Truyền thông

Truyền thanh cơ sở cần tăng cường tuyên truyền PCCC và cứu nạn, cứu hộ

Bình Minh 10:35 29/09/2023

Sau vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng tại Khương Hạ, Khương Đình, Hà Nội, theo Cục Thông tin cơ sở (TTCS) - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã cần tăng cường công tác tuyên truyền dưới nội dung, hình thức về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Công an TP. Hà Nội ban hành thông báo kết luận giám định nguyên nhân vụ cháy xảy ra ngày 12/9/2023 tại số 37 ngõ 29/70 Khương Hạ, Khương Đình, Hà Nội. Theo đó, nguyên nhân gây cháy do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện tại khu vực bình ắc quy thuộc phần đầu xe mô tô sử dụng động cơ xăng (loại xe tay ga) đặt giáp tường phía Nam tầng 1. Sau đó, cháy lan vào khu vực cáp điện, các hộp công tơ điện gắn trên tường và cháy lan ra xung quanh dẫn đến vụ cháy.

Vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng nói trên đã gây hậu quả hàng chục người thương vong, nguyên nhân đã được xác định, cơ quan chức năng đã khởi tố chủ đầu tư xây dựng công trình, nhiều tổ chức, cá nhân liên quan khác sẽ được xem xét, xử lý theo quy định. Thế nhưng, vấn đề sẽ không hoặc ít nghiêm trọng hơn nếu như công tác thông tin, truyền thông ở cơ sở được làm tốt và mỗi cá nhân, hộ gia đình sống trong chung cư mini nói trên nâng cao nhận thức và chuẩn bị, trang bị cho mình kiến thức, thông tin về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tốt hơn.

z4735731005172_6d369877ac5708a2cd27258193939cfc.jpg
Các tòa nhà chung cư cần thiết kế thang thoát hiểm hoặc lắp đặt bổ sung thang thoát hiểm ngoài trời. (Ảnh: Bình Minh)

Truyền thông thường xuyên, liên tục về PCCC

Ngay sau vụ cháy, Sở TT&TT Hà Nội ban hành những thông tin về 10 lưu ý tự cứu mình khi gặp hỏa hoạn gồm: (1) Cần giữ bình tĩnh, (2) kêu cứu, báo động cứu hộ, (3) không để đảm cháy lan rộng, (4) xác định lối thoát hiểm an toàn, (5) phòng nhiễm ngạt khói độc, (6) dập lửa, (7) mở cửa, (8) chạy thoát hiểm (9) bảo vệ bản thân khi không thể thoát ra ngoài, (10) hợp tác với đội cứu hộ.

Đáng chú ý, trong những thông tin tuyên truyền hữu ích về 10 lưu ý nói trên, có những lưu ý như số (1) giữ bình tĩnh và (8) chạy thoát hiểm, trong đó tránh bị xô ngã bởi dòng người náo loạn. Đây chính là nguyên nhân ban đầu mà một số nhân chứng tại hiện trường đã phản ánh nhiều người trong khu nhà bị cháy không làm được, mất bình tĩnh và thậm chí xô ngã, dẫm đạp lên nhau. Với khuyến cáo tuyệt đối không được nhảy từ cửa sổ, ban công trên cao xuống của cơ quan chức năng thì một số người trong vụ cháy vẫn chấp nhận nhảy từ trên cao xuống, gây chấn thương nặng nề…

Cũng theo lưu ý từ Sở TT&TT Hà Nội, để công tác PCCC có hiệu quả, quan trọng nhất là mỗi gia đình tự trang bị phương tiện chữa cháy, bình cháy để phòng khi có sự cố xảy ra. Các thiết bị như: Bình chữa cháy, béc phun nước chữa cháy cảm biến, chăn thủy tinh dập dửa, thang dây thoát hiểm, dây đai thoatst hiểm và mặt nạ phòng khói độc… rất cần thiết bảo vệ tính mạng khi xảy ra hỏa hoạn.

Tất nhiên với tất cả các phương tiện PCCC trên thì ít gia đình có thể chuẩn bị đầy đủ hết. Song, nếu được truyền thông và nâng cao nhận thức, thì tất cả các hộ gia đình trong khu nhà bị cháy có thể chuẩn bị trước những phương tiện cơ bản như thang dây, mặt nạ chống độc… thì có thể sẽ có thêm nhiều phương án thoát nạn trong đám cháy hoặc giảm được thương vong. Nhất là khi địa hình và điều kiện sống đặc thù của khu nhà trong ngõ hẹp, mật độ người dân sinh sống cao, lại không có thang thoát hiểm… càng phải chuẩn bị sẵn sang các phương án ứng phó, PCCC nhiều hơn.

Trên thực tế, sau hậu quả vô cùng nặng nề của vụ cháy tại phố Khương Hạ, Khương Đình, Hà Nội thì trên nhiều diễn đàn, cổng thông tin của các sở, ban ngành không riêng Hà Nội mà còn có các địa phương khác đã tăng cường truyền thông về PCCC, thậm chí mạng xã hội cũng chia sẻ khá nhiều thông tin PCCC hữu ích. Thế nhưng, với trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền địa phương ở cơ sở phải đi đầu, đi trước trong công tác thông tin, truyền thông tại cơ sở, kết hợp với kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về an toàn PCCC thì có lẽ không có hậu quả đáng tiếc như đã xảy ra.

Còn nhớ chưa lâu, khi dịch COVID-19 lan rộng tại Hà Nội, vấn đề TTCS tại các địa bàn làm rất tốt, các tổ đội phòng, chống COVID-19 đi từng nhà, rà từng đối tượng để xác định đối tượng nghi nhiễm và người liên quan, vấn đề truyền thông ở cơ sở phát huy hiệu quả thể hiện ngay ở ý thức đến hành động phòng, chống dịch theo hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan y tế. Vấn đề PCCC đối với các địa bàn đặc thù như quận Thanh Xuân - được ví là “quận chung cư” có mật độ người dân sinh sống trong các loại hình chung cư, trong đó có cả chung cư mini lại càng cần được truyền thông thường xuyên, liên tục về PCCC.

Mới đây, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân đã ký văn bản 1754-UBND/VP gửi Đảng ủy, UBND 11 phường thuộc địa bàn quận về việc tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự, PCCC. Trong đó, có nhấn mạnh: Đảng ủy, UBND 11 phường thuộc quận - UBND phường bố trí lực lượng ứng trực 24/24h, tăng cường tuần tra, kiểm soát để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn PCCC; phối hợp với Công ty Điện lực Thanh Xuân rà soát, có phương án xử lý kịp thời hệ thống điện tại các cột điện có nguy cơ gây cháy, nổ. Đảng ủy 11 phường chỉ đạo UBND, UBMTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các chi bộ khu dân cư, các tổ dân phố phường thường xuyên nắm bắt tình hình, các vấn đề phức tạp phát sinh, kịp thời xử lý, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn quản lý…

Năm nội dung tuyên truyền cụ thể

Bên cạnh những giải pháp khác về tăng cường PCCC, rất cần tăng cường công tác TTCS, tuyên truyền tích cực, thực chất để mỗi người dân, hộ gia đình sinh sống trong các loại hình nhà ở riêng lẻ hay chung cư, chung cư mini đều nâng cao nhận thức và chuyển biến thành hành động cụ thể.

Mới đây, Cục TTCS - Bộ TT&TT đã ban hành văn bản đề nghị Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến trên cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã và các phương tiện truyền thông khác trên địa bàn với các nội dung tuyên truyền cụ thể:

Thứ nhất, tuyên truyền Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25 tháng 6 năm 2015; Kết luận số 02 KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội, Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PCCC.

Thứ hai, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ theo phương châm 4 tại chỗ.

Thứ ba, tuyên truyền cho người dân các kỹ năng PCCC và cứu nạn, cứu hộ nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, đồng thời chủ động phối hợp với chính quyền về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả khi có cháy, nổ xảy ra bằng nhiều hình thức phù hợp với từng địa phương.

Thứ tư, tuyên truyền, hướng dẫn và huy động người dân trực tiếp tham gia vào các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả cháy, nổ trên địa bàn như diễn tập PCCC và cứu nạn, cứu hộ, đánh giá rủi ro cháy nổ, các sự kiện liên quan.

Thứ năm, tuyên truyền biểu dương, nhân rộng những tổ chức, cá nhân tiêu biểu, những sáng kiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả của địa phương, đơn vị, đồng thời phát hiện, đấu tranh kịp thời với những hành vi vi phạm pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ; biểu hiện chủ quan, thờ ơ, vô cảm đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả cháy, nổ; những hành vi tung tin không chính xác gây tâm lý hoang mang trong cộng đồng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Truyền thanh cơ sở cần tăng cường tuyên truyền PCCC và cứu nạn, cứu hộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO