Đời sống xã hội

Trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản về chuyên môn tìm kiếm cứu nạn hàng không

Nguyễn Tuấn 27/11/2023 08:50

Khóa huấn luyện lực lượng tìm kiếm cứu nạn hiện trường cho cán bộ, nhân viên thuộc lực lượng tìm kiếm cứu nạn hiện trường do các Công ty Quản lý bay miền Nam thành lập.

Theo quy định, công tác tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng phải được chuẩn bị, triển khai thực hiện trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, tận dụng tối đa các nguồn lực (các lực lượng và phương tiện, thiết bị) sẵn có của địa phương, các bộ, ngành liên quan để đảm bảo hiệu quả hoạt động tìm kiếm, cứu nạn.

Việc tập huấn công tác tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng là rất quan trọng giúp trang bị những kỹ năng cơ bản cho lực lượng chức năng, cán bộ nhân viên các đơn vị liên quan.

Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không vừa tổ chức triển khai khóa huấn luyện lực lượng tìm kiếm cứu nạn hiện trường tại khu vực miền Nam. Đây là khóa thứ 2 tại khu vực miền Nam, học viên là cán bộ, nhân viên thuộc lực lượng tìm kiếm cứu nạn hiện trường do các Công ty Quản lý bay miền Nam thành lập.

Khóa huấn luyện nhằm mục đích trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản về chuyên môn tìm kiếm cứu nạn hàng không; giới thiệu về hệ thống tài liệu văn bản của ICAO, của Việt Nam; hệ thống trang thiết bị liên quan đến lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn hàng không; nắm được các quy trình, phương án và sơ cấp cứu ban đầu khi tham gia tìm kiếm cứu nạn hiện trường.

Phát biểu tại buổi khai giảng, ông Trần Quang Hà, Phó giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng không đã quán triệt mục đích, yêu cầu của khóa huấn luyện tới học viên, giao nhiệm vụ cho ban tổ chức lớp học, học viên. Ông cũng nhấn mạnh đây là khoá đầu tiên dành cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn tại khu vực miền Nam, tuy là nhiệm vụ kiêm nhiệm nhưng rất biểu dương tinh thần tham gia học tập đầy đủ của cán bộ, nhân viên thuộc Công ty Quản lý bay miền Nam, rất mong khoá huấn luyện mang lại những kiến thức thực tiễn, bổ ích để các học viên luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có sự vụ xảy ra.

Khóa huấn luyện bao gồm 2 phần là lý thuyết và thực hành. Lý thuyết gồm lý thuyết chung và lý thuyết cơ sở về tìm kiếm cứu nạn hàng không, phần thực hành gồm thực hành hướng dẫn khai thác, sử dụng, vận hành trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn hàng không, hướng dẫn xác định khu vực tìm kiếm cứu nạn và hướng dẫn về sơ cứu, cấp cứu ban đầu.

433-202312091759441.jpg

Trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng không, trung tâm khẩn nguy sân bay có nhiệm vụ:

- Xây dựng kế hoạch và phương án tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng; ký kết văn bản phối hợp, hiệp đồng tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng; tổ chức phổ biến, triển khai thực hiện, theo dõi, kiểm tra, báo cáo kết quả thực hiện;

- Bố trí, duy trì và sử dụng hiệu quả hệ thống các phương tiện, hệ thống trang thiết bị phục vụ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn;

- Tổ chức đào tạo, huấn luyện nhân viên đảm bảo thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn;

- Tổ chức lực lượng thường trực 24/24 giờ; tiếp nhận, phân tích, xử lý, thông báo, báo cáo các nội dung liên quan đến tình huống tàu bay lâm nguy, lâm nạn; chủ trì xác định khu vực tìm kiếm, đề xuất, lập kế hoạch bay và báo cáo Cục Hàng không Việt Nam phương án tìm kiếm tàu bay dân dụng lâm nguy, lâm nạn; phối hợp, hiệp đồng với các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai thực hiện nhiệm vụ;

- Bảo đảm các cơ sở trực thuộc được trang bị các thiết bị thông tin liên lạc đủ khả năng nhận và xử lý thông tin khi có tai nạn xảy ra trong vùng hoặc khu vực trách nhiệm tìm kiếm, cứu nạn; bảo đảm thông tin thông suốt, nhanh chóng phục vụ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn;

- Bảo đảm các đơn vị, bộ phận tìm kiếm, cứu nạn HKDD; đơn vị khẩn nguy, cứu nạn sân bay trực thuộc được cung cấp đủ phương tiện, thiết bị để nhanh chóng tới hiện trường, trợ giúp, cứu nạn kịp thời tàu bay lâm nguy, lâm nạn và người trên tàu bay;

- Bảo đảm sẵn có tại các cơ sở trực thuộc các thông tin: vị trí, tên, số máy điện thoại, tần số liên lạc vô tuyến của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm, cứu nạn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn Bộ Giao thông vận tải, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị, trung tâm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng không, trung tâm khẩn nguy sân bay, các cơ sở ANS, người khai thác tàu bay, các cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn khác; tần số báo động, sơ đồ và bản đồ phục vụ cho công tác tìm kiếm, cứu nạn;

- Triển khai kịp thời kế hoạch khẩn nguy sân bay, phương án tìm kiếm, cứu nạn HKDD, phương án khẩn nguy sân bay tương ứng; cung cấp đầy đủ, chính xác, thường xuyên những thông tin có liên quan cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn HKDD theo quy trình;

- Thường xuyên đánh giá hoạt động tìm kiếm, cứu nạn trong phạm vi trách nhiệm;

- Lưu trữ hồ sơ, kết quả hoạt động tìm kiếm, cứu nạn của mình.

Theo quy định, công tác tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng phải được chuẩn bị, triển khai thực hiện trên cơ sở phối hợp chặt chẽ, tận dụng tối đa các nguồn lực (các lực lượng và phương tiện, thiết bị) sẵn có của địa phương, các bộ, ngành liên quan để đảm bảo hiệu quả hoạt động tìm kiếm, cứu nạn cụ thể:

- Phối hợp, kết hợp mọi nguồn lực để nâng cao hiệu quả của hoạt động tìm kiếm, cứu nạn; ưu tiên các hoạt động để cứu người bị nạn và bảo vệ môi trường.

- Chủ động, sẵn sàng phối hợp lực lượng, phương tiện cho hoạt động ứng phó theo từng khu vực, tính chất vụ việc.

- Đảm bảo thông tin cho hoạt động tìm kiếm, cứu hạn; ưu tiên tiếp nhận, xử lý thông tin tìm kiếm, cứu nạn; báo cáo kịp thời đến cấp có thẩm quyền khi xét thấy tình huống vượt quá khả năng của lực lượng ứng cứu.

- Chỉ huy thống nhất, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng, phương tiện, thiết bị tìm kiếm, cứu nạn sẵn có tham gia tìm kiếm, cứu nạn.

- Đảm bảo an toàn cho người, phương tiện, thiết bị tàu bay, tàu thuyền tham gia tìm kiếm, cứu nạn./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản về chuyên môn tìm kiếm cứu nạn hàng không
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO