Sáng 11/5, Trung tâm Giáo dục chuyên biệt Thành Nhân (quận 10, TP.HCM) đã cho các học sinh thuộc nhóm thứ 2 (khoảng 15 trẻ) đi học lại sau khi kỳ nghỉ kéo dài từ Tết Nguyên Đán để phòng chống dịch Covid-19.
Trước đó vào ngày 4/5, 10 trẻ thuộc nhóm tuổi tiền tiểu học của trường cũng đã được đi học trở lại.
Theo ghi nhận, từ sớm các nhân viên của trường đã ra tận cổng đón trẻ, đo thân nhiệt cũng như sát khuẩn tay kỹ càng. Trẻ được chia thành 3-4 em trong một phòng học.
Thầy Phan Thế Hải, phụ trách chuyên môn của Trung tâm Thành Nhân chia sẻ, trường có khoảng 40 học sinh, tuy nhiên sẽ chia thành 3 nhóm nhập học cách nhau lần lượt 1 tuần lễ để đảm bảo việc giãn cách phù hợp trong tình hình dịch bệnh vẫn chưa chấm dứt.
"Nhóm tiền tiểu học là nhóm được cho đi học đầu tiên vì chỉ còn vài tháng nữa là vào lớp 1. Các em cũng là nhóm có sự phát triển tốt, khả năng hòa nhập với xã hội cao. Chính vì thế mà phụ huynh nhóm này rất sốt ruột muốn con đến trường sớm từ khi còn phải cách ly xã hội" - thầy Hải nói.
Ngược lại, một số cha mẹ có con nhỏ, chưa nhận thức nhiều lại có phần ngần ngại trong việc để con quay trở lại trường vì vẫn còn lo ngại dịch bệnh, sợ con lây nhiễm.
Theo thầy Hải sau một tuần học đầu tiên, nhìn chung các học sinh tại trường Thành Nhân sa sút khá nhiều về khả năng tư duy, nhận thức và các kỹ năng. Do đó các giáo viên phải nỗ lực hết sức mình, thực hiện kế hoạch "nước rút" để các bé có thể theo kịp chương trình.
Vì đặc thù là trường dạy trẻ chậm phát triển, tự kỷ, các buổi học phải có sự tương tác trực tiếp giữa giáo viên và học sinh nên trường không bắt buộc đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, đại diện cơ sở giáo dục chuyên biệt này khẳng định vẫn đảm bảo đáp ứng an toàn. Cụ thể nơi đây đã khử khuẩn kỹ càng toàn bộ khu vực của trường.
Mỗi ngày, trường sẽ đo thân nhiệt cho các bé 4 lần ở những mốc thời gian trước và kết thúc buổi học sáng, đầu giờ chiều và trước khi ra về.
Ngoài ra, mỗi phòng học rộng đến 20 mét vuông cũng là điều kiện để việc giãn cách được đáp ứng tốt.
Được biết dù được sự ủng hộ, hỗ trợ từ phía phụ huynh nhưng mùa dịch vừa qua, trường đã thiệt hại khoảng 800 triệu đồng.
"Mong muốn của tôi cũng như đội ngũ chuyên môn, giáo viên, nhân viên tại trường khi được hoạt động trở lại là sức khỏe của học sinh ổn định để các em đi học đều đặn.
Có sự hợp tác tích cực từ phía phụ huynh trong việc chăm sóc và hỗ trợ trẻ, nhất là đối với nhóm trẻ tiền tiều học khi giai đoạn chuyển tiếp cần chuẩn bị nhiều thủ tục, giấy tờ và quan trọng nhất là trang bị cho trẻ kiến thức, kĩ năng để có thể theo học lớp 1.
Đối với giáo dục chuyên biệt, việc đưa được trẻ đi hòa nhập là mục đích cao nhất, mỹ mãn nhất và hạnh phúc nhất" - Thầy Hải nói.