Ngày 11/5/2018, tại Hà Nội, Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 47 (2018) đã tổ chức tổng kết và trao giải. Cuộc thi do Bộ TTTT, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN), Báo Thiếu niên Tiền phong phối hợp tổ chức. Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi; Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Lương, đại diện Bộ GD&ĐT, Tổng công ty BĐVN, các thành viên Ban giám khảo đã tham dự buổi Lễ.
Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 47 (2018) do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) tổ chức với đề tài: “Hãy tưởng tượng bạn là một lá thư du hành xuyên thời gian. Bạn muốn gửi gắm điều gì tới người đọc lá thư ấy?” (Tiếng Anh: “Imagine you are a letter travelling through time. What message do you wish to convey to your readers?”). Cuộc thi được phát động và triển khai trên phạm vi toàn quốc từ tháng 10/2017 đến tháng 3/2018. Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1 triệu bức thư dự thi của các em học sinh trên khắp mọi miền Tổ quốc tham gia. Sau 5 vòng chấm, Ban Giám khảo Quốc gia đã chọn 100 bài vào vòng chung khảo. Kết quả: 1 giải Nhất, 3 giải Nhì, 5 giải Ba, 30 giải Khuyến khích, 61 giải Cây bút Triển vọng cùng 4 giải Đặc biệt dành cho học sinh nhỏ tuổi nhất và học sinh khiếm thị, khuyết tật. Em Nguyễn Thị Bạch Dương, học sinh lớp 8A, trường THCS Nguyễn Trãi, Nam Sách, Hải Dương đã đoạt giải Nhất Quốc gia cuộc thi năm nay. Đây là lần thứ hai trường THCS Nguyễn Trãi, Nam Sách, Hải Dương có học sinh giành giải quán quân.
Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng và Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Nguyễn Ngọc Lương trao giải Nhất cho em Nguyễn Thị Bạch Dương
Tác giả bức thư đã chọn hóa thân thành bức thư có thật viết năm 1897 của biên tập viên báo The Sun của Mỹ viết trả lời một độc giả 8 tuổi cho câu hỏi “Ông già Noel có thực không?”. Đối tượng được tác giả lựa chọn để đưa ra bức thông điệp của mình được cho là nhân vật không mới (gắn với ông già Noel) nhưng rất thân thuộc và yêu dấu với trẻ em.
Thay mặt Ban Tổ chức cuộc thi, Bà Trần Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ TTTT, Phó Trưởng ban cuộc thi cho biết các ý tưởng được các em lựa chọn nhiều nhất trong cuộc thi Viết thư quốc tế UPU năm nay để “gửi thông điệp đến người đọc” gồm những thông điệp gắn với vấn đề lớn mà thế giới đang phải đối mặt. Đó là: Cảnh báo về sự tàn phá môi trường và khẩn thiết kêu gọi bảo vệ môi trường - là đề tài được nhiều em chọn lựa nhất; Bảo vệ hòa bình, chống chiến tranh; Khắc phục hậu quả chiến tranh, chống lại đói nghèo; Sự phát triển công nghệ và trí tuệ nhân tạo gây ra những hiện tượng tiêu cực trong xã hội: sự vô cảm, đánh mất sự gắn kết giữa con người với con người…; Thông điệp về việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái; Cổ vũ những yếu tố tích cực trong xã hội: sự chia sẻ, tình yêu thương, cho đi và nhận lại, đóng góp cho cộng đồng…
Theo bà Trần Thanh Hà, cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 47 (2018) đã thành công tốt đẹp. thông qua các bức thư các em đã có dịp bày tỏ, trình bày những hiểu biết, suy nghĩ, tình cảm của bản thân với những vấn đề nóng bỏng, cấp thiết, cụ thể của thế giới cũng như của đất nước, cuộc sống xung quanh bản thân mình. Các em thực sự khẳng định trách nhiệm, đóng góp của mình với những vấn đề chung mà cộng đồng xã hội đang quan tâm. Đó cũng là sứ mệnh tương lai mà các em chung tay giải quyết.
Ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty BĐVN, cho biết cuộc thi Viết thư quốc tế UPU là cuộc thi thường niên dành cho thanh thiếu nhi Việt Nam, có quy mô lớn, tổ chức chặt chẽ, giúp cho các em tăng cường rèn luyện ngôn ngữ, rèn luyện chữ viết, hiểu thêm về vai trò của ngành Bưu chính trong cuộc sống. Cuộc thi cũng tôn vinh những tài năng trẻ của Việt Nam.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa và các em Nguyễn Thị Bạch Dương, Vũ Kiều Ngân giao lưu với các em học sinh
Cho biết thêm về công việc lựa chọn bức thư đoạt giải Nhất của cuộc thi, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi chia sẻ cách “hóa thân” và cách “đưa ra thông điệp” của em Nguyễn Thị Bạch Dương rất tự nhiên, sáng tạo và giàu tính nhân văn. Việc Ban giám khảo chọn bức thư đạt giải Nhất rất khó khăn. Bức thư viết hay để đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi viết thư quốc tế phải nói được thông điệp mang tính quốc tế, toàn cầu. Thông điệp của một bức thư rất quan trọng. Bức thư của em Nguyễn Thị Bạch Dương bàn về ông già Noel, một biểu tượng mang tính toàn cầu, người luôn hiện thực hóa những điều ước của trẻ em. Nhưng trên thực tế, không có ông già Noel, mà chỉ là bố mẹ, người thân hoặc nhân viên bưu điện đóng giả ông già Noel… Bức thư của em đã mang đến thông điệp là trẻ em không ngừng mơ ước, và đừng “giết” đi nhữngi mơ ước ấy.
Em đã khéo léo lồng những bức thông điệp về việc cần yêu thương và tôn trọng trẻ em, về việc vẫn còn có những trẻ em bị thiệt thòi và chưa được bảo vệ, về lòng nhân ái và tình yêu thương cần được lấp đầy thế giới để không còn đói nghèo, chiến tranh, bạo lực, vô cảm, bất công. Đây cũng là bức thư có lối viết giàu cảm xúc, văn phong giàu hình ảnh, giàu sức biểu đạt. Bức thư đã đạt điểm cao nhất của cuộc thi năm nay, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết thêm.
Bức thư của Bạch Dương có đoạn: “Thế đấy, đói khát, khổ đau, mất mát, trẻ em vẫn không thôi mơ ước. Ước mơ của trẻ em nói với ta về thế giới tâm hồn trong như pha lê về cuộc sống còn bao thiếu thốn, khổ đau. Những mơ ước ấy của bất cứ đứa trẻ nào cũng cao đẹp, đáng trân trọng như nhau. Và ông già Noel là phép màu giúp chúng thực hiện những ước mơ mà người lớn không làm được. Đó cũng là chỗ bấu víu của những đứa trẻ bất hạnh. Xin đừng tước đi của chúng!”.
Chia sẻ về ý tưởng của bức thư, em Nguyễn Thị Bạch Dương cho biết khi bắt đầu chuẩn bị viết thư, em đã nảy ra rất nhiều nội dung như về tình yêu thương, bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ hòa bình… nhưng những ngày tâm huyết để chuẩn bị viết bức thư thì đó cũng là những ngày cận kề Noel tiếng chuông nhà thờ vang lên, ông già Noel đã hiện lên tâm trí em và em đã mượn hình ảnh ông già Noel để gửi gắm thông điệp của em.
Bức thư của em Nguyễn Thị Bạch Dương đã được Ban Tổ chức dịch ra tiếng Pháp và tiếng Anh gửi UPU tại Thụy Sĩ dự thi Quốc tế.
Cũng tại Lễ trao giải, Ban giám khảo đã đánh giá cao các bức thư tham dự cuộc thi, nhất là 100 bài chung khảo đều viết rất ý nghĩa. Ban giám khảo cũng đánh giá cao bức thư của em Vũ Kiều Ngân, học sinh lớp 8A4, trường PTCS Chu Văn An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Bức thư gửi em bé Hải An, 7 tuổi đã mất vì căn bệnh ung thư. Em đã hiến giác mạc sau khi qua đời gây xúc động xã hội thời gian qua.
Bức thư của Kiều Ngân có đoạn: “Ở cái tuổi lên 7, tuổi mà ông bà, cha mẹ chúng mình vẫn nói “ăn chưa no, lo chưa tới”, vậy mà Hải An đã biết lo cho người khác, lo cho tương lai. Bạn đã biết cho đi, không phải để nhận lại. Căn bệnh u não quái ác gây bao đau đớn cho bạn, thế nhưng trái tim của bạn luôn nồng ấm yêu thương, đập những nhịp đập của lòng nhân ái. Ai đó bảo, câu chuyện hiến giác mạc, đem lại ánh sáng cho người khác là “chuyện cổ tích thời hiện đại”.
Em Kiều Ngân chia sẻ em đã biết đến cuộc thi nhiều năm nay. Tham gia vào cuộc thi năm nay, ban đầu em không tránh khỏi lúng túng và không biết viết gì. Bé Hải An đã hiển hiện trong em. Em đã mất hơn 1 tuần tìm hiểu về bé Hải An và đã viết bức thư gửi bé Hải An. “Em đã viết với cảm xúc đong đầy và viết đi viết lại 3 lần để cảm xúc trọn vẹn nhất”.
Em Kiều Ngân đã trao bức thư cho mẹ bé Hải An
Tại buổi Lễ, Bộ TTTT đã trao Bằng khen cho các Sở: TTTT, GD&ĐT, các Bưu điện đã triển khai tốt cuộc thi. Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao Bằng khen cho các trường có học sinh đoạt giải Nhất, Nhì, Ba. Các em đoạt giải Nhất, Nhì được Trung ương Đoàn trao tặng Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo.