Khởi nghiệp nền tảng đầu tư Tititada ở độ đuổi U40
Theo thống kê của Tititada, hiện tỷ lệ dân số Việt Nam đầu tư chứng khoán vẫn ở mức thấp. So với các quốc gia/vùng lãnh thổ trong khu vực như Thái Lan (27,5%), Singapore (32%) hay Đài Loan (50%), con số này ở nước ta hiện chỉ khoảng hơn 5% (theo số liệu của Trung tâm ký Lưu ký chứng khoán).
Nguyên nhân chính là do phần lớn nhà đầu tư chưa có kiến thức và thường cho rằng đầu tư chứng khoán rất rủi ro, cần vốn lớn. Mặt khác, đa phần người Việt vẫn chưa coi chứng khoán là một dạng tài sản có giá trị tích lũy giống như bất động sản hay vàng. Trong khi việc đầu tư từ lúc trẻ và đồng tiền "thông minh", đồng tiền "không ngủ" giúp sinh lời dài hạn đã rất phổ biến tại các nước phát triển nhưng chưa thực sự được nhiều người Việt biết và áp dụng.
Bên cạnh đó, cùng với sự bùng nổ mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đầu tư tài chính nói chung và đầu tư chứng khoán nói riêng đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Chưa kể đến, thời gian gần đây, các ứng dụng fintech đã liên tục động thái tham gia vào lĩnh vực đầu tư, tích lũy cá nhân tại Việt Nam. Đầu tháng 6/2022, Finhay vừa mua lại Công ty CP chứng khoán Vina (OTC: VNSC, thành lập vào ngày 26/12/2006) hay MoMo thâu tóm 49% cổ phần chứng khoán CV.
Cũng trong tháng 6, ứng dụng đầu tư thông minh Tititada đã chính thức ra mắt thị trường fintech. Tititada ra đời với mong muốn xóa bỏ rào cản về số vốn kinh tế cũng như vốn kiến thức, để bất cứ ai cũng có thể gia nhập vào thị trường, đặc biệt là những bạn trẻ với tư duy mới mẻ, chủ động, và mong muốn độc lập trong tài chính và trong cuộc sống.
Đặc biệt, Tititada là dự án khởi nghiệp đầu tiên của CEO Nguyễn Thị Hương Giang khi gần chạm mốc tuổi 40. Bà Giang vốn là "gương mặt thân quen" trong giới đầu tư tài chính, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng đầu tư (investment banking - IB). Bà từng có 8 năm kinh nghiệm làm việc tại quỹ đầu tư quy mô tỷ USD, 5 năm làm giám đốc tư vấn đầu tư tại một công ty chứng khoán hàng đầu Việt Nam, hơn 2 năm làm giám đốc đầu tư (CIO) tại tập đoàn của doanh nhân tỷ phú USD, là người trực tiếp tham gia tư vấn IPO và bán vốn cho hàng loạt tên tuổi lớn như Novaland, HDBank, VRE, VHM... Nhưng rồi, bà quyết định từ bỏ vị trí Giám đốc IB ở một công ty chứng khoán để khởi nghiệp.
Chia sẻ về quyết định ra mắt sản phẩm, bà Giang cho biết, ý tưởng về quản lý tài chính cá nhân và đầu tư dài hạn đã được ấp ủ từ rất lâu. Chính vì vậy, bà cũng đã nghiên cứu rất kỹ về cơ hội thị trường, thấu hiểu nhu cầu nhà đầu tư để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ phù hợp nhất.
Mặc dù vậy, việc ra mắt Tititada vào thời điểm này cũng vừa có cái khó, vừa có cái may. Trong đó, khó khăn chính đến từ việc một số nhà đầu tư cá nhân mất tiền. Còn một số nhà đầu tư chưa bao giờ tham gia thì thấy những người xung quanh mình mất tiền nên sẽ đắn đo hơn vào giai đoạn này. "Tuy nhiên điều may mắn là thị trường giảm, định giá khá hấp dẫn, đối với những người theo trường phái đầu tư dài hạn thì hiện nay là thời điểm tốt để đầu tư. Nhà đầu tư tham gia cùng Tititada vào thời điểm này hy vọng có có hiệu quả đầu tư tốt hơn trong dài hạn", bà Giang chia sẻ thêm.
Khi được hỏi về quyết định khởi nghiệp ở độ tuổi không còn trẻ như nhiều startup khác, bà Giang khẳng định không cảm thấy có rào cản về tuổi tác. Bởi vì, nếu như tuổi trẻ có ưu điểm của sự nhiệt huyết, sức trẻ thì những người "lớn tuổi" một chút lại có kinh nghiệm và kiên trì hơn, đối mặt với khó khăn cũng bình tĩnh, tìm hướng giải quyết vấn đề.
Về những khó khăn khi thành lập Tititada, theo bà Giang, cũng giống như startup khác, đó là là việc tuyển dụng những nhân sự giỏi để tham gia đồng hành trong hành trình này. Thông thường startup ít sự ổn định hơn những công ty lớn, trong khi khối lượng công việc tương đối lớn và phải xử lý với một tốc độ rất nhanh. Đổi lại, "cái được" lớn nhất của các nhân sự khi tham gia vào startup là cùng nhau chia sẻ tầm nhìn và mong muốn học hỏi, trải nghiệm.
Tititada là viết tắt của chữ "tích tiểu thành đại". Tôi mong muốn phát huy truyền thống tiết kiệm, "tích tiểu thành đại" của người Việt, nhưng có sự thay đổi phù hợp với cuộc sống hiện đại. Ngày nay, "tích tiểu thành đại" không phải là gửi tiết kiệm, mà là đầu tư sao cho hiệu quả hơn.
CEO Nguyễn Thị Hương Giang
Thị trường đầu tư ở Việt Nam còn rất sơ khởi
Mặc dù mới được ra mắt nhưng trong một khoảng thời gian ngắn, Tititada đã được cộng đồng nhà đầu tư yêu thích và chia sẻ rất tích cực. Đây chính là động lực giúp Tititada vững tin vào định hướng chiến lược của mình và đặc biệt trong thời gian tới đội ngũ cần phải không ngừng đẩy mạnh và hoàn thiên tất cả các tính năng.
"Tititada thật sự tin tưởng và mong muốn trở thành lựa chọn hàng đầu cùng đồng hành với tất cả nhà đầu tư trong hành trình quản lý tài chính, đầu tư dài hạn, "tích tiểu thành đại" này", bà Giang nói.
Nhờ lợi thế là startup công nghệ được thai nghén và ấp ủ trong suốt nhiều năm qua, Tititada mang những khác biệt vượt trội so với nền tảng truyền thống, giúp cho việc tham gia đầu tư trở nên nhanh chóng, dễ dàng khi tất cả thao tác được thực hiện qua smartphone, đồng thời vẫn đảm bảo được tính bảo mật, an toàn. Nhà đầu tư có thể mở tài khoản chỉ trong 5 phút với công nghệ định danh điện tử eKYC để xác minh tài khoản với độ chính xác cao nhất và mã hoá toàn bộ thông tin của khách hàng.
Ngoài ra, giao diện của Tititada liên tục được cải tiến qua chính phản hồi từ người dùng. Tititada được thiết kế với định hướng thân thiện và dễ sử dụng, liền mạch, giúp cho nhà đầu tư thao tác đơn giản mọi lúc, mọi nơi.
Với tham vọng trở thành ứng dụng chuyên về đầu tư và quản lý tài chính, Tititada được tích hợp công nghệ tiên tiến nhất trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây (cloud computing)... giúp khắc phục được những vấn đề về bảo mật, an toàn thông tin cho người dùng, đồng thời mang đến nhiều tính năng vượt trội cùng những sản phẩm có tính linh hoạt, đáp ứng đa dạng nhu cầu và mục tiêu của nhà đầu tư.
Mục tiêu của Tititada là mang đến giải pháp đầu tư chứng khoán tốt hơn mỗi ngày dành cho tất cả mọi người, bất kể bạn là ai, bạn làm công việc gì, bạn đã hoặc chưa từng đầu tư bao giờ. Đặc biệt, những nhà đầu tư mới, hiểu biết về chứng khoán còn hạn chế, không có nhiều thời gian dành cho thị trường có thể học hỏi kiến thức và kinh nghiệm trong cộng đồng các nhà đầu tư do chính Tititada xây dựng.
Khi được hỏi về việc tham gia lĩnh vực này của những fintech lớn, bà Giang cho rằng, khi làm kinh doanh hay khởi nghiệp bất cứ ngành nghề nào cũng đều có sự cạnh tranh lẫn nhau. Để dẫn chứng, bà Giang đã chia sẻ lại câu nói "không sợ cạnh tranh, chỉ sợ không có cạnh tranh". Bởi vì, việc có cạnh tranh và sự tham gia của những công ty lớn chứng tỏ thị trường còn nhiều tiềm năng, cơ hội để khai thác.
Trong bối cảnh lượng tài khoản chứng khoán ở Việt Nam còn thấp, số lượng người thực sự hiểu, bắt đầu việc quản lý tài chính cá nhân một cách bài bản cho việc đầu tư lâu dài cũng chưa nhiều, đã chứng tỏ thị trường còn rất sơ khởi. "Việt Nam vẫn đang là thị trường cận biên (Frontier markets), khi Việt Nam trở thành thị trường mới nổi (Emerging markets) thì cả số lượng cũng như giá trị giao dịch sẽ còn tiềm năng tăng trưởng vô cùng lớn. Cùng với sự tăng trưởng của thị trường, sự ra đời các sản phẩm tài chính phù hợp hơn, đa dạng hóa hơn các công cụ đầu tư sẽ giúp việc tham gia thị trường dễ dàng hơn", bà Giang chia sẻ thêm.
Nên đầu tư từ sớm vì đây là một hành trình lâu dài
Về lời khuyên cho những người mới bắt đầu hay có ý định tham gia đầu tư, theo bà Giang, hãy bắt đầu từ những điều đơn giản và nên đầu tư từ sớm, vì đây là một hành trình lâu dài để hình thành thói quen, tích luỹ kinh nghiệm, đòi hỏi sự kiên nhẫn, có kế hoạch quản lý cụ thể, rõ ràng.
Trong quá trình đầu tư mỗi người cần chuẩn bị cho mình lượng kiến thức nhất định và tăng dần theo thời gian. Cũng như "kiến tha lâu đầy tổ" sau một thời gian nghiên cứu và đào sâu, nhà đầu tư sẽ chuyên nghiệp và hiểu sâu hơn. "Tôi cho rằng việc trang bị kiến thức trong hành trình đầu tư để đạt tư do tài chính lúc về già là rất cần thiết, đây còn là hành trình tư học, tự làm mới mình. Việc kiếm được tiền từ đầu tư giúp mỗi người sẽ có một cuộc sống an nhàn hơn , còn kiến thức giúp tự tin", bà Giang Nói.
Thậm chí, các chị em phụ nữ có gia đình và con cái, khi gặp nhau, ngoài những câu chuyện về chủ đề chống con, bếp núc hay mua sắm, thì có thể trao đổi với nhau thêm về thị trường, về việc đầu tư tích luỹ hay thậm chí một sản phẩm mình thích từ khía cạnh đầu tư.
Hiện nay với những quy định cải tiến và sát với tình hình thức tế, bà Giang thấy rằng, Chính phủ đang mong muốn tạo cơ chế hỗ trợ các công ty công nghê, fintech có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, do thị trường tài chính ở Việt Nam còn khá non trẻ và các điều kiện của niêm yết hiện giờ cũng chưa hỗ trợ các công ty fintech tiếp cận thị trường vốn, nên cần nhiều thời gian và nguồn lực cả từ chính phủ và doanh nghiệp cùng đồng hành và tìm ra giải pháp tốt nhất.
Theo bà Giang, các quy định thử nghiệm liên quan đến sandbox có thể hỗ trợ các công ty fintech non trẻ có môi trường để thử nghiệm và đưa ra các ý tưởng đột phá hơn. Việc dùng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát Sandbox cho phép các công ty công nghệ thử nghiệm các công nghệ mới cũng như mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn với sự giám sát của các nhà quản lý giúp dự phòng rủi ro phù hợp để ngăn hậu quả của sự thất bại mà không ảnh hưởng lớn đến hệ thống tài chính quốc gia. Điều này sẽ giúp thị trường Fintech ngày càng phát triển và tạo môi trường lành mạnh giúp các công ty.
"Tititada hi vọng mình là mảnh ghép độc đáo giúp bức tranh tài chính thêm màu sắc và giúp nhà đầu tư trải nghiệm những dịch vụ tốt nhất", bà Giang kết luận./.