Triển khai đề án nước mạnh – Đến lúc cần hành động gấp (Phần 2)

03/11/2015 21:38
Theo dõi ICTVietnam trên

Sơ kết 1 năm thực hiện Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT sẽ là một trong hai chủ đề chính của Hội thảo Quốc gia về CNTT-TT 2011 sẽ diễn ra vào đầu tháng 1/2012 tại Hà Nội. Đây là sự kiện thường niên do Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT và Bộ TT&TT tổ chức nhằm cung cấp những thông tin mới nhất về định hướng, chính sách của quốc gia về CNTT, là diễn đàn để thảo luận về những chủ trương chính sách mới về ứng dụng và phát triển CNTT tại Việt Nam.

Đến lúc phải hành động ngay

Để chuẩn bị triển khai Đề án, ngay từ đầu năm 2011, Bộ TT&TT đã tổ chức 4 hội thảo lớn với khối doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài, khối các trường đào tạo… để phổ biến nội dung Đề án, lấy ý kiến đóng góp từ cộng đồng cho việc thiết lập chính sách, chương trình triển khai phù hợp.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá về tương lai phát triển của CNTT-TT Việt Nam

Tại Hội nghị lấy ý kiến góp ý của các doanh nghiệp nước ngoài, Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Người Việt Nam có năng lực về ICT. Công nghiệp ICT của Việt Nam tăng trưởng 25%/ năm. Đó là các điều kiện để Việt Nam phát triển công nghiệp CNTT và các đối tác sẽ giúp Việt Nam thực hiện giấc mơ trong 10 năm tới. Tuy nhiên Việt Nam vẫn gặp phải nhiều khó khăn do đội ngũ lao động thiếu kinh nghiệm, tiếng anh cũng là rào cản. Cơ sở hạ tầng, dịch vụ băng rộng của Việt Nam vẫn yếu. Việt Nam có hệ thống 95% cáp quang kết nối tới các thôn xóm, tuy nhiên tỉ lệ gia đình kết nối Internet vẫn còn thấp. Trong thời gian tới nguồn nhân lực sẽ là điều kiện tốt để Việt Nam phát triển CNTT.

Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp từng cho rằng: Ngành TT&TT Việt Nam đang phát triển nhanh, tạo đà cho việc thực hiện Đề án Đưa Việt Nam sớm thành nước mạnh về CNTT. Tuy nhiên trong quá trình triển khai Đề án sẽ gặp nhiều khó khăn vướng mắc do nguồn lực qua đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu cả số lượng và chất lượng; Hạ tầng băng rộng còn hạn chế do bị phân tán và thiếu tập trung; Thể chế còn nhiều vướng mắc và cần phải từng bước tháo gỡ; Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT còn nhỏ, sức cạnh tranh yếu.

Trong năm 2011, Bộ TT&TT tập trung giải quyết một số những tồn tại, bức xúc của xã hội: Quản lý trò chơi trực tuyến, cần có cơ chế đồng bộ giữa Bộ TT&TT với các Bộ có liên quan, đặc biệt với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Quản lý di động trả trước và ngăn chặn tin nhắn rác; Quản lý truyền hình trả tiền; Tập trung đào tạo cán bộ của Bộ TT&TT. Bộ cũng tăng cường chỉ đạo phát triển hạ tầng, gắn với quy hoạch dùng chung cơ sở hạ tầng, mở rộng các dịch vụ thuê bao, khai thác hạ tầng, đường truyền chuyên dùng của Đảng, Nhà nước; Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và đưa các dịch vụ ra nước ngoài; Quy hoạch đầu tư, chuyển giao công nghệ; chọn đầu tư trọng điểm cho các Điểm Bưu điện Văn hóa xã...

Tuy nhiên, tất cả những công việc trên hoặc là để hỗ trợ triển khai Đề án, hoặc vẫn còn đang bàn bạc để đi đến thống nhất phương thức hành động.Những nội dung lớn, những mục tiêu, nhiệm vụ bao trùm đã được định rõ trong Đề án, giờ là lúc cần chẻ nhỏ thành những công việc cụ thể và xác định đối tượng thực hiện công việc này.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng cho biết, sau 1 năm thực hiện, Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT vẫn đang ở giai đoạn đầu, “Thời gian tới, chúng ta cần nỗ lực hơn nữa thực hiện các công việc cụ thể một cách có hiệu quả mới có thể đạt được các mục tiêu của Đề án, đáp ứng mong đợi của Đảng và Nhà nước, của  xã hội và của chính cộng đồng CNTT-TT”.

Nhiều ý kiến cho rằng ngành công nghiệp CNTT Việt Nam có một tầm nhìn rõ ràng và hoàn toàn có khả năng thực hiện được Đề án. Đối với Bộ TT&TT, nhiệm vụ trong những năm tới là giải quyết được khó khăn về thể chế và chính sách thì mới có thể đạt được mục tiêu; Tạo ra được môi trường pháp lý để khuyến khích sáng tạo; Xây dựng kế hoạch tài chính phù hợp và sử dụng nó có hiệu quả.

Phát triển nguồn nhân lực CNTT là chìa khóa cho phát triển

Phát triển nguồn nhân lực chính là chìa khóa cho Việt Nam phát triển. Các doanh nghiệp kêu ca lao động sau đào tạo vẫn còn thiếu kinh nghiệm làm việc hiện đại, thiếu những kỹ năng mới. Nền CNTT Việt Nam mới chỉ phát triển khoảng 15 năm trở lại đây, do đó vẫn còn cần được bổ sung và hoàn thiện rất nhiều. Trong khi đó, nhu cầu nguồn nhân lực CNTT trong thời gian tới vẫn tiếp tục tăng. Theo dự báo từ nay đến năm 2015 cần bổ sung cho các doanh nghiệp CNTT 334 ngàn người, trong đó, 73% là trình độ chuyên môn về CNTT, điện tử, viễn thông. Ở khu vực ứng dụng CNTT cần bổ sung thêm 536 ngàn người. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020 là đảm bảo có 1 triệu nhân lực làm việc trong lĩnh vực CNTT-TT để đáp ứng đủ cho nhu cầu phát triển của Ngành. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ quan tâm tới đáp ứng đủ số lượng mà còn phải đảm bảo về chất lượng và hiệu quả đào tạo. Vấn đề là phải tạo sự liên thông giữa nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp với khả năng và chương trình đào tào của nhà trường. Mặt khác, chính sách hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp và nhà trường được cụ thể hóa và khuyến khích như thế nào? Giáo trình đào tạo được xây dựng theo tiêu chuẩn ra sao? Việc sử dụng nhân lực sau đào tạo như thế nào? Giả sử những điều đó đã có sẵn rồi thì nếu thực hiện một cách cẩn trọng, bao giờ cũng triển khai thí điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm rồi mới thực hiện đại trà. Theo cách này, đào tạo trung cấp cũng phải mất thời gian 2 năm thử nghiệm rồi mất 2 năm nữa mới có được 1 khóa đại trà. Còn đào tạo đại học thì phải mất 8 năm mới có khóa đại trà đầu tiên ra trường. Từ nay đến năm 2020 chỉ còn vừa đủ thời gian cho công tác chuẩn bị nguồn nhân lực. Rõ ràng, đường găng trong việc này đã không còn khe hở nhỏ nào. Không hành động ngay hôm nay tức là cơ hội thành công dường như không còn.

Điều cấp bách lúc này, Bộ TT&TT cần chỉ đích danh giải pháp, nhóm giải pháp hoặc sản phẩm nào có tính chất đột phá để tập trung nguồn lực đầu tư thực hiện. Đồng thời, cơ chế phối hợp liên Bộ, liên ngành cũng cần phải quy định cụ thể để xác địnhrõ trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện của các bên liên quan. Các công việc cụ thể triển khai nội dung Đề án cần được phân công ngay tới những đối tượng thực hiện. Sau đó là quá trình kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện.

Một khó khăn hiện hữu là những công việc của Đề án, đặc biệt là những việc lập chính sách và hành lang pháp lý lại phụ thuộc rất nhiều vào các Bộ, Ngành chức năng khác. Nếu Chính phủ không trực tiếp điều hành, không coi đây là một công việc trọng tâm của Chính phủ thì Đề án khó có thể thành công.

Những yếu tố khách quan về công nghệ và kinh nghiệm triển khai trong lĩnh vực CNTT-TT đã có rất nhiều trên thế giới. Việt Nam lựa chọn cái gì và phương thức làm như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan. Cuộc chiến vì sự phát triển này thành hay bại gần như phụ thuộc cả vào sự nhận thức, ý chí quyết tâm của các cấp lãnh đạo và cộng đồng doanh nghiệp.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Triển khai đề án nước mạnh – Đến lúc cần hành động gấp (Phần 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO