Tối ưu hóa hiệu quả nhờ số hóa

Nguyễn Vũ| 26/02/2022 17:20
Theo dõi ICTVietnam trên

Đại dịch Covid-19 bùng phát đã gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế. Song nó lại là một cú huých thúc đẩy chuyển đổi số trong nền kinh tế. Ngành Ngân hàng cũng vậy, việc thực hiện số hóa mạnh mẽ đã giúp các ngân hàng tối ưu hoá hiệu quả hoạt động, tiết giảm

Quả ngọt đầu tiên của hoạt động số hóa đó là sự bứt phá tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của các ngân hàng trong giai đoạn vừa qua. Nhiều ngân hàng tăng trưởng CASA gấp 2-3 lần thậm chí đến 5 lần so với trước đây. Đây là nguồn vốn giá rẻ, qua đó giúp các ngân hàng nâng cao hiệu quả hoạt động. Cũng nhờ tích cực chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào hoạt động nên tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của các nhà băng ngày càng giảm. Đây cũng được đánh giá là một trong những tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động của nhà băng.

Thống kê sơ bộ hơn 20 ngân hàng cho thấy, hầu hết ngân hàng đều ghi nhận tỷ lệ CIR giảm được so với năm trước, với mức giảm dao động từ gần 1% đến hơn 30% so với cùng kỳ năm trước, cũng là mức giảm mạnh nhất trong 4 năm qua. CIR trung bình giảm mạnh xuống còn 40,4%, từ mức 47,7% cùng kỳ năm trước.

Tối ưu hóa hiệu quả nhờ số hóa - Ảnh 1.

Ngân hàng áp dụng công nghệ vào hoạt động đã giúp tỷ lệ chi phí trên thu nhập ngày càng giảm

Đơn cử Báo cáo tài chính năm 2021 của SHB cho thấy, chi phí hoạt động (OPEX) hợp nhất chỉ nhích nhẹ 2,4% so với cùng kỳ năm 2020, ở mức 4,4 nghìn tỷ đồng chủ yếu nhờ ứng dụng số hóa, tự động hóa vào các khâu vận hành. Theo đó, kết thúc năm 2021, tỷ lệ chi phí trên thu nhập hợp nhất của ngân hàng chỉ ở mức 24,2%, giảm mạnh so với mức 35,2% hồi cuối năm 2020. Với kết quả này, SHB đang là ngân hàng sở hữu CIR thấp nhất trong hệ thống. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp ngân hàng ghi nhận kết quả kinh doanh ngân hàng bứt phá so với năm 2020.

Hay như tại VPBank, tổng thu nhập hoạt động năm qua tăng 13,5% so với cùng kỳ, đạt 44,3 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí hoạt động được tiết giảm 6% so với cùng kỳ giúp CIR được rút ngắn từ 29,2% năm 2020 xuống còn 24,2% khi kết thúc năm 2021 cũng là mức thấp nhất trong hệ thống ngân hàng.

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, khả năng thích nghi với dịch bệnh của các ngân hàng tương đối tốt so với nhiều ngành khác. Bởi tiến trình chuyển đổi số đã được các ngân hàng đẩy mạnh từ khá sớm nên hầu hết các ngân hàng có thể duy trì hoạt động bình thường trên nền tảng giao dịch trực tuyến ngay trong những ngày phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch. Nhờ nền tảng giao dịch trực tuyến, ngân hàng đã tiết kiệm được chi phí quản lý lớn, chỉ bằng 1/30-1/50 so với kênh giao dịch truyền thống. Đến cuối năm 2021, tại nhiều ngân hàng giao dịch trên kênh số chiếm trên 50% tổng số giao dịch nên giúp chi phí quản lý giảm đi rất nhiều. Cá biệt một số ngân hàng giao dịch trên kênh số trên 90%, như tại MB chiếm khoảng 92%; TPBank cũng có tỷ lệ giao dịch trên kênh số hơn 90%; hay VPBank tỷ lệ các giao dịch qua các kênh trực tuyến và ứng dụng số hóa đã lên tới khoảng 98%.

Với việc số hóa toàn diện, kiểm soát tốt chi phí hoạt động, trong năm 2021, OCB cũng đã duy trì hiệu quả kinh doanh tích cực với lợi nhuận trước thuế tăng 25% so với năm 2020. Chỉ tính riêng ứng dụng ngân hàng số OCB OMNI trong năm 2021 ghi nhận số người dùng tăng gấp 3 lần, lượng giao dịch tăng hơn 60% và eKYC tăng 15 lần so với 2020. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng tập trung đẩy mạnh số hóa các hoạt động nội bộ. Hầu hết quy trình, văn bản đều được thực hiện, phê duyệt online đến gần 80%. Kết thúc năm 2021, OCB ghi nhận tổng thu nhập hoạt động hơn 8,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3% so với năm trước trong khi chi phí hoạt động chỉ tăng 3,1% giúp ngân hàng tối ưu được năng suất lao động, tiết giảm chi phí hoạt động hiệu quả với tỷ lệ CIR năm 2021 ở mức 26,9% giảm so với mức 29,1% so với cùng kỳ năm trước, nằm trong top ba thấp nhất ngành Ngân hàng.

Tại MSB, CIR cũng giảm tới 12,8% trong năm qua, LienVietPostBank giảm 9,1%… Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, chuyển đổi số là một trong những chìa khóa quyết định làm giảm tỷ lệ CIR của các ngân hàng. Muốn giảm mạnh hơn tỷ lệ CIR, theo chuyên gia, thời gian tới bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, các ngân hàng phải đa dạng hoá, sáng tạo các dịch vụ mới, nâng cao trải nghiệm và gia tăng tiện ích đồng thời, tối ưu hoá quy trình nội bộ, tinh gọn bộ máy, nâng cao năng suất lao động nhân viên giúp nâng cao hiệu quả hoạt động…

Về cơ bản, CIR càng thấp càng cho thấy ngân hàng hoạt động với hiệu suất cao, bởi tốn ít chi phí hoạt động hơn để tạo ra một đồng doanh thu. Tuy nhiên, theo quan điểm của CEO một ngân hàng, không thể cắt giảm mạnh tỷ lệ CIR mà nên duy trì ở mức phù hợp đảm bảo hiệu quả trong hoạt động ngân hàng. Đơn cử, nếu tỷ lệ CIR của ngân hàng đang ở ngưỡng 27% và khó có thể giảm thêm được. Bởi, ngân hàng vẫn cần phải đầu tư chuẩn bị cho chiến lược kinh doanh mới như mở rộng mạng lưới, đầu tư công nghệ mới... “Do vậy, trường hợp CIR của ngân hàng nào đó ở mức cao không hẳn mang tính tiêu cực, vì có thể ngân hàng đó trong giai đoạn đầu tư ban đầu hoặc đang thay đổi chiến lược kinh doanh”, vị này chia sẻ thêm.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tối ưu hóa hiệu quả nhờ số hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO