Tình hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của CQNN năm 2016

LP| 28/06/2017 08:42
Theo dõi ICTVietnam trên

Đây là số liệu được đưa ra tại báo cáo Đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2016 được thông báo tại cuộc họp Hội đồng giám đốc CNTT miền Bắc năm 2017 mới đây.

Việc đánh giá cung cấp dịch vụ công trực tuyến năm 2016 tập trung vào số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và số lượng hồ sơ được giải quyết trực tuyến của dịch vụ.

Theo Báo cáo, hiện có 58/63 (92,06%) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cung cấp ít nhất một dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 hoặc mức độ 4 (05 tỉnh chưa có dịch vụ hoạt động là: Bạc Liêu, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hòa Bình và Trà Vinh). Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp cao, trong đó tỉ lệ dịch vụ có phát sinh hồ sơ được giải quyết trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 tương ứng là 81,67% và 22,63%.

Người dân nộp hồ sơ trực tuyến qua mạng tại phường Thanh Nhàn,Quận Hai Bà Trưng (Nguồn ảnh: Sở TT&TT Hà Nội)

Số liệu tổng hợp về số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, xếp hạng việc theo số lượng dịch vụ và số lượng hồ sơ được giải quyết trực tuyến của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thể hiện tại các Bảng dưới đây.

Bảng 1. Tổng thể số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cung cấp năm 2016

Bảng 2. Số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 năm 2016

Xếp hạng theo số lượng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3, mức độ 4 được cung cấp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2016, Hà Giang là tỉnh đứng đầu với 1374 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, tiếp theo là Hà Nam, Quảng Ninh, Cà Mau, Tiền Giang, Thừa Thiên – Huế, Đồng Nai, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Khánh Hòa… Xếp hạng thứ 57 là Vĩnh Long cung cấp 1 dịch vụ công mức độ 4, Thanh Hóa cung cấp 1 dịch vụ công mức độ 3. Các tỉnh Bạc Liêu, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hòa Bình, Trà Vinh chưa có dịch vụ hoạt động.

Về xếp hạng theo số lượng hồ sơ được giải quyết trực tuyến (hồ sơ trực tuyến) mức độ 3, mức độ 4 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2016, Hà Nội đứng đầu. Tính riêng tổng số hồ sơ trực tuyến mức độ 3 là 340.027 hồ sơ. Trong số 54 dịch vụ mà Hà Nội đang cung cấp có tổng số hồ sơ được xử lý trong năm là 669.504, trong đó có 42 dịch vụ có số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến trong năm là 340.027. Xếp thứ hai là An Giang với tổng số hồ sơ trực tuyến là 60.941, trong đó có 19 dịch vụ có số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến trong năm 2016 là 1.301, 03 dịch vụ mức độ 4 có số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến trong năm là 59.640. TP. Đà Nẵng xếp thứ 3 với tổng số 46.842 , trong đó số lượng hồ sơ trực tuyến mức độ 3 có 204 dịch vụ có số lượng hồ sơ được xử lý trong năm là 152.487, trong đó 173 dịch vụ có số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến là 33.203; 19 dịch vụ mức độ 4 có số lượng hồ sơ được xử lý trong năm là 13.648, trong đó 18 dịch vụ có số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến là 13.639… Cà Mau xếp thứ 23 có 01 dịch vụ công mức độ 4 có số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến trong năm là 1.

Các tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu; Bạc Liêu; Bắc Kạn; Bắc Ninh; Bình Dương; Bình Định; Bình Phước; Cao Bằng; Đắk Lắk; Đắk Nông; Điện Biên; Đồng Nai; Đồng Tháp; Gia Lai; Hà Giang; Hà Nam; Hậu Giang; Hòa Bình; Hưng Yên; Kiên Giang; Kon Tum; Lai Châu; Lạng Sơn; Nam Định; Ninh Bình; Nghệ An; Phú Thọ; Phú Yên; Quảng Bình; Quảng Nam; Quảng Ngãi; Quảng Trị; Sóc Trăng; Sơn La; Tây Ninh; TP. Cần Thơ; TP. Hải Phòng; Tuyên Quang; Thái Nguyên; Trà Vinh là những tỉnh không có thông tin, số liệu cụ thể.

Được biết, số liệu này được thực hiện theo số liệu báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.  Tổng số hồ sơ trực tuyến được xếp hạng không tính số lượng hồ sơ trực tuyến của những dịch vụ công trực tuyến do các Bộ triển khai từ Trung ương xuống địa phương.

Bộ Tài chính xếp hạng đầu trong khối các Bộ, cơ quan ngang Bộ về cung cấp dịch vụ công trực tuyến năm 2016

Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, báo cáo cho biết số Bộ, cơ quan ngang Bộ đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là 17/19 (những cơ quan chưa cung cấp là: Thanh tra Chính phủ (do đặc thù nên chưa thực hiện), Ủy ban Dân tộc).

Số Bộ, cơ quan ngang Bộ đã tổng hợp, đưa các đường link đến dịch vụ công trực tuyến của các đơn vị vào 1 trang Web trên Trang/Cổng thông tin điện tử của Bộ là 16/19 (Bộ có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 chưa liên kết là Bộ Ngoại giao).

Số Bộ, cơ quan ngang Bộ có ít nhất một đơn vị thuộc, trực thuộc đã cung cấp chức năng Đăng nhập một lần (Single Sign On) để sử dụng các dịch vụ công trực tuyến của đơn vị là 10/19 (các Bộ đã có là: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ).

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đã mang lại nhiều lợi ích và sự tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nhiều Bộ có số lượng hồ sơ được xử lý trực tuyến đạt đến hàng triệu hồ sơ như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Ngoại giao. Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 có phát sinh hồ sơ trực tuyến tương ứng là 45,6% và 92,8%.

Số liệu tổng hợp về số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, xếp hạng theo số lượng dịch vụ và số lượng hồ sơ được giải quyết trực tuyến của các Bộ, cơ quan ngang Bộ được thể hiện tại các Bảng dưới đây.

Bảng 3: Số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2016

Bảng 4. Xếp hạng theo số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 được cung cấp tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2016

Bảng 5. Xếp hạng theo số lượng hồ sơ được giải quyết trực tuyến (hồ sơ trực tuyến) mức độ 3, 4 tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ năm 2016 (Số liệu thống kê theo báo cáo của các Bộ, cơ quan ngang Bộ)

Theo Cục Tin học hóa, với quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy Chính phủ điện tử qua việc phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 1819/QĐ-TTg ngày 26/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ) và Nghị quyết về Chính phủ điện tử (Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ), trong năm 2016, số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 được các cơ quan cung cấp ngày càng tăng. Các Bộ triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 hiệu quả cao (có hàng trăm nghìn đến hàng triệu hồ sơ được giải quyết trực tuyến) là Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. Các tỉnh, thành phố có nhiều hồ sơ được giải quyết trực tuyến là thành phố Hà Nội, An Giang, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Tiền Giang. Thông qua dịch vụ công trực tuyến, người dân và doanh nghiệp đã giảm được nhiều thời gian, thuận lợi hơn khi thực hiện các thủ tục hành chính với các cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, hiện nay còn có dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại nhiều địa phương có hiệu quả chưa cao, chưa có hồ sơ trực tuyến hoặc số lượng hồ sơ trực tuyến còn thấp. Nhiều dịch vụ còn triển khai riêng lẻ, chưa đồng bộ dẫn đến trùng lặp, khó có khả năng kết nối, chia sẻ, sử dụng lại thông tin. Điều này làm cho việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân chưa thật sự thuận tiện và là một trong những nguyên nhân làm giảm sự hiệu quả của dịch vụ.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tình hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của CQNN năm 2016
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO