Toàn cầu hóa: Cái tốt - Cái xấu và Vai trò của chính sách

Minh Thiện| 19/05/2017 14:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Có thể hóa giải tác động xấu, tận dụng được những mặt tích cực của hiệu ứng toàn cầu hóa hay không phụ thuộc vào chính sách của từng quốc gia

Những tác động tích cực và tiêu cực

Cùng diễn ra tại Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM -2) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), mới đây, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ chính sách của APEC (PSU) Denis Hew đã giới thiệu Báo cáo thường kỳ phân tích các xu hướng ở khu vực APEC với chủ đề "Toàn cầu hóa: Cái tốt - Cái xấu và Vai trò của chính sách".

Ông Denis Hew cho biết: Động lực của hội nhập thị trường và thương mại đang được thử nghiệm theo những cách mà chúng ta chưa từng thấy kể từ khi các lực lượng này chuyển đổi Châu Á - Thái Bình Dương thành động cơ của nền kinh tế thế giới. Hoạt động chuyển dịch vừa là nguyên nhân gây ra sự biến đổi, vừa là cơ hội để tìm ra và sắp xếp những cách tiếp cận chính sách mới với toàn cầu hóa có thể dẫn đến kết quả kinh tế và xã hội được cải thiện.

Đổi mới sẽ tiếp tục làm gián đoạn các mô hình kinh doanh truyền thống và các lĩnh vực, kết hợp các vấn đề nhân khẩu học và lao động, làm thay đổi hoạt động phân tích kinh tế và gây lo lắng xung quanh khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Tuy nhiên, "những lực lượng chuyển đổi này, nếu được khai thác có hiệu quả, cũng có thể làm cho toàn cầu hoá hoạt động tốt hơn", ông Denis Hew nhận xét .

Ông Denis Hew giới thiệu Báo cáo phân tích mới nhất

Mở rộng phát triển ngành dịch vụ, sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ vào các thị trường quốc tế mà nó cho phép và lực lượng lao động được trang bị để tận dụng lợi thế là chìa khóa để thực hiện những gì chúng ta muốn trong khu vực - thương mại hỗ trợ cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân. Thử thách sẽ giúp tìm ra nền tảng chung để giải quyết các vấn đề phức tạp này và tiến tới theo những cách mà mọi người có thể sống cùng.

Trong Báo cáo về các xu thế ở khu vực APEC “Toàn cầu hóa: Tốt - Xấu và vai trò của chính sách” nêu rõ:

Toàn cầu hóa và thương mại quốc tế đã đóng góp vào việc gia tăng mạnh mẽ thịnh vượng và phúc lợi của nhân loại trong 50 năm qua. Việc trao đổi hàng hóa, công nghệ và thông tin nhờ quá trình toàn cầu hóa đã cải thiện một cách sâu rộng mức sống và giảm nghèo trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, toàn cầu hóa đã không mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Thương mại đã góp phần làm tăng thịnh vượng chung cũng như tạo thêm các cơ hội việc làm ở các nền kinh tế  mở cửa. Tuy nhiên, việc mở cửa cũng tạo ra thất nghiệp mang tính cơ cấu do các doanh nghiệp hoặc ngành công nghiệp không có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế sẽ phải đóng cửa và sa thải người lao động.

Điều đáng tiếc là những người lao động có kỹ năng thấp kém hoặc trung bình, vốn là những người ít có khả năng thích nghi nhất với thất nghiệp mang tính cơ cấu, lại là những người chịu nhiều tác động tiêu cực nhất của toàn cầu hóa. Bản phân tích số liệu thương mại và việc làm của 125 nền kinh tế trong giai đoạn 2000 - 2014 cho thấy tương quan giữa xuất khẩu và việc làm. Xuất khẩu tăng 10% thì việc làm dành cho người lao động có kỹ năng thấp kém hoặc trung bình giảm 1,1 đến 2,1%.

Khác với nguồn vốn, có thể chuyển dịch dễ dàng từ ngành này sang ngành khác, người lao động cần thời gian và nguồn lực để chuyển đổi từ một ngành kém cạnh tranh sang ngành có nhiều cơ hội hơn. Do đó, cần có các chính sách điều chỉnh liên quan thương mại để hỗ trợ những người lao động bị thua thiệt bởi toàn cầu hóa. Trên phương diện kinh tế, các chính sách này bao gồm việc tạo điều kiện cho người dân liên tục được đào tạo (và tái đào tạo) các kỹ năng, hỗ trợ tạm thời cho các hộ gia đình bị tác động bởi thất nghiệp cơ cấu, cũng như tạo điều kiện tiếp cận vốn để khởi nghiệp.

Mặc dù khái niệm "tính bao trùm" của toàn cầu hóa đã được nêu tại các tuyên bố APEC, mà sớm nhất là tại văn kiện về các Mục tiêu Bogor năm 1994, trong những năm gần đây các nhà Lãnh đạo APEC đã đề cao hơn nữa việc bảo đảm tính bao trùm và bền vững của tăng trưởng khu vực. Các nỗ lực về tăng trưởng chất lượng, cải cách cơ cấu, quốc tế hóa các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và phát triển nhân lực đã được thúc đẩy nhằm chia sẻ rộng rãi các cơ hội và lợi ích của toàn cầu hóa đến mọi thành phần trong xã hội.

Đà kinh tế toàn cầu và sự lạc quan đang thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn

Năm 2016, tăng trưởng của APEC đạt 3,5%, giảm nhẹ so với con số 3,6% của GDP năm trước. 

Tiêu dùng của chính phủ và tư nhân tại các nền kinh tế APEC tiếp tục giữ đà là động lực chính cho tăng trưởng của APEC. Tiêu dùng được thúc đẩy bởi lãi suất thấp và giá các hàng hóa cơ bản cũng ở mức thấp, cũng như chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các chính phủ thông qua các biện pháp tài chính và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Tăng trưởng thương mại của khu vực APEC đã bắt đầu được cải thiện từ giữa năm 2016. Trong cả năm 2016, kim ngạch trung bình của xuất khẩu hàng hóa trong APEC giảm 4,1%, thấp hơn mức giảm 8,7% năm 2015. Nhập khẩu cũng có chung xu hướng này. Thương mại APEC được cải thiện là nhờ thương mại toàn cầu năm 2016 tăng trưởng tích cực hơn năm 2015.

Tốc độ tăng trưởng thương mại tăng từ giữa năm 2016 nhờ cầu thế giới và giá các hàng hóa cơ bản tăng cũng như các nhân tố mang tính đặc thù của từng nền kinh tế thành viên trong quá trình đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và các đối tác thương mại.

5 trong số tốp 10 các nền kinh tế hàng đầu thế giới về tiếp nhận các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) năm 2016 là các nền kinh tế thành viên APEC (FDI). Tổng nguồn vốn FDI vào 5 nền kinh tế thành viên này lên tới 710 tỉ USD, tương đương 46,7% tổng lượng FDI toàn cầu năm 2016.

Các biện pháp tạo thuận lợi cho đầu tư đã thúc đẩy các nguồn vốn FDI đổ vào khu vực APEC. Trong giai đoạn từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 10/2016, số lượng các biện pháp tạo thuận lợi cho đầu tư nhiều hơn số lượng các biện pháp hạn chế đầu tư. Các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại cũng nhiều hơn các biện pháp hạn chế thương mại trong cùng kỳ.

Dự báo GDP của APEC về ngắn hạn, trong giai đoạn 2017 - 2018, sẽ tăng cao hơn, đạt mức 3,8%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu. Tăng trưởng của khu vực APEC năm 2019 dự kiến đạt 3,7%, bằng mức tăng trưởng toàn cầu.

Tốc độ tăng trưởng của thế giới và APEC có xu hướng tăng trong ngắn hạn nhờ kỳ vọng các hoạt động thương mại và đầu tư sẽ sôi động hơn; việc áp dụng các biện pháp tài chính nhằm kích thích tăng trưởng, đặc biệt là tại Hoa Kỳ và Trung Quốc; và sự tăng giá trở lại của các hàng hóa. Tuy nhiên, còn nhiều bất định đáng kể về thương mại, tiền tệ và chính sách tài chính có thể làm gián đoạn các hoạt động thương mại và đầu tư, và tác động trái chiều đến tăng trưởng kinh tế.

Sự rõ ràng, minh bạch và nhất quán của các chính sách kinh tế có thể mang tính quyết định đối với quy mô và chiều hướng tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Về trung hạn, quản lý kinh tế vĩ mô cần được hỗ trợ bởi tái cấu trúc hướng tới thúc đẩy sáng tạo, hình thành những thị trường cạnh tranh hơn, tạo thuận lợi cho mọi thành phần xã hội tham gia và tăng cường tính tự cường về kinh tế, qua đó đóng góp vào mục tiêu của APEC về tăng trưởng bền vững, công bằng và bao trùm. 

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Toàn cầu hóa: Cái tốt - Cái xấu và Vai trò của chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO