp phép (U-NII). Các kênh chia sẻ mới được phân biệt bằng màu đỏ, phần còn lại là các kênh đang sử dụng.

Có thể thấy rằng, số lượng kênh 80 MHz và 160 MHz là rất hạn chế nên việc tối ưu hóa các kênh tần số hiện có là rất quan trọng. Hiệu năng của hệ thống 802.11ac phụ thuộc rất nhiều vào kiến trúc hệ thống của nhà sản xuất và năng lực của nhà triển khai.

-Mật độ các AP : Có sự nhầm lẫn phổ biến đối với 802.11ac là mặc dù có thông lượng và tốc độ truyền dẫn cao hơn chuẩn cũ nhưng khoảng cách giữa thiết bị đầu cuối với AP thực ra không được cải thiện. Với kênh rộng hơn thì công suất phát hiệu quả cũng bị trải rộng trong phổ tần lớn hơn. Điều đó nghĩa là, việc triển khai AP với mật độ cao là chiến lược then chốt để tăng cường thông lượng và tốc độ truyền dẫn của hệ thống.

-Kế hoạch vận hành: Điểm quan trọng trong mọi kế hoạch nâng cấp bao gồm: các chức năng giao tiếp quản lý hệ thống (không chỉ để đảm bảo tính ổn định, toàn vẹn và hiệu năng mà còn hiệu suất làm việc của nhân viên vận hành và do đó giảm thiểu tổng chi phí), đánh giá kỹ lưỡng những ảnh hưởng của dịch vụ mới như thoại, mở rộng dịch vụ video streaming, kết nối mạng hợp nhất hữu tuyến và vô tuyến, các phân tích nâng cao và các tính năng tăng cường chất lượng.

-Nâng cấp theo từng giai đoạn, không đột ngột : Có rất nhiều phương án triển khai 802.11ac. Phương án triển khai phổ biến ban đầu là nâng cao hệ thống 802.11n hiện tại bằng 802.11ac tại những khu vực có nhiều người dùng dung lượng lớn. Đôi khi người ta triển khai các AP chuẩn 802.11ac chỉ như các bộ cảm biến để triển khai khả năng phát hiện và ngăn ngừa xâm nhập (IDS/IPS) và phát hiện AP giả mạo và/hoặc phân tích phổ tần. Nếu triển khai mới từ đầu, cần phải khai thác được hết các ưu điểm của 802.11ac. Những mạng 802.11n hiện tại vẫn còn tuổi thọ vận hành thêm nhiều năm nữa trong khi chắc chắn là 802.11ac sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối trong tương lai. Vì vậy, chiến lược thay thế quyết liệt có thể sẽ ngày càng trở nên phổ biến trong vòng 5 năm tới. Dù làm cách nào thì mọi việc triển khai 802.11ac vào hệ thống đang hoạt động phải bảo đảm thông suốt, không ngắt quãng dịch vụ vì người dùng ngày nay không chấp nhận bất cứ sự gián đoạn dịch vụ nào có thể gây ra những thiệt hại to lớn.

KẾT LUẬN

Với những ưu điểm rõ rệt của 802.11ac, rõ ràng là đã đến thời điểm áp dụng rộng rãi tiêu chuẩn này trong các mục đích như: tăng cường cho hệ thống 802.11n hiện tại, tăng dung lượng cho khách hàng đầu cuối khi xu hướng BYOD ngày càng phổ biến, cải thiện tỷ lệ chi phí/hiệu năng... Cuối cùng, lưu ý rằng mục đích cuối cùng của WLAN là bảo đảm thỏa mãn người dùng cuối - đối tượng có giá cao hơn nhiều so với hạ tầng mạng. 802.11ac là một công cụ giúp cải thiện dung lượng, độ tin cậy, khả năng quản lý và nhất là đáp ứng số lượng lớn người dùng hoặc số lượng lớn thiết bị/người dùng với nhu cầu ứng dụng đa dạng. Do được phát triển dựa trên những công nghệ đã được kiểm chứng của 802.11n nên 802.11ac là hướng mới quan trọng trong những năm tới của ngành công nghiệp WLAN, mang đến nhiều lợi ích cho các tổ chức, doanh nghiệp, đặc biệt là người dùng cuối.

Tài liệu tham khảo
[1].http://standards.ieee.org/news/2014/ieee_802_11ac_ ballot.html.
[2].www.tinhte.vn/threads/mot-so-thong-tin-co-ban-ve-802- 11ac-chuan-wi-fi-the-he-thu-nam.2124649/.
[3].Farpoint Group White Paper, 802.11ac in the Enterprise: Technologies and Strategies, February, 2004.

Hà Phương

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tiêu chuẩn IEEE 802.11ac - Công nghệ và chiến lược ứng dụng (P2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO