TP. HCM: Đưa thông tin CĐS đến với người dân nhanh nhất, đầy đủ nhất

Ngọc Mai| 13/06/2022 13:18
Theo dõi ICTVietnam trên

TP.HCM là địa phương tiên phong trong cả nước công bố hình thành Cổng thông tin Chuyển đổi số (CĐS). Qua Cổng này, thông tin về CĐS đã được phổ biến đến các cơ quan nhà nước (CQNN), doanh nghiệp (DN) và người dân một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất.

Cổng thông tin CĐS TP.HCM được đặt tại địa chỉ https://chuyendoiso.hochiminhcity. gov.vn. Đây là kênh chính thức tổng hợp thông tin liên quan đến các kế hoạch, chương trình CĐS, các hoạt động và kết quả CĐS của TP. HCM.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) TP.HCM để tìm hiểu cụ thể hơn về những kết quả đã đạt được cũng như tiềm năng phát triển của Cổng thông tin CĐS TP. HCM trong thời gian tới.

TP. HCM: Đưa thông tin CĐS đến với người dân nhanh nhất, đầy đủ nhất - Ảnh 1.

Giám đốc Sở TT&TT TP. HCM Lâm Đình Thắng: TP. HCM đặt mục tiêu tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các thông tin liên quan về CĐS của Trung ương và Thành phố một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất

PV. TP.HCM là địa phương đi tiên phong trong cả nước khi công bố hình thành Cổng thông tin CĐS từ tháng 3/2022. Vì sao lại có ý tưởng hình thành Cổng thông tin này, thưa ông?

Ông Lâm Đình Thắng: Một trong những vấn đề quan trọng để CĐS thành công là phải chuyển đổi, nâng cao nhận thức về CĐS đối với tất cả các bên có liên quan. Phải có sự thống nhất trong tư duy và hành động quyết liệt từ những cấp lãnh đạo cao nhất cho đến toàn hệ thống thì mới có thể có những kết quả rõ rệt.

Do đó, Thành phố đã đặt mục tiêu là phải làm sao để tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các thông tin liên quan về CĐS của Trung ương và Thành phố một cách nhanh nhất, đầy đủ nhất đến các cơ quan nhà nước, DN, người dân, đặc biệt là những người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị.

Ý tưởng hình thành Cổng thông tin CĐS đã ra đời từ đó. Xây dựng Cổng là nhiệm vụ quan trọng mà Sở TT&TT - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo CĐS thành phố xác định phải thực hiện và Cổng này cần phải ra đời một cách nhanh nhất có thể.

PV: Cổng thông tin CĐS đã và đang đóng góp ra sao cho hành trình CĐS của TP.HCM?

Ông Lâm Đình Thắng: Ngày 18/3/2022, Sở TT&TT TP. HCM chính thức giới thiệu "Cổng thông tin CĐS TP. Hồ Chí Minh". Với hơn 2 tháng vừa hoạt động vừa hoàn thiện, có thể chưa đủ thông tin để đánh giá toàn diện. Tuy nhiên, Cổng CĐS TP. HCM đã đạt được một số kết quả khả quan bước đầu:

Là Cổng thông tin thống nhất của toàn thành phố cung cấp đầy đủ và nhanh chóng tất cả những nội dung liên quan đến CĐS của thành phố. Thông tin của cổng rất phong phú như tổng quan về các kế hoạch CĐS của thành phố; tin tức tổng hợp về CĐS của thành phố, của Việt Nam và thế giới; các hoạt động hợp tác, chuyển giao về CĐS…

Là thư viện đa phương tiện để tập huấn, bồi dưỡng về CĐS cho cả thành phố. Cổng CĐS TP. HCM cung cấp rất nhiều học liệu, tài liệu quốc tế, tài liệu do Bộ TT&TT, các nhà xuất bản trên cả nước phát hành dưới nhiều hình thức, để các cơ quan, đơn vị chỉ cần khai thác các thông tin trên Cổng là có thể tự đào tạo hoặc tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ tại đơn vị. Chúng tôi sẵn sàng tìm thêm tài liệu đưa lên Cổng cho mọi người cùng tham khảo, sử dụng nếu các đơn vị có yêu cầu. Đồng thời, các cơ quan, DN và người dân cũng có thể tìm hiểu về các ứng dụng, các nền tảng dịch vụ công của thành phố để có thể sử dụng và nhân rộng tại đơn vị.  

Là nơi đặt Diễn đàn CĐS để các hiệp hội, DN, chuyên gia, cá nhân tham gia trao đổi, góp ý, hiến kế cho quá trình triển khai CĐS của Thành phố. Đây là bước phát triển của Cổng CĐS và cũng là nội dung thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. HCM Phan Văn Mãi tại hội nghị gặp mặt giữa lãnh đạo thành phố với các DN, chuyên gia ngành công nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) trong tháng 4 vừa qua.

Như vậy, thông qua Cổng thông tin CĐS, lãnh đạo thành phố có thể nắm bắt, tiếp nhận những ý kiến, góp ý, hiến kế của người dân, tổ chức, DN; cán bộ công chức kịp thời hệ thống hóa và nắm bắt các văn bản, chương trình, kế hoạch, đề án CĐS của thành phố.

Vừa qua, chúng tôi đã tiếp tục thực hiện thêm một ấn phẩm tuyên truyền nữa là Bản tin CĐS Thành phố để bổ sung thông tin cho Cổng CĐS, hướng đến đối tượng là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị để nắm bắt các hoạt động CĐS của thành phố trong từng tháng. Bản tin CĐS đã ra mắt số đầu tiên chào mừng ngày 30/4 và đã thực hiện được 2 số, định kỳ hàng tháng.

Bản tin có nội dung phong phú, cập nhật nhanh chóng, đầy đủ các thông tin, văn bản mới, hoạt động của lãnh đạo thành phố trong lĩnh vực CĐS, các bản tin chuyên sâu về CĐS và nhiều mô hình CĐS cũng đã được tích hợp trên Cổng. 

Với những nội dung trên cùng với việc thiết kế giao diện hiện đại, đơn giản, dễ dàng cho việc truy cập bằng thiết bị máy tính hay điện thoại thông minh, sau hơn 2 tháng triển khai, Cổng thông tin CĐS TP.HCM đã bước đầu thúc đẩy công tác tuyên truyền và từng bước nâng cao nhận thức của người dân, DN, tổ chức, đồng thời giúp các cấp chính quyền thấy được thành quả và lộ trình CĐS của thành phố.

PV: Xây Cổng không khó, nhưng để vận hành hiệu quả Cổng lại là bài toán không đơn giản. Sở TT&TT TP.HCM có kế hoạch, giải pháp gì để đảm bảo vận hành hiệu quả Cổng thông tin CĐS?

Ông Lâm Đình Thắng: Sở TT&TT luôn trăn trở, tìm tòi giải pháp để Cổng thông tin CĐS TP. HCM hoạt động thật sự có hiệu quả, đáp ứng được mục tiêu ban đầu đã đề ra.

Sở TT&TT đang nghiên cứu và triển khai nhiều giải pháp, cụ thể: Về đội ngũ vận hành, Sở tổ chức một bộ phận riêng để tập trung và có sự đầu tư nghiêm túc, chuyên sâu cho việc vận hành Cổng.

Về nội dung, Cổng thông tin CĐS là nơi cung cấp, cập nhật thông tin kịp thời cho bạn đọc, do đó, để vận hành hiệu quả thì công tác liên quan đến nội dung rất quan trọng. Về nguồn tin bài, ngoài đội ngũ tại Sở TT&TT thì Sở đang tổ chức mạng lưới các cộng tác viên là phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí trên địa bàn Thành phố. Sở cũng đã đề nghị Thành phố Thủ Đức, các quận/huyện, sở/ngành cử nhân sự làm đầu mối, phối hợp cung cấp thông tin về hoạt động CĐS tại các đơn vị.

Phương án kỹ thuật cho hệ thống cũng hết sức quan trọng để đảm bảo cho Cổng vận hành và hoạt động hiệu quả. Bộ phận CNTT của Sở đã được giao đảm bảo vận hành Cổng 24/7, thường xuyên cập nhật những công nghệ mới nhất và đảm bảo tuyệt đối an toàn thông tin trên môi trường mạng.

Ngoài ra, Sở cũng tăng cường đầu tư cho Diễn đàn CĐS, trở thành nơi các góp ý, hiến kế của các hiệp hội, DN, chuyên gia và cá nhân cho quá trình triển khai CĐS của Thành phố được chuyển đến bộ phận liên quan, và trả lời công khai trên Cổng. Đây là hoạt động mang tính tương tác cao nhằm duy trì tính sống động, cập nhật của Cổng.

Có thể nói, Cổng thông tin CĐS TP.HCM là Cổng thông tin CĐS đầu tiên trên cả nước. Với tinh thần cầu thị, Sở TT&TT sẵn sàng lắng nghe, ghi nhận các ý kiến đóng góp, các sáng kiến của mọi người để ngày càng hoàn thiện Cổng.

PV: Từ tháng 3 tới nay, Cổng có cập nhật thêm tính năng, ứng dụng gì mới hay không?

Ông Lâm Đình Thắng: Như vừa chia sẻ ở trên, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Phan Văn Mãi, tại cuộc gặp mặt giữa lãnh đạo thành phố với các DN, chuyên gia ngành CNTT vào ngày 15/4 vừa qua, Sở TT&TT đã khẩn trương nghiên cứu, tổ chức lấy ý kiến góp ý và xây dựng Diễn đàn số. Trong 2 tuần, cơ bản bộ phận chuyên môn của Sở cũng đã hoàn thành bản thử nghiệm trên Cổng thông tin CĐS.

Ngoài ra, Bản tin CĐS - Bản tin định kỳ hàng tháng đã ra mắt được 2 số là tháng 4 và số tháng 5, cũng đã được tích hợp trên Cổng thông tin CĐS và vừa bổ sung tính năng hỗ trợ đọc cho bạn đọc.

PV: Cổng thông tin CĐS được thiết kế giao diện hiện đại, đơn giản, dễ dàng cho việc truy cập bằng thiết bị máy tính hay điện thoại thông minh. Tính đến nay, số lượng truy cập vào Cổng tăng trưởng thế nào? Đâu là chuyên mục thu hút sự tương tác lớn nhất trên Cổng?

Ông Lâm Đình Thắng: Đến nay, Cổng thông tin CĐS TP.HCM đã có khoảng hơn 350.000 lượt xem. Trong đó, tỷ lệ người dùng sử dụng máy tính chiếm 86%; mobile chiếm 10,3%; tablet chiếm 3,7%. Tỉ lệ người dùng tại TP.HCM chiếm 60%.

Chuyên mục thu hút sự tương tác và lượt xem của bạn đọc nhiều nhất là Trang tin tức tổng hợp và Cẩm nang CĐS.

TP. HCM: Đưa thông tin CĐS đến với người dân nhanh nhất, đầy đủ nhất - Ảnh 2.

PV: Một trong những điểm được đánh giá rất cao là thông qua Cổng Thông tin CĐS, các chuyên gia, người dân, tổ chức, DN có thể trực tiếp tham gia vào quá trình CĐS của thành phố thông qua các đề xuất, sáng kiến… Thực tế đã có nhiều đề xuất, sáng kiến như vậy hay chưa?

Ông Lâm Đình Thắng: Do Diễn đàn CĐS vừa mới hoàn thiện, đang trong giai đoạn thử nghiệm nên số lượng đề xuất, sáng kiến vẫn chưa nhiều Các nội dung góp ý chủ yếu liên quan đến Cổng thông tin CĐS. Một số nội dung phản ánh, kiến nghị liên quan đến các lĩnh vực khác chúng tôi chuyển qua Tổng đài 1022 tiếp nhận theo quy trình và chuyển các đơn vị liên quan xử lý.

Chúng tôi đang hoàn thiện dần về mặt kỹ thuật, đội ngũ trực Diễn đàn và nhất là quy trình phối hợp tham gia trao đổi của các đơn vị, bộ phận có liên quan.

Ngoài ra, để khuyến khích, thu hút sự tham gia của các chuyên gia, người dân, tổ chức, DN trong thời gian tới, Sở đang nghiên cứu, lên phương án sẽ có kế hoạch tổ chức những cuộc thi online, hay đưa ra những khảo sát để thu thập lấy ý kiến của người dân/DN cho những nội dung về CĐS mà thành phố đang mong muốn.

PV: Với vai trò người đứng đầu Sở TT&TT, đơn vị xây dựng và vận hành Cổng thông tin CĐS TP. HCM, mong muốn lớn nhất của ông lúc này là gì, thưa ông?

Ông Lâm Đình Thắng: Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là Cổng thông tin CĐS có những đóng góp thật sự hiệu quả, thiết thực cho công cuộc CĐS của toàn thành phố, là nơi các cấp lãnh đạo có thể tham khảo và đưa ra những quyết định quan trọng về CĐS, nơi hỗ trợ nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, người dân và DN, nơi mà các chuyên gia, trí thức, doanh nhân và những người tâm huyết có thể góp ý, hiến kế cho hoạt động CĐS thành phố.

Từ đó, Cổng sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công mục tiêu Chương trình CĐS của thành phố là đến năm 2030, TP.HCM trở thành đô thị thông minh (ĐTTM) với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các DN số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.

Muốn vậy thì không thể chỉ có lực lượng của Sở mà rất cần có sự ủng hộ, đồng hành của người dân, DN, chuyên gia và các cơ quan quản lý nhà nước.

Bản thân chúng tôi sẽ rất nỗ lực. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất mong muốn có sự tham gia, hỗ trợ của đông đảo mọi người dân, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài thành phố.

PV: Ông có thể "bật mí" một số kế hoạch phát triển, điểm nhấn đặc biệt của Cổng thông tin CĐS TP. HCM trong thời gian tới?

Ông Lâm Đình Thắng: Trong thời gian tới, bên cạnh tiếp tục hoàn thiện, phát triển các tính năng, chuyên mục hiện có, nhất là Thư viện đa phương tiện và Diễn đàn CĐS, Sở TT&TT dự kiến sẽ xây dựng thêm các chuyên mục để tổ chức những hội thảo trực tuyến, những buổi livestream trao đổi thông tin, gia tăng tính tương tác với người dân, DN.

Sở cũng sẽ tích hợp ứng dụng AI chatbot để tìm kiếm, sử dụng dữ liệu mở của thành phố trên Cổng. Đồng thời, Cổng thông tin CĐS sẽ giới thiệu và cho sử dụng thử các sản phẩm, giải pháp, ứng dụng đạt giải thưởng tại Hội thi "Thử thách trí tuệ nhân tạo (AI-Challenge) TP.HCM trong các năm qua.

Chương trình CĐS TP.HCM đặt ra tầm nhìn đến năm 2030, TP. HCM trở thành ĐTTM với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các DN số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.

Mục tiêu tổng quát là phát triển chính quyền số, kinh tế số, CĐS trong các ngành với tinh thần: "Là đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới. Phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, phong trào đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư…"./.


Bài liên quan
  • Ứng dụng Công dân số TP. HCM cung cấp nhiều tiện ích
    Việc triển khai ứng dụng công dân số không chỉ thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của TP. Hồ Chí Minh trong việc nâng cao năng lực chuyển đổi số, mà còn thể hiện cam kết thực hiện Đề án 06 cũng như Chương trình Chuyển đổi số của Thành phố. Từ đó, tạo ra những bước tiến mới trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ công, đồng thời nâng cao trải nghiệm của người dân.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
TP. HCM: Đưa thông tin CĐS đến với người dân nhanh nhất, đầy đủ nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO