Triển vọng của dịch vụ thông tin di động trên máy bay MCA

03/11/2015 20:51
Theo dõi ICTVietnam trên

Ba nhà mạng của Việt Nam là VinaPhone, Mobifone và Viettel đều đã có thỏa thuận CVQT với cả OnAir và Aeromobile. Do đó, các thuê bao của một trong ba nhà mạng này đều có thể sử dụng dịch vụ MCA khi đi trên các máy bay có lắp đặt và cung cấp dịch vụ này.

1.LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ MCA

Trước đây các hãng hàng không trên thế giới không cho phép sử dụng điện thoại di động trên các chuyến bay vì:

-Về an toàn hàng không: Điện thoại di động khi cố gắng kết nối với các mạng mặt đất sẽ phát với công suất tối đa (khoảng 2W) và có thể gây nhiễu cho các thiết bị liên lạc của máy bay dẫn đến mất an toàn hàng không.

-Về công nghệ: Các máy bay dân dụng khi di chuyển với tốc độ xấp xỉ tốc độ âm thanh (900 km/h) ở độ cao từ 7.000m đến 12.000 m có thể làm chất lượng kênh vô tuyến giảm nghiêm trọng do ảnh hưởng của hiệu ứng dịch tần Doppler, trong khi điện thoại di động sử dụng công nghệ GSM chỉ đáp ứng được với tốc độ di chuyển tối đa 250 km/h.

Hiện nay đã có giải pháp để khắc phục những trở ngại trên và hành khách có thể sử dụng các dịch vụ viễn thông cơ bản như thoại, truy nhập Internet nhờ vào dịch vụ thông tin di động trên máy bay (MCA). Năm 2007, giải pháp MCA đầu tiên do  công ty OnAir giới thiệu bởi được thử nghiệm trên một máy bay Airbus của Anh.

2.MÔ HÌNH CUNG CẤP DỊCH VỤ DỊCH VỤ MCA

Giải pháp MCA dựa trên kênh vệ tinh để liên kết giữa hệ thống thông tin di động mặt đất và hệ thống MCA được lắp đặt trên máy bay (Hình 1).

Lúc này, cuộc gọi của hành khách thực hiện trên máy bay sẽ được tính cước như một cuộc gọi chuyển vùng quốc tế thông thường.

Một hệ thống MCA điển hình bao gồm các đặc tính chủ yếu như:

-Băng tần hoạt động 1.800 MHz.

-Nền tảng hoạt động và đảm bảo an toàn hàng không của hệ thống dựa trên vùng phủ sóng trong cabin máy bay của một trạm gốc BTS loại picocell và khả năng ngăn chặn kết nối giữa điện thoại di động của hành khách với các mạng mặt đất của thiết bị điều khiển mạng NCU. Trong đó NCU là một thiết bị phá sóng điện thoại di động hoạt động trên nguyên tắc phát gây nhiễu tín hiệu trên cùng băng tần đường xuống (từ trạm gốc đến điện thoại di động) khiến thuê bao di động bị gây nhiễu không thể liên lạc được trong vùng gây nhiễu của NCU (Hình 2).

3.TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CỦA DỊCH VỤ MCA

Theo website maps.mobileworldlive.com, cho đến hiện tại có khoảng 900 mạng di động có thỏa thuận chuyển vùng quốc tế (CVQT) với OnAir và khoảng 1.000 mạng di động có thỏa thuận CVQT với Aeromobile góp phần làm hai công ty trở thành các nhà cung cấp dịch vụ MCA hàng đầu hiện nay trên thế giới. Liên minh viễn thông quốc tế ITU cũng đã ấn định cặp mã MCC và MNC cho OnAir là 901 15 và cho Aeromobile là 901 14.

Ba nhà mạng của Việt Nam là VinaPhone, Mobifone và Viettel đều đã có thỏa thuận CVQT với cả OnAir và Aeromobile. Do đó, các thuê bao của một trong ba nhà mạng này đều có thể sử dụng dịch vụ MCA khi đi trên các máy bay có lắp đặt và cung cấp dịch vụ này.

Như vậy có thể thấy thị trường dịch vụ MCA đang trở nên sôi động và đòi hỏi cơ quan quản lý của các nước liên quan cần có chính sách quản lý đối với dịch vụ này một cách phù hợp.

4.CÁC QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI DỊCH VỤ MCA TRÊN THẾ GIỚI

a.Các quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO

Theo đề xuất khung của ICAO năm 2008 thì:

-Hệ thống MCA sẽ do hãng hàng không thực hiện khâu xin cấp phép lắp đặt. Bởi vì máy bay và đội bay của hãng hàng không đó là các đối tượng trực tiếp sử dụng, vận hành hệ thống này.

-Việc lắp đặt các thiết bị thuộc hệ thống MCA phải đảm bảo theo các yêu cầu kỹ thuật thì mới được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.

-Đối với các máy bay có lắp đặt hệ thống MCA khi bay vào không phận của một nước thứ ba thì máy bay đó phải có thông báo về tình trạng cấp phép của mình cho cơ quan quản lý có thẩm quyền của nước đó và không phải thực hiện lại thủ tục xin cấp phép hoạt động của dịch vụ MCA nữa.

b.Các quy định của châu Âu

Tại châu Âu, Hiệp hội Bưu chính Viễn thông châu Âu CEPT đã tiến hành các nghiên cứu và đưa ra đánh giá về sự tương thích của mạng MCA với mạng di động mặt đất tại các báo cáo CEPT Report 16 (năm 2008) và CEPT Report 48 (năm 2013), theo CEPT thì để MCA vận hành một cách an toàn và hiệu quả thì cần phải đảm bảo các yêu cầu hoạt động sau đây: 

-Các thiết bị của hệ thống MCA phải tuân thủ theo tiêu chuẩn ETSI EN 302 480 - Các vấn đề về tương thích điện từ và phổ tần số vô tuyến điện (ERM); Tiêu chuẩn hệ thống GSM trên máy bay theo yêu cầu của Điều 3.2 của Quyết định R & TTE (Electromagnetic compatibility and Radio spectrum Matters (ERM); Harmonized EN for the GSM onboard aircraft system covering the essential requirements of Article 3.2 of the R&TTE Directive).

-Thiết bị NCU phải có khả năng chặn tín hiệu của các mạng di động mặt đất lọt vào cabin máy bay để không gây can nhiễu giữa mạng MCA với các mạng di động mặt đất.

-Độ cao của máy bay khi vận hành hệ thống MCA tối thiểu là 3.000 m.

Cho tới nay, các báo cáo CEPT Report 16 và CEPT Report 48 vẫn là các nghiên cứu được thực hiện một cách công phu, khoa học và đáng tin cậy nhất trên thế giới. Kết luận của những báo cáo này được nhiều nước trên thế giới nghiên cứu, áp dụng vào việc triển khai các chính sách quản lý đối với dịch vụ MCA tại nước mình.

c.Quy định của một số nước đối với dịch vụ MCA

Các quốc gia trên thế giới đều đã vận dụng những đề xuất của ICAO và CEPT để xây dựng chính sách quản lý cho riêng mình. Bảng 1 cung cấp kết quả khảo sát chính sách của một số nước về dịch vụ MCA.

5.TRIỂN VỌNG CỦA DỊCH VỤ MCA TẠI VIỆT NAM

Hiện nay, một số công ty cung cấp dịch vụ thông tin di động hàng không như OnAir, GoGo LLC ... đã có các tiếp xúc với một số hãng hàng không Việt Nam để tìm cơ hội triển khai dịch vụ MCA. Việc thêm một dịch vụ tiện ích cho người tiêu dùng khi đi lại bằng máy bay là một tín hiệu đáng mừng, tuy nhiên để đưa dịch vụ này vào khai thác thương mại tại Việt Nam cần phải chuẩn bị hành lang pháp lý để đảm bảo các yếu tố an toàn về thông tin, tần số vô tuyến điện và an toàn hàng không. Hiện tại, theo quy định tại Nghị định 133/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ, "việc mua bán, chuyển giao công nghệ, sở hữu và sử dụng thiết bị gây nhiễu điện thoại di động" trong dân sự không được cho phép, bên cạnh đó thì việc sử dụng điện thoại di động trên máy bay cũng không được phép theo quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006.

Như vậy để có thể triển khai được dịch vụ MCA tại Việt Nam cần có các nghiên cứu, điều chỉnh các quy định nói trên theo các điều kiện ràng buộc chặt chẽ để vừa phù hợp với các thỏa thuận cung cấp dịch vụ viễn thông xuyên biên giới khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP, vừa phù hợp với các yêu cầu về an ninh thông tin, an toàn hàng không của Việt Nam.

6.KẾT LUẬN

Không thể phủ nhận rằng dịch vụ MCA đang dần trở nên quan trọng đối với thị trường hàng không trong việc cung cấp thêm các dịch vụ tiện ích cho hành khách, nhằm giảm bớt sự nhàm chán trên các chuyến bay đặc biệt là chuyến bay đường dài đổng thời tăng thêm doanh thu từ loại hình dịch vụ này; theo dự báo của Hiệp hội giải trí hàng không trên thế giới WAEA thì doanh thu từ dịch vụ MCA được dự báo sẽ đạt mức 950 triệu USD vào năm 2016.

Việc các hãng hàng không trong nước triển khai dịch vụ MCA trên tàu bay của mình cũng như việc cho phép các tàu bay của nước ngoài có lắp đặt hệ thống cung cấp dịch vụ này bay ra, vào không phận Việt Nam là những vấn đề có thể xuất hiện trong tương lai gần.

Tài liệu tham khảo

[1].http://www.maps.mobileworldlive.com
[2].CEPT Report 16 (2008) Report from CEPT to the European Commission in response to the EC Mandate on Mobile Communication Services on board aircraft (MCA).
[3].CEPTReport 16 (2013) Report from CEPT to the European Commission in response to the Second Mandate to CEPTon mobile communication services on board aircraft (MCA).
[4].www.ofcom.org.uk.
[5].www.fcc.gov.
[6].www.skmm.gov.my.
[7].www.ofca.gov.hk.
[8].www.bundesnetzagentur.de.

Phạm Mạnh Hà

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Triển vọng của dịch vụ thông tin di động trên máy bay MCA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO