Truyền thông

TP. HCM hướng đến xây dựng và phát triển DDCI thành thương hiệu

Nhật Minh 02/11/2023 15:17

Việc khảo sát, đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành, địa phương (DDCI) có ý nghĩa, vai trò quan trọng góp phần nâng cao chất lượng quản trị công, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)…

Vì điều này, UBND TP. Hồ Chí Minh vừa phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức hội nghị công bố việc triển khai đánh giá về nội dung quan trọng trên (DDCI), hướng đến thông điệp “Lắng nghe - Thấu hiểu - Đồng lòng - Đột phá”.

Khảo sát chỉ số về “Tiếp cận minh bạch thông tin và CĐS”

Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh, khi chúng ta thực hiện, làm tốt hiệu quả việc đánh giá công tác này, sẽ góp phần giúp các đơn vị, địa phương thấy được những điểm mạnh, yếu, từ đó có các biện pháp nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho việc đầu tư, sản xuất kinh doanh trên nhiều lĩnh vực.

“Đặc biệt, đánh giá được trách nhiệm xã hội và năng lực quản trị của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố; tạo kênh thông tin minh bạch, tin cậy; giúp thành phố có chiến lược tốt hơn để cải cách, nâng cao chất lượng quản trị và điều hành kinh tế, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)…”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Cũng theo ông Võ Văn Hoan, năm 2023, thành phố đang tiến hành, thực hiện khảo sát chỉ số về “Tiếp cận minh bạch thông tin và chuyển đổi số (CĐS)”. Đây là điểm mới so với năm 2022 khi gộp chỉ số “Tính minh bạch và tiếp cận thông tin” và chỉ “Ứng dụng công nghệ thông tin và CĐS” nhằm đáp ứng xu hướng ứng dụng CĐS để tăng cường tiếp cận thông tin.

Đồng thời, Thành phố sẽ đánh giá chỉ số “Vai trò người đứng đầu sở, ngành, chính quyền địa phương” được đưa vào thành chỉ tiêu đánh giá trong chỉ số thành phần “Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của đơn vị”.

tp-hcm-1.jpg
Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho rằng việc thực hiện DDCI góp phần giúp thành phố có chiến lược tốt hơn để cải cách, nâng cao chất lượng quản trị và điều hành, quản lý.

Hơn nữa, trong năm nay, Thành phố bổ sung 2 chỉ số mới: “Chỉ số xanh” (tham chiếu PCI 2022 và định hướng thúc đẩy kinh tế xanh của lãnh đạo TP.HCM) và “Chỉ số sức khỏe và môi trường” (tham chiếu thông lệ quốc tế và định hướng xây dựng TP. HCM thành Trung tâm Tài chính quốc tế).

Do đó, để đạt hiệu quả cho công tác này, Thành phố mong muốn các cơ quan truyền thông tích cực đồng hành, chú trọng các hình thức tuyên truyền, phương thức truyền thông đa dạng, nhiều chiều trước, trong và sau khi tổ chức hội nghị đến tất cả các sở, ban ngành, cộng đồng doanh nghiệp, hướng đến đạt mục tiêu xây dựng và phát triển DDCI thành thương hiệu của Thành phố.

Theo kế hoạch, Thành phố sẽ báo cáo kết quả DDCI năm 2023 trước ngày 31/3/2024 và triển khai kế hoạch DDCI năm 2024. Việc đánh giá này sẽ trở thành hoạt động thường niên để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Theo mục tiêu kế hoạch này, Thành phố yêu cầu kết quả đánh giá năm 2023 phải đảm bảo phân tích đầy đủ, so sánh với kết quả đánh giá năm 2022, làm rõ những gợi ý chính sách, khuyến nghị cho thành phố, đơn vị, sở, ngành, quận huyện; tăng cường sự tham vấn từ các chuyên gia, DN, đánh giá nhiều chiều về các chính sách do Chính phủ ban hành và hiệu quả trong cách thức triển khai của chính quyền địa phương...”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Cấp địa phương yêu cầu thực hiện đảm bảo đạt 10 chỉ tiêu

Tại hội thảo, đại diện đơn vị tham gia tiến hành đánh giá, khảo sát, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, dự kiến khoảng 15.000 DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể sẽ tham gia thực hiện các khảo sát đánh giá năng lực điều hành kinh tế của sở, ban ngành và các địa phương. Trong đó, có 8.000 DN đánh giá khối địa phương và 7.000 DN đánh giá khối sở, ngành. Số phiếu khảo sát dự kiến khoảng 50.000 phiếu.

Cùng với đó, các nội dung thực hiện nhiệm vụ dựa trên nguyên tắc: Kế thừa, phát huy kết quả đã đạt được, khắc phục tồn tại DDCI 2022; xây dựng câu hỏi ngắn, dễ hiểu; đưa những vấn đề Thành phố đang quan tâm vào bảng câu hỏi.

Đồng thời, yêu cầu các sở, ban, ngành khi thực hiện đảm bảo đáp ứng theo 09 chỉ tiêu: Tiếp cận minh bạch thông tin và chuyển đổi số; chi phí không chính thức; chi phí thời gian; cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ DN; thiết chế pháp lý; tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của đơn vị, chỉ số xanh; môi trường sống và sức khỏe.

tp-hcm-2.jpg
Bà Cao Thị Phi Vân cho biết, số phiếu khảo sát dự kiến khoảng 50.000 phiếu.

“Riêng đối với cấp địa phương, bộ chỉ số DDCI năm 2023 ngoài việc thực hiện 09 chỉ tiêu như trên, cần đạt thêm tiêu chí về khả năng tiếp cận đất đai và ổn định trong sử dụng đất”, Phó Giám đốc ITPC cho biết.

Phó Giám đốc ITPC còn cho biết thêm, phương pháp luận xây dựng bộ chỉ số, chỉ tiêu được dựa trên việc: Tham khảo đối chiếu PCI 2022 do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp thực hiện; tham khảo đối chiếu DDCI một số tỉnh có kinh nghiệm DDCI (Quảng Ninh, Hải Phòng); tham khảo đối chiếu thông lệ quốc tế (IMD World Competitive 2023, Global Competitive Index GCI 2021, KCI (South Korea) 2018, I-SCI 2021, v.v...); chạy mô hình định lượng dựa trên bộ dữ liệu khảo sát DDCI 2022 để đánh giá độ tin cậy của mỗi chỉ tiêu giúp loại bỏ các chỉ tiêu không phù hợp.

Còn đối với các câu hỏi khảo sát thực hiện dựa trên phương pháp luận: Tham chiếu chức năng nhiệm vụ của sở, ban ngành và quận, huyện; nhận diện chức năng nhiệm vụ có tương tác với DN; đối chiếu và lọc các câu hỏi từ DDCI 2022 phù hợp đánh giá các chức năng nhiệm vụ và phù hợp với chỉ tiêu đánh giá; chạy mô hình định lượng để loại bỏ các câu hỏi không phù hợp để đo chỉ tiêu tương ứng (dưới góc độ phân tích thống kê)./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
TP. HCM hướng đến xây dựng và phát triển DDCI thành thương hiệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO