CĐS cho DN nhỏ và vừa - Thách thức để tồn tại
“CĐS” là một trong những từ khóa nổi bật nhất trong năm 2020, đặc biệt trong bối cảnh những ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19 đang đặt ra những thách thức, đòi hỏi DN đổi mới để duy trì tính liên tục trong vận hành, hoạt động.
Thế giới đang CĐS mạnh mẽ. Những DN lớn nhất thế giới hiện nay: Airbnb cung cấp dịch vụ lưu trú nhưng không sở hữu bất động sản, Netflix chiếu phim mà không cần rạp chiếu bóng, Grab cung cấp dịch vụ vận tải nhưng không sở hữu ô tô… CĐS không còn là thách thức đối với sự phát triển, đó là thách thức cho tồn tại.
CĐS đang giúp cho rất nhiều DN tồn tại trước ảnh hưởng của dịch COVID-19. Một nghiên cứu trong ngành đã chỉ ra rằng việc đưa nhiều DN nhỏ và vừa (SME) của Đông Nam Á tham gia vào nền kinh tế số có thể nâng cao đáng kể tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực. Thế nhưng, phần lớn các DN SME ở Đông Nam Á bị động và chưa thực sự tham gia vào CĐS.
SME Việt Nam và bài toán CĐS hiệu quả
Tại Việt Nam, chuyển đổi công nghệ số đang trở thành xu thế tất yếu của các DN trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, các SME vẫn bị chậm chân trong công cuộc CĐS so với các tổ chức lớn vì rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, một trong những lý do lớn nằm ở việc hạn chế nguồn nhân lực chuyên trách CNTT ở các SME do quy mô nhân lực có giới hạn. Điều này dẫn đến sự thiếu chiến lược, lúng túng không biết bắt đầu từ đâu, chọn hướng đi nào tối ưu và hiệu quả. Đáng tiếc hơn, một số DN chấp nhận đầu tư cho công nghệ, giải pháp mới nhưng lại chưa thật sự làm chủ công nghệ và quên mất hạ tầng kết nối cần được điều chỉnh để có hiệu quả tương ứng.
Trên thực tế, mạng lưới kết nối thường bị bỏ qua khi phát triển các chiến lược CĐS trong nhiều lĩnh vực. Trong khi các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và blockchain thường xuyên có mặt trên các tiêu đề báo chí, việc thiết lập hạ tầng mạng lưới một cách hiệu quả để đáp ứng các công nghệ này hầu như không được nhắc đến. “New technologies are only as good as the networks that connect them” - Công nghệ mới chỉ thực sự hữu hiệu nếu có mạng lưới kết nối hiệu quả.
Các mô hình mạng lưới sáng tạo có thể mang lại cho các DN khả năng cung cấp các cấp độ trải nghiệm người dùng với các ứng dụng và dịch vụ của mình, trong khi kiểm soát tốt các kết nối. Theo Báo cáo FinTech toàn cầu của PwC, 77% các tổ chức tài chính sẽ tăng cường nỗ lực đổi mới nội bộ, trong khi lưu lượng truy cập Internet tiếp tục cho thấy mức tăng trưởng hai con số trên các mạng. Những gì họ cần là một mô hình mạng có thể mang lại sự đơn giản, hiệu quả, bảo mật và kiểm soát.
Thế nào là mô hình mạng lưới đơn giản, hiệu quả, bảo mật, kiểm soát?
Một trong những cách tốt nhất để tối đa hóa tiềm năng của mạng lưới trong mọi tổ chức là thông qua trao đổi lưu lượng truy cập Internet (Peering) tại Hub trung tâm như Trạm trung chuyển Internet (IXP). Các tổ chức có lưu lượng truy cập Internet ngày càng tăng có thể kết nối trực tiếp với hệ sinh thái gồm rất nhiều các mạng và chủ động lựa chọn chọn mạng mục tiêu để kết nối và trao đổi lưu lượng.
Để giải thích khái niệm này, nó giống như đặt 10 chiếc taxi để đưa 10 người đến các điểm đến khác nhau, so với việc kết nối với một Hub trung tâm và đưa tất cả 10 người xuống cùng một lúc một cách an toàn. Đây là một mô hình hub-and-spoke cổ điển sẽ giúp tạo ra những tác động lớn cho các SME khi áp dụng các ứng dụng và dịch vụ mới.
Peering tại Hub-and-Spoke như các IXP nhanh hơn và hiệu quả hơn so với việc quản lý một loạt các mối quan hệ mạng khi nhà quản trị mạng có quyền tự do kiểm soát và lựa chọn mạng lưới nào sẽ kết nối và trao đổi lưu lượng Internet thay vì để việc định tuyến phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà cung cấp dịch vụ Internet. Đối với peering, các nhà quản trị mạng của DN có thể định tuyến lưu lượng truy cập của mình một cách an toàn qua các route khác nhau và giải quyết các vấn đề về hiệu suất mạng, đồng thời tăng mức độ dự phòng và khả năng quản trị rủi ro.
Tăng cường peering đặc biệt có hiệu quả đối với các DN cung cấp các dịch vụ nội dung trực tuyến hay các tổ chức công nghệ tài chính (Fintech), các công nghệ sử dụng điện toán đám mây khi mà chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng phụ thuộc lớn vào hiệu suất kết nối mạng. Khi đó, thời gian hệ thống ngừng hoạt động hay việc truy cập vào hệ thống chậm có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của DN và hiệu quả kinh doanh lâu dài. Các tổ chức dịch vụ tài chính Fintech còn có thể hưởng lợi từ việc tăng tốc độ truy cập cho người dùng khi trao đổi trực tiếp lưu lượng truy cập với các đối tác peering. Bằng cách peering, các tổ chức này có thể tự do trao đổi lưu lượng truy cập, tiết kiệm thời gian và ngân sách, có thể tái đầu tư vào các dự án khác.
Chất lượng, hiệu suất và trải nghiệm người dùng là tất cả những yếu tố cần thiết để áp dụng và tối ưu hóa thành công các công nghệ và dịch vụ mới. Trong thời kỳ CĐS, sự phát triển của điện toán đám mây, các công cụ cộng tác thời gian thực, AI và blockchain sẽ khiến lưu lượng truy cập tăng cao và các tổ chức áp dụng các mô hình mạng sáng tạo và hiệu quả sẽ sẵn sàng cho một tương lai sôi động hơn. Peering là một việc đơn giản có thể hỗ trợ sự thành công của các sáng kiến mới và giúp mang lại sự đổi mới tốt hơn cho các tổ chức.
Peering tại các IXP có dành cho các SME?
Không khó để nhận ra các DN có lưu lượng truy cập hệ thống lớn thường luôn có các kết nối Point-to-point (P2P) để peering trực tiếp với các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP). Vậy tại sao lại là Trạm trung chuyển Internet - IXP?
Kết nối vào IXP có thể xem là một mô hình lý tưởng cho các DN SME với mục tiêu tối ưu hóa mạng lưới với kinh phí phù hợp nhất. Với thiết kế như one-stop platform (nền tảng một điểm đến) phi lợi nhuận, thay vì phải triển khai hàng loạt các kết nối P2P đến các network khác nhau để đảm bảo một mô hình mạng lưới multi-home, một cổng kết nối duy nhất vào IXP cho phép các SME kết nối và trao đổi lưu lượng trực tiếp với tất cả các mạng thành viên khác của IXP đó, từ đó tối ưu hiệu suất mạng lưới, tăng dự phòng, giảm rủi ro với chi phí tối ưu nhất. Tại các IXP, các SME có thể trao đổi lưu lượng ngang hàng với tất cả các mạng lưới lớn hơn mà không còn quan ngại về việc có vị thế thấp hơn trong đàm phán hay tốn quá nhiều nguồn lực quản trị.
Hơn thế nữa, các IXP hiện nay đều hướng đến việc mang lại lợi ích tối đa cho thành viên. Không chỉ đơn giản là một hạ tầng kỹ thuật để các thành viên kết nối trao đổi lưu lượng như thiết kế ban đầu, bên cạnh các dịch vụ tiện ích để tăng cường chất lượng như dịch vụ giảm thiểu các tấn công DDoS (DDoS Mitigation), dịch vụ đồng bộ thời gian thực (NTP), một số các IXP còn cung cấp các nền tảng thương mại trung lập như Marketplace, cho phép các thành viên sử dụng hạ tầng kỹ thuật peering sẵn có để thỏa thuận giao dịch mua bán dịch vụ mà không cần phải tốn chi phí triển khai thêm các kết nối mới. Từ đó, các IXP cung cấp thêm cho thành viên một kênh quảng bá sản phẩm dịch vụ, một kênh bán hàng với chi phí tối thiểu, hỗ trợ tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh DN. Phương thức cung cấp, mua bán dịch vụ trên các môi trường Marketplace của các IXP có thể giúp doanh nghiệp triển khai cung cấp dịch vụ hoàn toàn online với thời gian tối đa chỉ trong vòng 1 ngày làm việc.
Trạm trung chuyển Internet quốc gia - Viet Nam National Internet Exchange VNIX
Hệ thống Trạm trung chuyển Internet Quốc gia VNIX (Viet Nam National Internet eXchange) do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - đơn vị trực thuộc Bộ TT&TT xây dựng, quản lý, vận hành (địa chỉ website: https://vnix.vn). VNIX được thành lập với mục tiêu ban đầu là công cụ quản lý, điều tiết của Nhà nước, tạo ra môi trường trung lập hỗ trợ các DN Internet kết nối với nhau, phát triển Internet tại Việt Nam. Trải qua 18 năm xây dựng và phát triển, VNIX đã góp phần quan trọng trong việc phát triển Internet ở Việt Nam, nâng cao chất lượng, giảm giá thành dịch vụ kết nối Internet, góp phần đảm bảo an toàn kết nối cho mạng Internet tại Việt Nam.
Trước năm 2019, VNIX giới hạn đối tượng kết nối là các doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông tại Việt Nam do đó không được biết đến rộng rãi. Trong giai đoạn hiện nay, VNNIC định hướng phát triển theo hướng VNIX 2.0, theo đó được định hình là hạ tầng số kết nối các nền tảng số, thúc đẩy CĐS quốc gia. Để làm được điều này, năm 2019 VNIX cho phép tất cả các tổ chức, DN có số hiệu mạng độc lập và địa chỉ IP do VNNIC cấp phát được tham gia kết nối. VNIX hoạt động trên nguyên tắc trung lập và phi lợi nhuận.
Hoạt động theo đúng tiêu chuẩn quốc tế và với mục tiêu thật sự mang lại lợi ích cho các thành viên tham gia, VNIX Marketplace được cho ra mắt vào tháng 9/2021 với đầy đủ các lợi ích như nền tảng Marketplace của các IXP quốc tế được phân tích trên đây.
Bàn luận
Đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện, chí phí thấp… là rất nhiều ưu điểm của việc kết nối vào các IXP và cung cấp, sử dụng dịch vụ trên các nền tảng Marketplace. Với thủ tục kết nối đơn giản và dễ dàng, kết nối vào Trạm trung chuyển Internet quốc gia VNIX đóng vai trò quan trọng trong tiến trình CĐS của khối các DN SME tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hình thức kết nối vào các IXP đã phát triển mạnh mẽ trên thế giới nhưng chưa được biết đến quá nhiều tại Việt Nam. Đây là vấn đề mà cả cơ quan nhà nước và các DN cần phải quan tâm thúc đẩy và triển khai để mang lại hiệu quả thiết thực cho DN, góp phần hiện thực hóa bài toán CĐS của các doanh nghiệp./.
(Bài viết đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 10 - Tháng 10/2021)