Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Một tinh thần kiên quyết đổi mới

03/11/2015 20:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Ở Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, nhiều cán bộ lãnh đạo và người dân học được lối sống hòa đồng, bao dung và tinh thần kiên quyết đổi mới.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh là người đầu tiên khởi xướng công cuộc đổi mới
tại Đại hội VI năm 1986 (Ảnh tư liệu)

Trong suốt gần 70 năm hoạt động cách mạng và cống hiến cho sự nghiệp cải cách, đổi mới đất nước, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người dân. Ông đã khắc họa sâu sắc tố chất của một nhà lãnh đạo “lấy dân làm gốc”, “nói đi đôi với làm”, có tâm có tầm.

Tư duy sắc bén, tinh thần không ngừng đổi mới cùng phong cách sống cao đẹp của Nguyễn Văn Linh cũng đã trở thành tấm gương sáng cho bao thế hệ lãnh đạo tại Việt Nam.

Sinh trưởng ở miền Bắc nhưng gần trọn cuộc đời, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh sống và hoạt động cách mạng ở Nam bộ. Ông được đồng bào, đồng chí miền Nam gọi với những cái tên rất đỗi thân thương như “anh Mười”, “chú Mười” hay “chú Út”.

Theo cách mạng từ năm 14 tuổi, nhiều lần vào tù ra khám, bị đàn áp dưới ách quân thù, ông hiểu rõ nỗi thống khổ của người dân. Cho nên, từ thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ đến khi hòa bình lập lại, xây dựng đất nước, ông luôn gần dân, tin dân, lấy dân làm gốc.

Từ việc luôn bám sát cơ sở, lắng nghe tiếng nói của đồng bào, ông đã cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước đưa ra những chủ trương, chính sách sáng suốt, thúc đẩy sự phát triển và nhất là hợp lòng dân.

Bà Trương Mỹ Hoa, Nguyên Phó Chủ tịch nước kể lại, năm 1986, khi bà từ TP HCM ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới, bà rất lo lắng. Nhưng rồi mọi thứ được giải tỏa chỉ sau một cuộc trò chuyện giữa bà với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Tổng Bí thư nói với bà: “Đất nước mình dài lắm cho nên lãnh đạo của Đảng phải thấu hiểu đặc điểm, tình hình của các vùng, miền. Cháu ở trong thành phố, miền Nam thì cháu biết rồi, cháu phải ra Bắc để hiểu bà con cũng như tập tục, tình hình của miền Bắc, miền Trung. Và ngược lại cháu cũng làm cho các đồng chí khác hiểu được miền Nam là như thế nào. Vì vậy, phải có nhiều tiếng nói để làm cho Đảng mình ngày càng cặn kẽ, sâu sắc”.

Nhiều cán bộ lãnh đạo và người dân đã học được lối sống hòa đồng, bao dung và tinh thần kiên quyết đổi mới ở Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Khẳng định đổi mới là cơ may ngàn vàng, là cơ hội lớn để phát triển, sau ngày miền Nam giải phóng, khi giữ chức vụ cao nhất của Thành ủy TP HCM, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã mạnh dạn đề xướng và tổ chức thực hiện những thử nghiệm trong cải cách cơ chế, chính sách quản lý kinh tế…

Những chính sách đổi mới ấy càng mạnh mẽ hơn khi ông được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng tại Đại hội đại biểu Toàn quốc lần thứ 6 vào tháng 12/1986. Trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ, ông đã đưa ra những ý tưởng, quan niệm, cách làm mới, góp phần xoay chuyển tình thế, mở đường cho sự nghiệp đổi mới đất nước. Đổi mới trong suy nghĩ của cố Tổng Bí thư là đổi mới từng bước nhưng triệt để, tới cùng.

Ông Tô Bửu Giám, nguyên Trợ lý của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chia sẻ: “Ông thường nói, đổi mới là phải mở cửa. Khi mở cửa ta sẽ được “luồng gió mới” nhưng đồng thời cũng có “bụi bặm”. Tuy nhiên, không phải vì thế mà đóng cửa. Bụi bặm thì ta phải giải quyết. Do đó, làm gì cũng phải tính đến 2 mặt”.

Với tư duy tiến bộ là lãnh đạo làm sao để “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, trong thời gian đảm nhiệm vị trí cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thường xuyên đi khảo sát, nghiên cứu tình hình ở nhiều địa phương trên cả nước. Từ những chuyến đi này, qua tiếp xúc và lắng nghe người dân, ông biết được nhiều hiện tượng thoái hóa, biến chất của một bộ phận lãnh đạo nên đã mạnh mẽ lên tiếng chống tiêu cực, tham nhũng.

Kiên định trong chiến đấu, nghiêm túc trong công việc, sáng tạo trong đổi mới- đó là những gì đã được thể hiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Đáng quý hơn cả, chúng ta còn học được từ ông- người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đức tính giản dị, chân thật.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo kể, mặc dù có anh em phụ việc xung quanh nhưng bao giờ Tổng Bí thư cũng tự mình làm hết mọi việc, kể cả chuyện giặt quần áo.

Có lần GS.TS Trần Hồng Quân đi nước ngoài về và mang đôi tất tới biếu Tổng Bí thư. Song, Tổng Bí thư nói: “Không. Mình đang còn”. Nhìn đôi tất Tổng Bí thư đang mang, ông Quân thấy nó đã rụng hết tuyết rồi, nhìn thấy cả da. Ông Quân hỏi: “Cụ dùng đôi tất này từ hồi nào?”. Tổng Bí thư nói dùng từ thời kỳ Trung ương Cục ở trong rừng ở Campuchia tới bây giờ. Chỉ một chi tiết đó thôi cũng hiểu Tổng Bí thư là người hết sức giản dị, bình dân.

Tư duy ấy, nhân cách ấy đã tạo nên một tên tuổi lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển của đất nước Việt Nam: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Một tinh thần kiên quyết đổi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO