Tìm kiếm giải pháp sáng tạo cải thiện tiếp cận cho người khuyết tật

Lan Phương| 03/07/2019 15:14
Theo dõi ICTVietnam trên

Cuộc thi hướng đến tìm kiếm các sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, tham gia và hoà nhập cộng đồng.

Ngày 3/7, tại Hà Nội, Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia (NSSC) thuộc Bộ Khoa học Công nghệ (KH&CN) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã công bố và giới thiệu cuộc thi SDG Challenge 2019 với chủ đề “Giải pháp sáng tạo cải thiện tiếp cận cho người khuyết tật”.

Không chỉ tạo ra sân chơi cho các startup và các nhóm thanh niên có ý tưởng sáng tạo, SDG Challenge 2019 còn hướng đến mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về người khuyết tật và các Mục tiêu phát triển bền vững.

Bà Caitlin Wiesen, Quyền Đại diện thường trú của UNDPtại Việt Nam công bố cuộc thi

Bà Caitlin Wiesen, Quyền Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho biết “Cuộc thi sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của người khuyết tật và cho người khuyết tật, hướng tới tương lai hoà nhập và bền vững hơn”.

Tại Việt Nam, theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) có khoảng 7% dân số Việt Nam từ 2 tuổi trở lên là người khuyết tật, tương đương với con số 6,2 triệu người. Trong khi đó, theo Tổ chức Lao động quốc tế ILO, chỉ có 30% người khuyết tật còn khả năng thực sự tham gia vào lực lượng lao động.

Bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh: “Đây không chỉ là hạn chế với chính những người khuyết tật mà còn là một sự lãng phí nguồn lực lao động trong xã hội. Theo tính toán, Việt Nam mất khoảng 3% GDP vì không thể tận dụng được lực lượng lao động là người khuyết tật.

Trước những thách thức đó, trong những năm gần đây sự phát triển của công nghệ chứng minh rằng các giải pháp công nghệ giúp cho những người khuyết tật có thể dễ dàng tiếp cận và hoà nhập xã hội hơn.

Việt Nam có khoảng 3000 startup và đang trở thành một trong những quốc gia có tăng trưởng khởi nghiệp. Song hành cùng sự phát triển đó, ngày càng xuất hiện nhiều impact startup (doanh nghiệp khởi nghiệp tác động xã hội) có ý tưởng độc đáo và thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư.

Nhiều startup tiêu biểu như Vulcan Agumetics, SCDeaf, MultiGlass đã tham gia các cuộc thi tranh tài khởi nghiệp và nhận được những khoản đầu tư, hỗ trợ để phát triển các ý tưởng đổi mới sáng tạo.

Điểm đặc biệt đây là đều những dự án hướng đến xây dựng sản phẩm tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật dễ dàng tiếp cận và tham gia vào các hoạt động trong cuộc sống.

Ông Phạm Hồng Quất, Đại diện Bộ KH&CN cho biết về cuộc thi

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN, KH&CN cho biết cuộc thi mang đầy tính nhân văn và ý nghĩa xã hội. Đây là cuộc thi lần đầu tiên do Việt Nam đề xuất và có thể lan tỏa trong cộng đồng ASEAN.

“Nếu chúng ta có những giải pháp công nghệ tốt thì không chỉ 7% dân số Việt Nam mà những người dân trong khu vực ASEAN và châu Á cũng có thể tiếp cận giải pháp này”, ông Phạm Hồng Quất cho hay.

Trong khi đó, ông Lê Quốc Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm NSSC cho biết đối tượng cuộc thi không bị giới hạn. Những doanh nghiệp, tổ chức khởi nghiệp, tổ chức cộng đồng hay các nhóm sinh viên đều có quyền tham gia cuộc thi.

Ông Thắng cũng chia sẻ thêm đây là cơ hội cho các bạn được nghe góp ý, tiếp nhận lời khuyên từ các những chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp lẫn đại diện cộng đồng người khuyết tật, các tổ chức xã hội để hoàn thiện sản phẩm hơn nữa. Bên cạnh đó, các bạn cũng có cơ hội kết nối đến các thành phần trong hệ sinh thái, được kết nối với các nhà đầu tư tiềm năng.

Các đại biểu tham dự công bố cuộc thi

SDG Challenge là chương trình được khởi xướng bởi UNDP diễn ra lần đầu vào năm 2017 với chủ đề thúc đẩy những sáng kiến hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, có hơn 200 đơn đăng ký, 12 đội xuất sắc tham gia Chung kết. Tổng giá trị giải thưởng lên đến 85.000 USD.

Cuộc thi SDG Challenge 2019 bao gồm 3 vòng đánh giá để lựa chọn được những sản phẩm tiềm năng nhất. Vòng nhận hồ sơ trực tuyến sẽ được mở đến hết ngày 30/7/2019. Các đội được lựa chọn sẽ trải qua 6 buổi tập huấn về kiến thức khởi nghiệp và kinh doanh trong tháng 8. Vòng thuyết trình Chung kết dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 9.

Dự án khởi nghiệp thắng cuộc sẽ có một chuyến đi Hàn Quốc học tập mô hình khởi nghiệp tác động xã hội và một chương trình ươm tạo 8 tuần do Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp quốc gia NSCC tổ chức với các vòng thúc đẩy khởi nghiệp chuyên sâu và kết nối nhà đầu tư.

Yêu cầu vòng hồ sơ

Nhóm/tổ chức/DN khởi nghiệp tham gia cuộc thi cần nộp:

1 pitch deck (slide trình bày gọi vốn) có độ dài tối đa 15 trang (không tính trang bìa). Tất cả các phụ lục đều được tính vào 15 trang.

1 video giới thiệu về dự án/sản phẩm/giải pháp. Video có thể được thể hiện theo những cách sáng tạo, thu hút quan tâm của xã hội. Video gửi phải được lưu dưới dạng đuôi avi, wmv, mp4, flv hoặc mov. Video của các đội được chọn sẽ được đăng tải và chia sẻ trên mạng xã hội và kênh truyền thông của SDH Challenge kèm theo hashtag (#SDGChallenge; #inclusive) để lan tỏa thông điệp đến cộng đồng

Tài liệu liên quan: các tài liệu chứng minh khả năng, tầm nhìn, sứ mệnh trong việc sáng tạo giúp cải thiện tiếp cận, hòa nhập cộng đồng (nếu có sẽ là điểm cộng).

Thông tin chi tiết có thể liên hệ: sdgchallenge2019@gmail.com.

Bài liên quan
  • Chuyện khởi nghiệp của Giàng A Dê
    Ở homestay của Giàng A Dê nhìn xuống, núi đồi La Pán Tẩn rực rỡ nắng và màu vàng ngút mắt của ruộng bậc thang mùa lúa chín. Nhưng buổi tối ập xuống rất nhanh và dù vợ chồng Giàng A Dê - Vàng Thị Lỳ đốt một đống lửa to giữa sân, đến nửa đêm, sương xuống vẫn lạnh buốt.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tìm kiếm giải pháp sáng tạo cải thiện tiếp cận cho người khuyết tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO