Tổng Bí thư Tô Lâm: Lựa chọn công nghệ, không chọn rẻ mà phải đi tắt đón đầu
Tổng Bí thư nhấn mạnh quan điểm khi lựa chọn công nghệ, chúng ta phải phải đi tắt đón đầu. Thế giới đã rất phát triển, nếu không biết người ta đi đến đâu, chỉ đi theo thì mãi mãi đi sau, trì trệ, lạc hậu.
![tbt-3.png](https://ictv.1cdn.vn/2025/02/15/tbt-3.png)
Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 15/2, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tham gia thảo luận tại Tổ 1 (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh tầm quan trọng và cấp bách của việc xây dựng và ban hành Nghị quyết thí điểm này. Đây là bước đi quan trọng đầu tiên để thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo Tổng Bí thư, Nghị quyết 57 được ban hành từ cuối năm 2024 nhưng để đi vào đời sống thì còn chồng chất khó khăn, cần phải sửa một số luật, đặc biệt là Luật Khoa học và công nghệ, và nhanh nhất phải giữa năm nay, thậm chí đến cuối năm.
"Nếu vậy, cả năm 2025 không thể triển khai được Nghị quyết 57 hoặc có triển khai cũng không có ý nghĩa khi tinh thần của Nghị quyết đã đưa ra nhưng không thể chế được bằng hệ thống pháp luật", Tổng Bí thư nói.
Do đó, đòi hỏi phải có một văn bản để bước đầu khẩn trương đưa Nghị quyết 57 vào đời sống. Quy trình sửa đổi Luật Khoa học và công nghệ và các luật liên quan mất nhiều thời gian, có thể mất cả năm. Vì vậy, dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường này.
![tbt-1.png](https://ictv.1cdn.vn/2025/02/15/tbt-1.png)
Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng, phạm vi của vấn đề này quá lớn, bởi động đến vấn đề nào của hoạt động khoa học, công nghệ, chuyển đổi số quốc gia cũng có khó khăn do các quy định hiện hành. Đây là bài học cho thấy thể chế là điểm nghẽn, nếu không gỡ được thể chế, thì đường lối, quan điểm của Đảng sẽ không đi vào cuộc sống.
Theo Tổng Bí thư, Nghị quyết thí điểm của Quốc hội đưa ra không chỉ vì mục tiêu khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hệ thống pháp luật, mà còn góp phần thúc đẩy, khuyến khích để phát triển khoa học công nghệ.
Đi vào phân tích cụ thể, Tổng Bí thư chỉ ra đơn cử trong Luật Đấu thầu, nếu làm máy móc như quy định hiện nay thì chỉ mua đồ công nghệ giá rẻ, cuối cùng trở thành "bãi rác" của khoa học công nghệ và luôn luôn tụt hậu.
Hay trong luật thuế, Tổng Bí thư cho rằng nên có biện pháp để khuyến khích phát triển và nếu có biện pháp miễn giảm thuế đúng đắn, hợp lý thì thậm chí có thể thu lại được thuế nhiều hơn.
Tổng Bí thư dẫn ví dụ năm qua, Chính phủ đề xuất miễn, giảm thuế nhưng lại thu thuế được nhiều hơn.
"Vừa qua họp Chính phủ, tôi rất xúc động khi nghe Thủ tướng báo cáo việc miễn/giảm thuế, giảm lãi suất cho vay của ngân hàng đã giúp kích thích doanh nghiệp phát triển và ngược lại thu được nhiều thuế hơn", Tổng Bí thư chia sẻ.
![tbt-2.png](https://ictv.1cdn.vn/2025/02/15/tbt-2.png)
Trao đổi về nút thắt trong phát triển khoa học công nghệ của Luật Doanh nghiệp, Tổng Bí thư cho rằng cũng cần có cơ chế khuyến khích hợp lý, không nên tự mình hạn chế mình. Đơn cử như trường đại học, các cơ sở khoa học phải có hợp tác với doanh nghiệp.
Xuất phát từ thực tế trên, Tổng Bí thư cho rằng, cần phải tháo gỡ rào cản thể chế theo trật tự và tất cả mọi người phải cùng thực hiện, cùng đi đúng hướng. Song song đó, phải có các biện pháp khuyến khích về đầu tư, cần phải chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và cần có thời gian.
Tổng Bí thư nhấn mạnh khoa học công nghệ là miền đất hoang vu cần khai thác, có sự mạo hiểm, rủi ro, chứ không phải đường rộng thênh thang ai cũng có thể đến được; nếu để chờ đầy đủ điều kiện thì rất khó.
Nghị quyết thí điểm của Quốc hội là bước đầu để thể chế hóa Nghị quyết 57, về lâu dài cần tiếp tục sửa chữa các luật để đồng bộ, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, có sự tham vấn của các chuyên gia, nhà khoa học…
"Chúng ta cần đổi mới tư duy, cách làm, nhìn thẳng vào vấn đề của thực tế để có cách tháo gỡ và không ngại vấn đề gì", Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Cũng tại buổi thảo luận tại Tổ 1, các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tập trung cho ý kiến về cơ sở pháp lý ban hành Nghị quyết; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng và tên gọi của Nghị quyết; sự phù hợp và tính khả thi của các cơ chế, chính sách cụ thể trong dự thảo Nghị quyết; thời điểm có hiệu lực và thời gian thí điểm của Nghị quyết...