Diễn đàn

Chủ tịch Viettel "hiến kế" để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 57-NQ/TW

Ngọc Diệp 17:08 15/01/2025

Tại Diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ VI diễn ra ngày 15/1, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đưa ra lời cam kết hưởng ứng tinh thần Nghị quyết 57 và đề xuất, kiến nghị một số vấn đề để triển khai nhanh chóng, hiệu quả Nghị quyết.

4cabdb55-fa8b-4a40-91e4-7443d6b68146.jpeg

Làm chủ công nghệ 5G, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết Viettel đã xây dựng chiến lược làm chủ việc nghiên cứu, thiết kế, sản xuất các hệ thống thiết bị viễn thông, CNTT vừa để triển khai trên mạng lưới của mình vừa để xuất khẩu sang các thị trường Viettel đầu tư.

"Đây là bước đột phá quan trọng của Tập đoàn nhằm cung cấp trang thiết bị hạ tầng mạng lưới tin cậy để đảm bảo an toàn thông tin, an toàn dữ liệu, bảo mật hệ thống - một trong những yếu tố sống còn trong kỷ nguyên số. Đồng thời đảm bảo tiến độ cung cấp hàng hoá, phục vụ triển khai hạ tầng mạng lưới, giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp bên ngoài", Chủ tịch Viettel nhấn mạnh.

psx_20250115_100548(1).jpeg
Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel đề xuất, kiến nghị một số vấn đề để triển khai nhanh chóng, hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Mặt khác, theo Chủ tịch Viettel, việc này cũng giúp Viettel làm chủ hệ thống, thiết bị, chủ động ứng cứu thông tin nếu sự cố xảy ra; tiến tới thương mại hoá, xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu,

Để thực hiện chiến lược trên, Tập đoàn Viettel xác định phải làm chủ thiết kế, làm chủ hệ thống, từng bước làm chủ công nghệ lõi, công nghệ sản xuất. Đồng thời hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu thế giới để tận dụng được năng lực, kinh nghiệm, công nghệ của các nước tiên tiến giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm, việc này giúp Viettel chủ động lựa chọn công nghệ phù hợp để không phụ thuộc vào các công ty nước ngoài.

Bên cạnh đó, Viettel còn phát huy lợi thế của doanh nghiệp (DN) vừa kinh doanh viễn thông vừa sản xuất thiết bị, lực lượng khai thác và kinh doanh trực tiếp cùng tham gia nghiên cứu để vừa làm vừa đánh giá, vừa thử nghiệm và hoàn thiện sản phẩm. Chính vì vậy, các thiết bị, sản phẩm do Viettel sản xuất được cá thể hoá cho từng thị trường, bám sát nhu cầu của khách hàng.

Theo Chủ tịch Viettel, trong giai đoạn hiện nay, mạng Viettel 5G có vai trò quan trọng, đóng góp vào việc triển khai Chiến lược quốc gia về phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Với tốc độ vượt trội, độ trễ thấp và khả năng kết nối hàng triệu thiết bị đầu cuối, công nghệ 5G là nền tảng để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số (CĐS) trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế như sản xuất thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh, giáo dục thông minh.

Chiến lược hạ tầng số đến năm 2025 tầm nhìn 2030 xác định năm 2030 phải triển khai mạng 5G trên diện rộng, đảm bảo phủ sóng 5G đến 99% dân số. Chính vì vậy, từ năm 2018 Tập đoàn đã bắt tay vào nghiên cứu công nghệ 5G đến nay đã làm chủ hoàn toàn hệ sinh thái sản phẩm 5G, từ thiết bị mạng lõi, truyền dẫn, đến thiết vô tuyến và đầu cuối, có chất lượng tương đương với các nhà cung cấp khác trên thế giới.

Đến nay, các sản phẩm trong hạ tầng sinh thái 5G của Viettel đã được sử dụng trên hầu hết các thị trường mà Viettel đầu tư và bước đầu xuất khẩu sang một số thị trường như UAE, Ấn Độ.

Ngoài ra, các thiết bị viễn thông của Viettel cũng được đưa vào triển khai tại các phòng lab của các trường đại học (ĐH) như Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Bách khoa Hà Nội, góp phần tăng cường thêm học cụ cho giáo viên và nhà trường.

Trong thời gian tới, Viettel sẽ tiếp tục nghiên cứu và phát triển các công nghệ mạng viễn thông thế hệ tiếp theo như 5G Advanced để cải thiện tốc độ và khả năng ứng dụng, đồng thời tham gia các tổ chức nghiên cứu phát triển công nghệ 6G dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT

Cần cơ chế để DN mạnh dạn đầu tư, bứt phá công nghệ

Thiếu tướng Tào Đức Thắng cũng cho biết, Nghị quyết 57 đã đưa ra những mục tiêu cụ thể, rõ ràng, giải pháp thực hiện đầy đủ, toàn diện, với những chính sách đột phá để tháo gỡ những “điểm nghẽn” làm hạn chế sự phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong thời gian qua, như cơ chế thí điểm để DN thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới; cơ chế đặc biệt trong nghiên cứu, tiếp cận, mua các bí mật công nghệ tiên tiến của nước ngoài; cơ chế đặc thù thu hút nhân tài về Việt Nam làm việc; thành lập quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược,…

Để các DN công nghệ tại Việt Nam tham gia đóng góp tích cực vào phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS quốc gia, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 57, lãnh đạo Viettel đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị tới các cơ quan quản lý nhà nước.

Một là, ban hành hướng dẫn hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm và cơ chế đánh giá để DN mạnh dạn đầu tư, phát triển các công nghệ mới. Nghị quyết 57 đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “Có cách tiếp cận mở, vận dụng sáng tạo, cho phép thí điểm đối với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo”.

Đây là chủ trương đột phá để các DN nhà nước như Viettel mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu thử nghiệm, làm chủ và đưa vào áp dụng các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới có độ rủi ro cao, tỷ lệ thành công thấp, nhưng nếu thành công sẽ có lợi nhuận lớn, tạo ra sự bứt phá cho DN.

Do đó, Viettel kiến nghị Nhà nước sớm ban hành hướng dẫn cụ thể để hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm tại DN theo các quy định của pháp luật; Hướng dẫn việc đánh giá kết quả thử nghiệm công nghệ, mô hình kinh doanh mới không chỉ dựa trên các hiệu quả về tài chính. Theo đó, dù kết quả nghiên cứu thành công hay thất bại đều mang lại bài học quý báu để chúng ta mau chóng đạt được thành công trong tương lai.

Hai là, đề xuất triển khai giải pháp hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược. Nghị quyết 57 cũng đã đề cập đến giải pháp về hình thành quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược nhằm thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ chiến lược. Nhà nước cần sớm ban hành hướng dẫn sử dụng quỹ này để các DN kịp thời triển khai các nhiệm vụ đặt ra, tập trung vào các dự án nghiên cứu công nghệ đóng vai trò nền tảng, bao trùm như công nghệ bán dẫn,... tránh việc phân bổ dàn trải, chia nhỏ.

Ba là, đề xuất xây dựng chính sách khuyến khích, ưu tiên sử dụng các sản phẩm Make in Viet Nam. Một trong những giải pháp trong Nghị quyết 57 để thúc đẩy sản xuất trong nước là cơ chế khuyến khích mua sắm công đối với các sản phẩm, hàng hoá là kết quả nghiên cứu khoa học do DN trong nước tạo ra. Đây là một trong những điểm nghẽn cần tháo gỡ để thúc đẩy nghiên cứu trong nước.

Dẫn lời Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại cuộc gặp DN nhỏ và vừa: “Không một tập đoàn lớn nào không khởi nguồn từ DN nhỏ”, theo Chủ tịch, Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel thì các nhà cung cấp thiết bị lớn trên thế giới cũng khởi đầu từ quy mô nhỏ và chi phí nghiên cứu, phát triển rất lớn. Hiện nay các DN trong nước đã sản xuất được nhiều sản phẩm công nghệ cao với chất lượng tương đương các nhà cung cấp lớn trên thế giới, tuy nhiên giá thành không thể cạnh tranh được với các DN nước ngoài do họ có thị trường lâu năm, lợi thế về quy mô và có những chính sách linh hoạt trong nghiên cứu, công nghệ.

Do vậy, đại diện Viettel kiến nghị các cơ quan nhà nước sớm ban hành cụ thể quy định khuyến khích mua sắm, sử dụng các sản phẩm công nghệ do DN trong nước sản xuất.

Việc làm chủ các hệ thống, thiết bị trong hệ sinh thái 5G sẽ là nền tảng để Tập đoàn Viettel tiếp tục nghiên cứu, phát triển các công nghệ lưỡng dụng. Với tinh thần trách nhiệm và sự đổi mới không ngừng, Viettel xin hứa tiếp tục tiên phong trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, đưa Việt Nam vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 57 về đột phá phát triển KHCN, ĐMST và CĐS quốc gia./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Viettel "hiến kế" để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 57-NQ/TW
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO