Ngày 19/10, Ban Chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam đến năm 2020 đã họp phiên lần thứ 12 để tổng kết giai đoạn 1 của Đề án và triển khai công tác giai đoạn 2. Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án, đã chủ trì phiên họp.
Bộ trưởng Bộ TTTT Trương Minh Tuấn, Trưởng Ban chỉ đạo
Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam chỉ đạo phiên họp
Giai đoạn 1 của Đề án đã thành công trên tất cả các mặt
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã đánh giá rằng, dù bắt đầu Giai đoạn 1 của Đề án rất khó khăn, nhưng với sự chuẩn bị kỹ cùng nhiều giải pháp đồng bộ, sự quyết tâm của các địa phương, đơn vị tham gia, các đài Phát thanh truyền hình (PTTH), doanh nghiệp nên giai đoạn 1 của Đề án đã triển khai thành công trên tất cả các mặt từ công tác tuyên truyền, triển khai phát sóng truyền hình mặt đất, công tác thiết lập thị trường đầu thu STB, hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo.
Sau khi hoàn thành Giai đoạn 1 không có người dân khiếu nại, thắc mắc, các địa phương đồng tình. Bộ TTTT đã quan tâm cử các đoàn nhất là vào các vùng bị ảnh hưởng lớn.
Cụ thể, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã nhấn mạnh:
Về công tác tuyên truyền, các cơ quan báo chí, các Đài PTTH cùng với các đơn vị thông tin cơ sở đã vào cuộc tích cực, có nhiều cách làm sáng tạo nên tỷ lệ người dân xem truyền hình analog nắm bắt được thông tint về số hóa truyền hình khá cao, do đó họ chủ động mua đầu thu số (STB) để chuyển đổi xem truyền hình số. Công tác tuyên truyền đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện tốt giai đoạn 1 của Đề án số hóa truyền hình mặt đất.
Về phủ sóng truyền hình mặt đất, các đơn vị, doanh nghiệp (DN) đã tích cực khẩn trương triển khai các máy phát sóng số, đáp ứng yêu cầu vùng phủ sóng số tương đối rộng và tốt hơn vùng phủ các máy phát analog,nhất là chất lượng cho người dân xem được tốt hơn. Đây là điều kiện quan trọng để quyết định sự thành công của Giai đoạn 1. Người dân đã xem được được nhiều kênh truyền hình có chất lượng với hình ảnh, âm thanh rõ nét..
Về thiết lập được thị trường STB, với chính sách yêu cầu các nhà sản xuất tivi tích hợp thu truyền hình số của Bộ TTTT, thị trường STB rộng lớn đã được tạo dựng với hơn 800 chủng loại STB để người dân có thể lựa chọn với các giá cả tốt hơn, một trong những yếu tố giúp cho việc việc chuyển đổi xem truyền hình analog sang truyền hình số thuận lợi. Công tác hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo kịp thời, đúng đối tượng giúp người dân được thụ hưởng truyền hình số chất lượng mà không có sự phàn nàn, khiếu nại.
Giai đoạn 1 của Đề án thành công có ảnh hưởng tích cực đến hệ thống truyền hình. Các nước ASEAN cũng đánh giá cao việc chuyển đổi thành công truyền hình số giai đoạn 1 của Việt Nam.
Theo báo cáo cuả ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng cục Tần số Vô tuyến điện tại Hội nghị thì giai đoạn 1 được coi là giai đoạn đặc biệt quan trọng. Bởi vì, khi phủ sóng truyền hình số mặt đất và ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương, không chỉ người dân tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương, không chỉ người dân tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương mà người dân địa bàn lân cận thuộc 20 tỉnh khác (bao gồm Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Bắc Giang, Hà Nam, Quảng Ninh, Quảng Nam, Vĩnh Long, Hậu Giang, Bình Dương, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Nai, Long An) cũng chịu ảnh hưởng. Theo ước tính, dân số thuộc địa bàn chuyển đổi theo giai đoạn 1 của 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu trên chiếm gần 50% dân số cả nước.
Để chuẩn bị cho việc ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất theo giai đoạn 1, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam đã yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện các nội dung, gồm có: đảm bảo vùng và chất lượng phủ sóng truyền hình số mặt đất, công tác thông tin tuyên truyền, công tác hỗ trợ đầu thu truyền hình số mặt đất, công tác thiết bị thu truyền hình số mặt đất theo quy định, đảm bảo việc không làm gián đoạn việc thu xem các kênh truyền hình thiết yếu và lợi ích tối đa của người dân khi chuyển sang thu xem truyền hình số mặt đất.
Theo kết quả điều tra tỷ lệ phương thức thu xem truyền hình và số liệu thiết bị thu truyền hình bán ra tại thị trường, đến ngày 15/8/2016, tỷ lệ hộ gia đình thu xem truyền hình tương tự mặt đất tại 4 thành phố trực thuộc Trung ương đạt dưới 5%, đủ điều kiện để ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất theo Quyết định 2451/QĐ-TTg.
Thực hiện kết luận của Bộ trưởng Bộ TTTT - Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án số hóa Truyền hình Việt Nam tại các phiên họp lần thứ 9 (29/9/2015) và lần thứ 11 (12/8/2016), toàn bộ các kênh truyền hình tương tự mặt đất tại Đà Nẵng đã được ngừng phát sóng từ ngày 1/11/2015, tại Hà Nội, Hải Phòng, TP. HCM, Cần Thơ đã được ngừng phát sóng từ ngày 15/8/2016.Tiểu ban giúp việc đã thành lập 04 đoàn công tác khảo sát tình hình tại Hà Nội, Hải Phòng, TP. HCM, Cần Thơ từ ngày 12/9 – 15/9/2016. Đoàn khảo sát có sự tham gia của các thành viên thuộc Cục PTTH&TTĐT, Cục Viễn thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Sở TT&TT và Đài PTTH 4 thành phố trực thuộc Trung ương và một số tỉnh lân cận, Công ty RTB, Công ty SDTV.
Kết quả khảo sát cho thấy vùng phủ sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại địa bàn các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM, Cần Thơ và một số địa bàn các tỉnh lân cận đã lớn hơn sóng các kênh truyền hình tương tự trước đây. Chất lượng hình ảnh, âm thanh các kênh chương trình truyền hình của VTV, và các kênh truyền hình địa phương tốt hơn trước đây.Các hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện hỗ trợ theo chuẩn Trung ương đã được hỗ trợ đầu thư DVB-T2 với tình trạng hoạt động và chất lượng thu tín hiệu tốt.
Về lưu thông thiết bị truyền hình số mặt đất DVB-T2, lượng đầu thu STB dồi dào, hầu như không có hiện tượng khan hiếm đầu thu. Tại các cửa hàng được khảo sát, đại đa số đầu thu DVB-T2 đều có tem hợp quy và biểu trưng số hóa truyền hình theo quy định. Các hộ gia đình nhận hỗ trợ STB đều rất phấn khởi vì được xem nhiều kênh truyền hình chất lượng cao mà không phải trả phí…
Đảm bảo đúng tiến độ, không ảnh hưởng đến người dân
Theo kế hoạch, 25 tỉnh phải hoàn thành số hóa truyền hình trước ngày 31/12/2016, hiện tại 10 tỉnh được phủ sóng truyền hình số mặt đất toàn bộ địa bàn, tuy nhiên có nhiều tỉnh miền núi chưa được phủ sóng truyền hình số mặt đất, và việc hỗ trợ STB cần thời gian lập dự án đầu tư, đấu thầu mua sắm. Vì vậy, Tiểu ban giúp việc Ban chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã đề nghị Ban chỉ đạo điều chỉnh thời điểm ngừng phát sóng truyền hình giai đoạn 2, cụ thể:
Đối với các địa phương đã hoàn thành phủ sóng truyền hình số mặt đất toàn bộ địa bàn, truyền tải cả chương trình Trung ương và địa phương và đã hoàn thành hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn cũ gồm: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Vĩnh Long, Hậu Giang sẽ hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới và ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất vào 31/12/2016;
Đối với địa phương đã được phủ sóng truyềnhình số toàn bộ hoặc một phần địa bàn nhưng chưa hỗ trợ STB trên toàn bộ địa bàn như Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang, sẽ ngừng phát sóng truyền hình mặt đất (các trạm phát sóng chính) từ ngày 01/7/2017.
Chỉ đạo triển khai công tác giai đoạn 2 của Đề án, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị tập trung:
Về thời điểm tắt sóng analog giai đoạn 2, nhất trí với đề xuấtcủa Tiểu ban giúp việc về tắt sóng analog vào thời điểm 24h ngày 31/12/2016tại 7 tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bình Dương, Vĩnh Long, Hậu Giang.
Với đề xuất bổ sung thêm tỉnh Hà Nam vào thời hạn tắt sóng analog vào ngày 31/12/2016 tại phiên họp, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị Tiểu ban giúp việc làm việc Sở TTTT Hà Nam nếu Hà Nam đủ điều kiện để tắt sóng analog thì sẽ điều chỉnh thời gian tắt sóng.
Về tắt sóng analog tại 15 tỉnh thành còn lại bao gồm các tỉnh Tiền Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, An Giang và ngừng phát sóng truyền hình tương tự mặt đất (các trạm phát sóng chính) từ ngày 01/7/2017, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị xem xét nhóm các tỉnh nào đã chuẩn bị tốt cho việc tắt thì có thể tiến hành tắt trước 01/7/2017. Đề nghị các đài PTTH các tỉnh có trách nhiệm lựa chọn doanh nghiệp đưa các kênh phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền thiết yếu của địa phương không khóa mã trên hạ tầng truyền dẫn số mặt đất trước thời điểm ngừng phát sóng truyền hình tương tự nêu trên. Các địa phương còn lại như Ninh Thuận, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai dự kiến tắt sau giai đoạn 2 sẽ trình lại Ban Chỉ đạo xem xét sau.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã nhấn mạnh rằng, việc thực hiện tắt sóng analog giai đoạn 2 cần đúng tiến độ, theo Quyết định phê duyệt Đề án của Thủ tướng, tuy nhiên, lưu ý không lấy tiến độ làm tiêu chí chủ yếu, cũng không bằng mọi giá để tắt sóng analog. Việc tắt sóng analog phải đúng tiến độ, ít ảnh hưởng nhất đến người dân. Để làm được phải quan tâm vùng lõm ở vùng sâu, vùng xa ở các tỉnh này.
Công tác thông tin tuyên truyền cần tiếp tục phát huy từ kinh nghiệm của Giai đoạn 1 đã làm tốt và phải đẩy mạnh tuyên truyền giai đoạn 2 ngay từ bây giờ. Các cơ quan báo chí, truyền hình Việt Nam cần tuyên truyền ngắn gọn dễ hiểu, hướng trực tiếp cho người dân, ở địa phương bị ảnh hưởng của giai đoạn 2. Ngoài cơ quan báo chí, các đơn vị của Bộ TT&TT phối hợp với đơn vị Thông tin cơ sở xem xét thiết kế tờ rơi, giảm bớt dùng từ kỹ thuật để có thể tuyên truyền trực tiếp tới người dân, xuống tận địa phương.
Để đảm bảo vùng phủ sóng mặt đất DVB-T2, đề nghị VTV phủ sóng tại 3 tỉnh Ninh Bình, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu. Các công ty truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất RTB, SDTV, các đơn vị, doanh nghiệp hoàn thiện hạ tầng truyền dẫn để đảm bảo vùng phủ sóng, tiến độ phủ sóng chất lượng tại các địa bàn, nhất là đảm bảo thời điểm ngừng phủ sóng analog vào 01/7/2017. Những khó khăn về phát sóng tại vùng lõm cần được chỉ đạo giải quyết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp truyền dẫn linh hoạt giữa hai phương thức kinh doanh và đảm bảo đúng pháp luật.
Bộ trưởng cũng chỉ đạo xây dựng đề án hỗ trợ đầu thu STB theo tiêu chí phục vụ người dân kịp thời trước các thời hạn tắt sóng analog, hướng dẫn các doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng bố trí dung lượng truyền tải kênh chương trình thiết yếu của Nhà nước trên nguyên tắc sử dụng hiệu quả tổng thể hạ tầng truyền dẫn mặt đất, xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật truyền dẫn phát sóng thiết yếu để ban hành, xem xét áp mức thuế nhập khẩu STB đảm bảo hỗ trợ triển khai Đề án. Các kiến nghị của doanh nghiệp, địa phương cần quan tâm giải quyết, đảm bảo đúng tiến độ, phục vụ để người dân, người nghèo ở vùng sâu xa khi tắt sóng không bị ảnh hưởng.
Bộ trưởng khẳng định: “Triển khai Giai đoạn 2 của Đề án khó khăn hơn nhiều vì diện tắt sóng analog rộng hơn, số người xem truyền hình khác hơn, số hộ nghèo, cận nghèo nhiều hơn. Việc thực hiện Đề án phải đúng tiến độ theo phê duyệt Đề án của Thủ tướng và hạn chế ảnh hưởng tới người dân thấp nhất có thể”.