Truyền thông

Trực quan hóa dữ liệu: Những gợi ý để tăng hiệu quả đối với một số nhóm công chúng yếu thế

Nguyễn Khánh 27/03/2023 00:00

Báo chí dữ liệu, với khả năng đào sâu khai thác lượng số liệu khổng lồ, sẽ giúp tạo ra những tác phẩm báo chí hấp dẫn, trực quan và dễ hiểu hơn. Lý thuyết là như vậy. Nhưng trên thực tế, nếu không trình bày dữ liệu một cách hợp lý, loại hình báo chí này lại có thể tạo ra rào cản lớn với độc giả, nhất là nhóm độc giả yếu thế.

Tóm tắt:

Trong bài viết, tác giả nhắc đến báo chí dữ liệu, tuy nhiên xem xét ở khía cạnh hỗ trợ các nhóm công chúng yếu thế.

Theo tác giả, việc trực quan hóa dữ liệu là điều cần thiết nhưng tác giả chỉ ra rằng, một số cơ quan báo chí chưa thực sự quan tâm đến những độc giả mắc hội chứng khó phân biệt màu sắc.

Tác giả gợi ý một số giải pháp:

- Sử dụng các phần mềm giả lập mù màu

- Sử dụng các dấu hiệu trực quan khác để phân định phạm vi dữ liệu

- Hiển thị chú giải hoặc cung cấp thông tin khác để hỗ trợ người khiếm thị…

Xu thế mới cần quan tâm tới độc giả “cũ”

Báo chí dữ liệu đang là xu thế mạnh mẽ, thay đổi diện mạo của truyền thông thế giới. Thay vì sử dụng những công cụ tác nghiệp truyền thống như máy ảnh, máy quay và lăn lộn ở hiện trường thì các nhà báo tìm kiếm câu chuyện từ chính kho dữ liệu khổng lồ.

Tại Việt Nam, báo chí dữ liệu cũng bắt đầu được các tòa soạn đón nhận và từng bước triển khai từ những năm 2000, với những đơn vị tiên phong như Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) hay các báo điện tử lớn như Vietnamnet hoặc VnExpress, Zing News, Dân trí. Đến nay, hầu hết các tòa soạn đều đang nỗ lực tích hợp báo dữ liệu vào mọi hoạt động tác nghiệp. Và khi đẩy mạnh báo chí dữ liệu, tất nhiên, ngoài việc diễn giải dữ liệu bằng văn bản, “trực quan hóa dữ liệu” (data visualization) cũng là một phần quan trọng của ngôn ngữ thể hiện. Các biểu đồ, infographic, thậm chí biểu đồ có thể tương tác đang là ngôn ngữ thiết yếu của nhiều tòa soạn.

bao-chi-du-lieu.jpg
(Ảnh minh họa: Internet)

“Trực quan hóa dữ liệu” thực ra không xa lạ. Chúng ta có thể bắt gặp nó trong biểu đồ của mọi ngành, mọi kênh truyền thông. Đó là khi một dữ liệu, đơn cử như cơ cấu giới tính của Việt Nam, được biến thành một biểu đồ dễ so sánh. Độc giả nhìn vào đó, và rất nhanh, không cần xem số, nhận ra nữ giới đang nhiều hơn nam. Nhưng chuyện có đơn giản như thế? Hãy thử tìm một biểu đồ về cơ cấu giới tính trên website của Tổng cục Thống kê. Ở đó, cơ cấu nữ được thể hiện bằng màu da cam; cơ cấu nam được thể hiện bằng màu xanh lục.

Hiện có khoảng hơn 300 triệu người trên thế giới mắc hội chứng khó phân biệt màu sắc (rối loạn sắc giác). Con số này ở Việt Nam có thể lên đến hàng triệu người. Và một trong những dạng mù màu phổ biến nhất, chính là không thể phân biệt được giữa màu cam và màu xanh lục.

Những người có khiếm khuyết về thị giác này chắc chắn không thể phân biệt được đâu là cột thông tin thể hiện cơ cấu giới tính nam hay nữ trong biểu đồ kể trên. Nói cách khác, họ đã bị bỏ quên khi người ta thiết kế những hình ảnh đồ họa ấy.

Vài gợi ý nhỏ cho bức tranh lớn

Câu chuyện kể trên không phải là ví dụ hiếm gặp và cũng không phải chỉ thấy ở website của Tổng cục thống kê. Nhiều cơ quan báo chí đôi khi cũng quên mất nhóm độc giả yếu thế khi trực quan hóa dữ liệu. Đúng là những định dạng bổ sung trong cách hiển thị dữ liệu có thể nâng cao đáng kể chất lượng của câu chuyện báo chí, nhưng chúng cũng tạo ra những rào cản đối với độc giả, nhất là những người mắc chứng rối loạn sắc giác, mù màu hoàn toàn hay thậm chí là mất thị lực.

Cần biết rằng, việc bị rối loạn sắc giác, hay mù màu sẽ tác động đến cách một người nhìn thấy sắc độ của một màu hoặc cảm nhận các bước sóng ánh sáng phản chiếu bởi màu sắc. Dựa trên đặc điểm này, các kỹ thuật phù hợp có thể sử dụng để giúp hỗ trợ những người bị mù màu.

Đầu tiên, vì mù màu chỉ ảnh hưởng đến cách cảm nhận màu sắc, nên các khía cạnh khác của màu sắc sẽ giúp những người mù màu có thể tiếp cận được hình ảnh trực quan. Một trong số đó là độ sáng, hay độ rực rỡ của một màu. Độ sáng là sự khác biệt cảm nhận được về biên độ ánh sáng được phản ánh bởi màu sắc và có thể làm cho màu sắc có vẻ đậm hơn hoặc nhạt hơn. Nếu các màu trong hình ảnh trực quan hóa dữ liệu có độ sáng khác nhau phù hợp, những người mù màu sẽ ít gặp khó khăn hơn trong việc phân biệt. Để kiểm tra xem bảng màu của bạn có đa dạng về độ sáng hay không, có thể sử dụng các phần mềm giả lập mù màu, như Coblis chẳng hạn.

muc06_bctt_bai-4-bao-chi-du-lieu-thang-2.2023-anh-1.png
Ảnh chụp màn hình phần mềm Coblis cho thấy bức ảnh của một đống bút màu trông như thế nào với người bình thường và với người mù màu.

Chỉ cần tải lên một hình ảnh trực quan hóa hoặc bảng phối màu của bạn, sau đó sử dụng các tiêu chí lựa chọn của Coblis để xem hình ảnh đó sẽ xuất hiện như thế nào đối với một người mắc các dạng mù màu khác nhau. Nếu các màu xuất hiện quá giống nhau, hãy điều chỉnh bảng màu của bạn để có thể phân biệt chúng nhiều hơn.

Ngoài việc kiểm tra độc lập bằng những phần mềm như Coblis, một số công cụ trực quan hóa dữ liệu có các chức năng tích hợp để kiểm tra khả năng tiếp cận hình ảnh đối với những người bị mù màu. Chẳng hạn như phần mềm Datawrapper sẽ cung cấp các chế độ xem thể hiện một số loại mù màu để người dùng có thể đảm bảo rằng hình ảnh của họ có thể truy cập được trước khi xuất bản.

Nếu màu sắc là chưa đủ, việc sử dụng các dấu hiệu trực quan khác để phân định phạm vi dữ liệu cũng tăng thêm khả năng tiếp nhận của độc giả, giúp họ dễ dàng phân biệt từng loại thông tin. Chẳng hạn như thêm chấm, sọc, dấu thăng và các hình dạng khác cho dữ liệu sẽ hoàn toàn tránh được vấn đề tương đồng về màu sắc. Để thuận tiện hơn nữa cho độc giả mù màu, chúng ta có thể tách tất cả các dữ liệu bằng đường viền có độ tương phản cao, đảm bảo rằng không có hai màu nào được đặt trực tiếp với nhau. Điều này tránh được vấn đề về độ tương phản đồng thời, đó là khi hai màu được đặt trực tiếp cạnh nhau sẽ thay đổi cách mà mắt người cảm nhận được màu sắc và độ sáng của hai màu đó.

Đấy là những ví dụ về cách xử lý để hỗ trợ người mù màu. Với những người khiếm thị, lại phải cung cấp cho họ các bản dịch trực quan hóa dữ liệu không trực quan. Công cụ đơn giản nhất để là văn bản thay thế, tức là những mô tả ngắn gọn về hình ảnh mà người dùng có thể đọc được bằng trình đọc màn hình. Với cách thể hiện này, cần giữ cho văn bản thay thế ngắn gọn và mang tính mô tả, chỉ cung cấp đủ thông tin để thay thế cho hình ảnh. Cùng với đó, cần tránh tối đa việc lặp từ và đảm bảo rằng luôn có tham chiếu đến bất kỳ văn bản nào trong hình ảnh.

capture.jpg
Ảnh chụp màn hình văn bản thay thế cho hình ảnh trong một tweet của Hiệp hội Trực quan hóa dữ liệu. (Data Visualization Society).

Mặc dù trình đọc màn hình là công cụ tuyệt vời cho phép người khiếm thị truy cập vào hầu hết nội dung web, nhưng phiên bản âm thanh của một câu chuyện vẫn đem đến định dạng tốt hơn. Chỉ có một lưu ý: phiên bản âm thanh cần chứa không chỉ nội dung bài viết mà còn phải bao gồm các mô tả bằng giọng nói về bất kỳ hình ảnh hay dữ liệu đa phương tiện đi kèm nào. Những người truy cập thông tin bằng trình đọc màn hình không chỉ dựa vào văn bản thay thế để mô tả hình ảnh cho họ mà còn thường điều hướng các trang web bằng bàn phím hoặc thiết bị bấm nút khác thay vì sử dụng chuột hoặc bàn di chuột.

Việc hiển thị chú giải hoặc cung cấp thông tin khác khi con chuột di qua một vị trí cụ thể sẽ gây ấn tượng mạnh về mặt thị giác, nhưng không có hành động tương đương nào dành cho một người chỉ có thể dùng bàn phím. Do đó, những người sử dụng trình đọc màn hình hầu như không thể truy cập các chức năng này. Để giải quyết khó khăn ấy của người khiếm thị, thay vì sử dụng chức năng di chuột, hãy cho phép họ nhấp vào các đối tượng trong hình ảnh trực quan tương tác để truy cập thông tin. Ngoài ra, hãy nghĩ xem liệu thông tin có thể được tích hợp hoặc hiển thị mà không cần người dùng thực hiện hành động nào hay không.

Nói chung, càng có nhiều vị trí và phương pháp cung cấp mô tả về trực quan hóa dữ liệu thì càng thuận lợi cho những người khiếm thị. Để không ai bị bỏ lại phía sau, việc tạo điều kiện cho những nhóm độc giả yếu thế tiếp cận thể loại báo chí dữ liệu vốn sinh động và hiện đại, cũng chính là tinh thần nhân văn mà báo chí cách mạng Việt Nam theo đuổi. Và tất nhiên, việc quan tâm đến trực quan hóa dữ liệu, để dữ liệu trở nên hữu ích cho mọi tầng lớp, mọi nhóm người trong xã hội, không chỉ là bài toán riêng của báo chí, mà là của mảng truyền thông trong mọi lĩnh vực, như ví dụ được nêu ở đầu bài viết này.

Để thay cho lời kết, xin được mượn thông điệp của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023. Theo Bộ trưởng, việc tạo và khai thác dữ liệu để sinh ra giá trị mới là sự khác biệt căn bản của chuyển đổi số. Và giá trị của dữ liệu thể hiện ở việc biến nó thành thông tin, thành tri thức của đất nước, của nhân loại. Thế nên, việc giải bài toán trực quan hóa dữ liệu để ngay cả những độc giả yếu thế nhất cũng tiếp cận được chính là một trong những hành động thiết thực hướng đến mục tiêu lớn ấy./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 2 tháng 2/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Trực quan hóa dữ liệu: Những gợi ý để tăng hiệu quả đối với một số nhóm công chúng yếu thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO