Trải nghiệm chuyển đổi số tại xã Vi Hương, Bắc Kạn

Lan Phương| 23/12/2020 10:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Mong đợi mãi, chúng tôi, các nhà báo ICT may mắn được đến thăm xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn vào một ngày cuối năm 2020 để trải nghiệm thực tế kết quả triển khai chuyển đổi số (CĐS) cấp xã.

Thành công bước đầu về CĐS tại cấp xã

Gặp chúng tôi, các anh chị lãnh đạo xã Vi Hương, huyện Bạch Thông đã phấn khởi, trò chuyện và chia sẻ về những thành quả bước đầu triển khai CĐS giai đoạn 1 của xã.

Bí thư xã Vi Hương Nguyễn Văn Hoán cho biết Vi Hương là một xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Bạch Thông, cách trung tâm của huyện 5 km. Với tổng diện tích đất tự nhiên là 2.087,72 ha, xã có 9 thôn, với 622 hộ, 2.626 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh, Mường cùng sinh sống, thu nhập chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập bình quân đầu người còn thấp.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT vào công tác quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước (CQNN), nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN), những năm qua, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã tích cực, chủ động triển khai ứng dụng CNTT trong các hoạt động của đơn vị. Với Chương trình CĐS quốc gia, Vi Hương được lựa chọn là một trong 8 xã trên toàn quốc triển khai thí điểm chương trình CĐS xây dựng xã thông minh.

Sau gần 4 tháng triển khai tích cực với sự tham gia đồng hành của lãnh đạo và các phòng chuyên môn Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT, Sở TT&TT, các tập thể và cán bộ của các DN ICT (CMC, Viettel Bắc Kạn, Hanoi Telecom, VBee, VNPT Bắc Kạn), các hoạt động CĐS được triển khai tại xã gồm: Xây dựng các kênh giao tiếp, tương tác thuận tiện hơn với người dân; nâng cấp hệ thống loa truyền thanh thông minh, cài phần mềm chuyển văn bản sang âm thanh thông qua nền tảng AI; triển khai các hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) nhằm hỗ trợ quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm của địa phương trên môi trường mạng; Triển khai nền tảng kết nối TMĐT Agriconnect cho các sản phẩm nông sản của Xã; phần mềm bán hàng Shopone; triển khai cầu truyền hình và nền tảng hỗ trợ hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth tại trạm y tế; lắp đặt trạm phát sóng di động 4G; trạm WiFi công cộng tại khu vực UBND xã.

Với những hoạt động kể trên, Bí thư Xã Nguyễn Văn Hoán cho biết, đến nay, xã Vi Hương đã có những chuyển biến tích cực trong công cuộc CĐS, từ hoạt động của chính quyền đến ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong mọi mặt đời sống của xã.

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, tổng số văn bản điện tử đến là 3.019 văn bản, tổng số văn bản đi được ký số chuyên dùng đúng quy định là 386 văn bản (đạt 100%).Từ khi thực hiện CĐS xã đã thực hiện nghiêm túc quy trình tiếp nhận và xử lý văn bản, không có tồn đọng trong tiếp nhận, xử lý văn bản. Xã đã tiếp nhận và giải quyết 692 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 3 trên hệ thống một cửa điện tử. Trang điện tử của xã được huyện hỗ trợ, xây dựng từ năm 2012 và được nâng cấp năm 2020 tại địa chỉ http://vihương.bachthong.gov.vn.

Ghi nhận trải nghiệm chuyển đổi số tại Vi Hương, Bắc Kạn - Ảnh 1.

Trong cách thức giao tiếp, Bí thư Nguyễn Văn Hoán cho biết đã có những thay đổi thực sự trong cách giao tiếp của chính quyền xã với nhân dân thông qua hệ thống loa phát thanh thông minh, giúp tuyên tuyền nhiều nội dung hơn, nhanh hơn và kịp thời hơn mà không phát sinh biên chế phát thanh viên. Các tin nhắn của chính quyền xã được gửi đến toàn thể các hộ gia đình và người dân Vi Hương thông qua các nhóm Zalo nhanh chóng, giúp người dân nắm bắt kịp thời các nội dung, tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo xã. Đồng thời, sự tin tưởng, gần gũi hơn giữa chính quyền và nhân dân trên địa bàn xã được tăng cường.

Người dân xã nay đã có sóng WiFi, lướt Internet công cộng miễn phí, được tập huấn, tiếp cận và sử dụng nhanh chóng hình thức tư vấn, bán hàng qua mạng. Môi trường, cảnh quan của xã văn minh, xanh, sạch, đẹp.

Trong triển khai CĐS tại Xã Vi Hương, HTX Thiên An là đơn vị được chọn để hỗ trợ bà con bán hàng hóa nông sản qua kênh TMĐT. Chị Lý Thị Quyên, Giám đốc HTX Thiên An, chia sẻ HTX đã được hỗ trợ thúc đẩy phát triển TMĐT và đạt được một số kết quả như trang web giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp; Fanpage giới thiệu các sản phẩm trên Facebook; nền tảng kết nối TMĐT dành cho nông sản AgriConnect được xây dựng để kết nối các gian hàng trên các sàn như Postmart, Tiki, Shopee... giới thiệu các sản phẩm. Viettel Post và Bưu điện đã hỗ trợ vận chuyển hàng hóa.

Ghi nhận trải nghiệm chuyển đổi số tại Vi Hương, Bắc Kạn - Ảnh 2.

Chị Lý Thị Quyên giới thiệu sản phẩm rất riêng có của HTX Thiên An cho Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Trọng Đường, Bí thư Huyện ủy Huyện Bạch Thông Đồng Văn Lưu

Chị Quyên cũng phấn khởi chia sẻ thêm HTX Thiên An đã hoàn thiện được quy trình sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn, các sản phẩm của HTX được Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn cấp giấy phép lưu hành, được đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu và được đăng ký bảo hộ sản phẩm theo quy định. Các sản phẩm được sử dụng mã vạch QR code để truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Công nghệ blockchain được ứng dụng để kiểm định chất lượng tất cả các khâu.

Trang web của HTX (https://hoptacxathienan.com) đã có hơn 500 lượt truy cập. Các kênh bán hàng của HTX cũng thu hút được nhiều người xem. Thông qua đó, đã có nhiều khách hàng biết đến Thiên An và sản phẩm của Thiên An. Vừa qua, Thiên An đã có những đơn hàng đến từ những tỉnh, thành phố như TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Lạt…

Sản lượng bán hàng trước đây của Thiên An từ 4-5 đơn hàng của thành viên HTX nay tăng 10 - 15 đơn hàng. Nhờ đó, thu nhập thành viên của HTX cũng được tăng lên đáng kể từ mức 1 – 2 triệu đồng/tháng lên mức trung bình 4 triệu đồng/tháng.

Ghi nhận trải nghiệm chuyển đổi số tại Vi Hương, Bắc Kạn - Ảnh 3.

Chị Triệu Thị Thoa, xã viên HTX Thiên An đang thực hiện các thao tác xử lý đơn hàng TMĐT và thực hiện chuyển phát

Sau khi trải nghiệm thực tế tại HTX Thiên An, chúng tôi đã trải nghiệm CĐS tại trạm y tế xã Vi Hương. Chúng tôi được chứng kiến trạm y tế được trang bị thiết bị y tế thông minh Telehealth và nền tảng hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa để truyền nhận âm thanh, hình ảnh kết nối với các bệnh viện trong cả nước.

Theo chia sẻ của Trạm y tế, ngày 25/9/2020, trạm y tế xã Vi Hương đã cùng với các điểm khám chữa bệnh của cả nước thực hiện kết nối và theo dõi truyền hình trực tuyến của Lễ khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám, chữa bệnh từ xa của cả nước, theo dõi trực tiếp các ca chữa bệnh và tư vấn của các bác sĩ tại các điểm cầu bệnh viện trong nước.

Ghi nhận trải nghiệm chuyển đổi số tại Vi Hương, Bắc Kạn - Ảnh 4.

Bác sĩ tại trạm Y tế xã Vi Hương có thể xem các chương trình sinh hoạt chuyên đề qua mạng một cách thuận tiện

Ngày 15/12/2020, trạm là một trong 4 đơn vị được tham gia cùng với các bác sĩ đầu ngành của Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội do PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc bệnh viện, chủ trì sinh hoạt khoa học chuyên đề: "Quản lý bệnh nhân suy tim" và hội chẩn trực tuyến ca lâm sàng, cùng với 37 đơn vị y tế từ trung ương đến địa phương cơ sở trên cả nước tham dự.

Sau khi thăm Trạm y tế, Bí thư Nguyễn Văn Hoán chia sẻ thêm CĐS lĩnh vực giáo dục. Tại xã, các trường học trên địa bàn đã được số hóa, hồ sơ 100% điện tử, cung cấp sổ liên lạc điện tử SMAS (SMS Parents, SParent), Phân hệ quản lý thư viện và tuyển sinh đầu cấp cho các nhà trường đã được triển khai. Các khoản đóng góp của học sinh được thực hiện qua hệ thống tài khoản ngân hàng. Đến nay, các nội dung trên đã được đưa vào sử dụng đáp ứng yêu cầu của các nhà trường.

Còn nhiều việc để làm

Chia sẻ về những kết quả ban đầu của triển khai CĐS tại xã Vi Hương, ông Nguyễn Duy Luân, Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông cho biết tuy triển khai trong thời gian ngắn, nhưng các nhiệm vụ, nội dung đã được triển khai nhanh chóng, quyết liệt. Các bộ phân chuyên môn, ban ngành đoàn thể xã được giao nhiệm vụ phụ trách luôn tích cực nắm bắt, tham mưu tổ chức thực hiện.

"Các nội dung triển khai đã bước đầu cho thấy được hiệu quả nhất định, người dân có thói quen và tích cực tham gia sử dụng các ứng dụng, dịch vụ. HTX Thiên An đã được nhiều người trong cả nước biết đến, số lượng hàng hóa bán ra đã có cải thiện, nâng cao thu nhập cho các thành viên tham gia", Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Luân chia sẻ.

Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Duy Luân, CĐS tại Xã Vi Hương nói một cách dễ hiểu là thực hiện đổi mới toàn diện từ tư duy, nhận thức tới cách làm của cán bộ, công chức, viên chức cơ quan nhà nước cũng như đổi mới nhận thức, thay đổi thói quen cũ, cách làm cũ của mỗi người dân, DN, HTX trong xã thực hiện các công việc hàng ngày theo một cách làm việc hoàn toàn mới thuận tiện.

Đạt được kết quả CĐS bước đầu, theo Giám đốc Sở TT&TT Hà Văn Tiến cho biết Vi Hương là xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế chưa phát triển nhưng cấp uỷ, chính quyền xã có khát vọng lãnh đạo để người dân trong xã phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng bào dân tộc nơi đây chất phác, cầu tiến bộ, có ý chí vươn lên.

Qua theo dõi, tham gia sát sao vào hoạt động CĐS cấp xã, thay mặt Cục Tin học hoá, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Cục trưởng cho biết, trong 8 xã Cục Tin học hóa lựa chọn để triển khai CĐS cấp xã thì xã Vi Hương là xã thứ hai thực hiện tổng kết giai đoạn 1 sau xã Yên Hoà, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình.

Ghi nhận trải nghiệm chuyển đổi số tại Vi Hương, Bắc Kạn - Ảnh 5.

Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Đường thực tiễn việc triển khai y tế từ xa tại trạm y tế xã Vi Hương

"Xã Vi Hương bước đầu đã triển khai thành công CĐS có ý nghĩa khích lệ rất lớn cho các xã khác và mở rộng cho cả chương trình CĐS quốc gia, tạo niềm tin cho các cơ quan, tổ chức về CĐS là việc chắc chắn làm được và chúng ta sẽ làm thành công", Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Đường cho biết.

Chia sẻ với PV Tạp chí TT&TT, Phó Cục trưởng Nguyễn Trọng Đường cho hay còn nhiều việc phải làm trong CĐS tại xã Vi Hương trong giai đoạn 2. Triển khai chính quyền số đã thực hiện chuyển văn bản không giấy, các nền tảng họp trực tuyến. Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần thúc đẩy dịch vụ công trên mạng, đưa dịch vụ công cấp 4 để cho bà con có thể không cần phải đến nộp hồ sơ trực tiếp nữa mà có thể nộp hồ sơ trực tuyến.

Chúng ta cũng cần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, ngoài thúc đẩy TMĐT, còn cần đẩy mạnh sản xuất thông minh, chế biến thông minh, các khâu trong chuỗi chế biến của nông nghiệp.

Ngoài nông nghiệp, theo Phó Cục trưởng Đường, có thể triển khai CĐS cho các lĩnh vực khác như người dân cần có định danh số, tăng cường các sinh hoạt trên mạng để bà con tiếp thu được những tri thức mới…

Với những công việc Vi Hương sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới để đẩy mạnh CĐS, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chúng tôi tin Vi Hương sẽ ngày càng phồn thịnh, phát triển và là điểm đến trong hành trình tại Bắc Kạn.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Trải nghiệm chuyển đổi số tại xã Vi Hương, Bắc Kạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO