Các đại biểu chủ trì và điều hành Hội nghị
Chủ trì và điều hành Hội nghị có các đồng chí: Thuận Hữu, Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí Quốc gia; Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng; và hai Phó Chủ tịch Hội đồng gồm đồng chí Trương Minh Tuấn (Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương) và Phạm Văn Linh (Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương).
Theo Chủ tịch Hội đồng Giải báo chí Quốc gia, đồng chí Thuận Hữu cho biết: Ngày 29/3/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Đề án Giải báo chí Quốc gia và giao Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ TT&TT) và mời Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) tham gia thực hiện. Từ đó đến nay, Giải báo chí Quốc gia đã được báo giới và công chúng hưởng ứng, đón nhận tích cực. Giải đã thực sự là nguồn cổ vũ lớn đối với người làm báo, động viên ý thức sáng tạo của những người làm báo Việt Nam.
Đồng chí nhấn mạnh, đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động báo chí nói chung và hoạt động nghiệp vụ của các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí trong việc góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho hội viên – nhà báo, nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí. Tuy nhiên, qua 10 năm thực hiện, bên cạnh những thành tựu đạt được, Giải báo chí Quốc gia vẫn còn những mặt hạn chế cần được khắc phục, cải tiến để ngày càng nâng cao chất lượng, góp phần tăng cường sự đóng góp của báo chí vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Làm rõ hơn nhận định nêu trên, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chí Hồ Quang Lợi phân tích một số hạn chế, bất cập như: Cơ cấu giải chưa thật phù hợp với quy mô và tính chất của báo chí hiện đại; Việc thu hút tác phẩm ở một vài loại giải có bất cập, hạn chế; Loại hình phát thanh có đặc thù chỉ có 1 cơ quan báo phát thanh ở Trung ương nên giải thưởng rơi vào cơ quan này với tỷ lệ cao nhất; Mức tiền thưởng dù đã được điều chỉnh theo hướng tăng lên nhưng vẫn còn chưa xứng tầm với quy mô của Giải báo chí Quốc gia và với sự đầu tư thực hiện những tác phẩm nhiều kỳ, có hoàn cảnh đặc biệt như biên giới, hải đảo, chống buôn lậu...
“Việc tuyển chọn tác phẩm dự thi thông qua hai bước sơ khảo và chung khảo theo thông lệ nhiều năm qua đạt kết quả tốt, không có chuyện khiếu nại hậu giải. Nhưng sức ép thời gian thật nặng nề khi phải săm soi 1.650 tác phẩm (năm vừa qua), trong đó có tác phẩm dài đến 125 trang, nhiều tác phẩm thể loại truyền hình dài tới 60 phút”, nhà báo lão thành Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam góp ý thêm tại Hội nghị.
Nhà báo Trần Duy Ngoãn, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An cho rằng, “để có được kết quả cao trong các mùa Giải báo chí Quốc gia, Hội Nhà báo địa phương phải đề cao vai trò của Chi hội trong việc phối hợp với lãnh đạo cơ quan báo chí để vận động hội viên tham gia. Mặt khác, để có những tác phẩm báo chí chất lượng, nhà báo phải bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của địa phương, cơ sở; phải chủ động, nhạy bén phát hiện ra những vấn đề mà xã hội quan tâm, mang đậm hơi thở cuộc sống, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của xã hội…”.
Hội nghị đã có gần 30 tham luận từ các cấp Hội, chuyên gia trong cả nước, đề cập đến các vấn đề liên quan tới công tác tổ chức Giải báo chí Quốc gia. Trước đó, vào chiều ngày 13/7, nhiều tham luận đã được trình bày tại Tọa đàm “Làm thế nào để có những tác phẩm báo chí chất lượng tốt dự Giải báo chí Quốc gia”.
Phát biểu kết thúc Hội nghị, thay mặt Hội đồng Giải báo chí Quốc gia, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chí Thuận Hữu đã trân trọng tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị. Nhận rõ những hạn chế nêu trên, Hội đồng Giải báo chí Quốc gia đã dự kiến phương hướng cải tiến, nâng cao chất lượng Giải báo chí Quốc gia. Những ý kiến đóng góp của các cấp Hội là cơ sở để Hội đồng Giải báo chí Quốc gia tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi cơ cấu giải; nâng cao chất lượng tác phẩm dự giải; có các hình thức thiết thực, cụ thể tuyên truyền, quảng bá, phát huy kết quả của giải. Qua đó, tôn vinh tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc của giải, đồng thời phát hiện, bồi dưỡng tài năng báo chí, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người làm báo đối với xã hội, đối với đất nước; tôn vinh các nhà báo có đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp báo chí nước nhà, tập hợp xây dựng đội ngũ cây bút, tay máy quyền uy, nâng cao vị thế của báo chí cách mạng Việt Nam trong thời gian tới./.