Vào Phước Lộc lần này, đoàn công tác cũng tranh thủ một công đôi việc, đó là khảo sát kế hoạch phủ điểm phục vụ bưu chính tại huyện Phước Sơn, trao tặng nhà "Mái ấm Công đoàn" cho gia đình có hoàn cảnh khó khăn; đồng thời cũng muốn được trải nghiệm "mùa ươi bay" trên đỉnh Trường Sơn.
Chiếc xe Fortuner của Bưu điện tỉnh Quảng Nam xuất phát từ thành phố Tam Kỳ lúc 5 giờ sáng, hơn 08 giờ chúng tôi có mặt tại Nhà khách Bưu điện huyện Phước Sơn, nhìn chiếc xe, chị Hồng Ánh - Giám đốc Bưu điện huyện hỏi: "Xe của anh có đi Phước Lộc nổi không vậy?".
Thoáng chút ngạc nhiên anh Bình, Phó Giám đốc Bưu điện tỉnh trả lời: "Xe anh mà không leo núi được thì Bưu điện tỉnh còn xe nào đi được". Lúc này, chị Hồng Ánh mới cười, nói: "Ở Phước Sơn, Chủ tịch huyện chỉ dùng xe này để về tỉnh họp thôi. Muốn đi xã thì có U-oát mới leo nổi". Nghe qua, anh lái xe đoàn chúng tôi nổi cả da gà.
Con đường liên xã ngoằn ngoèo dẫn chúng tôi từ thị trấn Khâm Đức đi thôn 1, xã Phước Lộc (đây là thôn mới được sáp nhập từ thôn 5B và thôn 7) - thôn trung tâm của xã Phước Lộc. Con đường dài 45 cây số mà phải mất 1 tiếng rưỡi chạy ô tô. Hai bên đường, một bên là đỉnh núi cao tít với những tảng đá đồ sộ, có thể lăn xuống nuốt chửng chiếc xe chúng tôi bất cứ lúc nào; một bên là vực sâu thăm thẳm, chúng tôi không ai đủ can đảm để ngó xuống nhìn. Thỉnh thoảng, trên đường lại có tảng đá to như ngôi nhà nằm chắn ngang sau lũ đã được công binh nổ mìn, cắt ngang cho xe qua.
Tiếp đón chúng tôi tại ngôi nhà vừa mới làm xong là vợ chồng anh Hồ Văn Cấu - người dân tộc Giẻ Triêng, anh Cấu là Bưu tá xã Phước Lộc.
Cũng như nhiều gia đình khác ở các xã vùng cao Quảng Nam, trận lũ kinh hoàng do mưa sau cơn bão số 9 vào cuối tháng 10 năm ngoái đã lấy đi toàn bộ nhà cửa và tài sản của vợ chồng anh Cấu. May mắn là nhà anh không bị thiệt hại về người. Suốt mấy tháng qua, gia đình anh được họ hàng đưa về ở cùng và cưu mang giúp vượt qua giai đoạn khó khăn. Từ các nguồn quỹ quyên góp, Bưu điện tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ gia đình anh 101,5 triệu đồng, thêm vào đó là số tiền 140 triệu đồng đến từ các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân ủng hộ và sự giúp đỡ của người thân, anh Cấu đã dựng lại ngôi nhà trên mảnh đất mới.
Trong ngôi nhà khang trang, bên hũ rượu cần, chúng tôi vui mừng cùng gia đình anh Cấu. Qua trao đổi, chúng tôi được biết, anh Cấu còn là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ban Nhân dân thôn 1, xã Phước Lộc. 13 năm gắn bó với nghề Bưu tá, anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được bà con tin yêu. Con đường dài 30 cây số từ đường Hồ Chí Minh vào xã mới được xây dựng vài năm trở lại đây, những năm trước anh toàn phải mang túi thư đi bộ về xã.
Sau khi khảo sát một vòng quanh khu trung tâm xã để chọn điểm đặt Bưu điện, trở lại nhà anh Cấu, anh Bình đề xuất chọn nhà anh Cấu làm điểm giao dịch cho Bưu điện xã. "Bưu điện đã giúp cho mình có nhà để ở, nếu Bưu điện cần nơi để phục người dân thì gia đình mình luôn sẵn sàng" - anh Cấu tươi cười đồng ý. Vậy là công việc chính, khảo sát kế hoạch phủ điểm cho xã Phước Lộc của chúng tôi cũng hoàn thành.
Giữa trưa, dưới xuôi giờ này đang nắng nóng trên 37 độ, ở Phước Lộc chỉ 26 độ, trời lại đổ mưa, anh Cấu nói: "Trời làm mất nồi cơm của đồng bào mình rồi". Thì ra vậy, đồng bào vùng cao đang vào mùa thu hoạch ươi bay, thứ quả rừng mang lại giá trị kinh tế đáng kể cho đồng bào mà gặp mưa là nhão ra, chỉ còn có mang theo đường hoặc sữa, vừa nhặt vừa ăn luôn, không còn bán cho ai được.
Chúng tôi buộc phải rời Phước Lộc và xuống núi gấp, vì chỉ cần mưa nửa tiếng, đá núi đổ xuống thì đường tắc không đi được. Cũng vì mưa, chúng tôi mất đi cơ hội trải nghiệm "mùa ươi bay" nhưng lại được vợ anh Cấu tặng mỗi người một túi ươi mang về làm quà.
Thương lắm Phước Lộc! Thương lắm những người anh em bưu tá vùng cao! Cầu cho mưa thuận, gió hòa! Tạm chia tay Phước Lộc, chúng tôi trở về xuôi với quá nhiều nỗi niềm. Hai chữ "Phước Lộc", thoạt nghe tên cứ nghĩ là vùng đất được trời cho tất cả những gì đầy đủ, sung túc nhất. Vậy mà cũng như nhiều xã trên đỉnh Trường Sơn của tỉnh Quảng Nam, cái nghèo khó luôn theo đồng bào suốt nhiều thế hệ, giờ đây, cứ mỗi khi mùa mưa tới, bà con lại lo cảnh sạt lở, lại bị cô lập, không có cái để ăn. Phước Lộc đang rất cần sự quan tâm của các ngành, các cấp và sự chia sẻ của cộng đồng./.