Trung Quốc lập quỹ công nghệ cao phát triển AI, các ngành công nghiệp mới nổi
Sau thành công toàn cầu từ mô hình lý luận AI mới nhất của DeepSeek, các quan chức kinh tế hàng đầu của Trung Quốc đã cam kết thành lập một quỹ do nhà nước quản lý để hỗ trợ đổi mới công nghệ.
Quỹ này, được gọi là "Quỹ hướng dẫn đầu tư mạo hiểm nhà nước", sẽ tập trung vào các lĩnh vực tiên tiến như AI, công nghệ lượng tử và lưu trữ năng lượng hydro, ông Zheng Shanjie, Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, đã thông báo với các phóng viên vào ngày 6/3 bên lề các cuộc họp thường niên của cơ quan lập pháp và cố vấn quốc gia Trung Quốc.

Quỹ này dự kiến sẽ thu hút gần 1.000 tỷ nhân dân tệ (138 tỷ USD) trong 20 năm từ các chính quyền địa phương và khu vực tư nhân.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi chip cao cấp, máy tính lượng tử, robot và AI là yếu tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cấp sản xuất. Nhưng Trung Quốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các hạn chế về công nghệ của Mỹ.
Ông Zheng đã ca ngợi sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực vi mạch và mô hình ngôn ngữ AI lớn cũng như robot công nghiệp và robot hình người.
"Những cảnh tượng trước đây chỉ thấy trong khoa học viễn tưởng giờ đã trở thành hiện thực. Chúng ta đang vững vàng tiến tới biên giới toàn cầu của công nghệ và đổi mới. Điều này chứng tỏ rằng nỗ lực đàn áp và phong tỏa của một số thế lực chỉ giúp thúc đẩy động lực đổi mới độc lập của Trung Quốc".
DeepSeek với mô hình ngôn ngữ lớn R1 đã khuấy động thị trường chứng khoán toàn cầu khi ra mắt vào tháng 1. Mô hình có hiệu suất gần như sánh ngang với các đối thủ - bao gồm GPT-4 của OpenAI, Llama của Meta và Gemini của Google - nhưng chỉ bằng một phần nhỏ chi phí.
Điều đó khiến các nhà quan sát ngạc nhiên vì Mỹ đã nỗ lực trong nhiều năm để hạn chế nguồn cung cấp chip AI công suất cao cho Trung Quốc, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia. Điều đó có nghĩa là DeepSeek được cho là có thể đạt được mô hình chi phí thấp của mình trên các chip AI có công suất tương đối thấp.
Vào ngày 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã cam kết "thúc đẩy các ngành công nghiệp mới nổi và các ngành công nghiệp của tương lai" khi ông trình bày báo cáo công tác thường niên của chính phủ.
Thủ tướng Lý Khắc Cường hứa sẽ thiết lập một cơ chế để tăng tài trợ cho các ngành công nghiệp như sản xuất sinh học, công nghệ lượng tử, AI hiện thân và công nghệ 6G.
Tháng trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiếp đón các giám đốc điều hành công nghệ hàng đầu của đất nước tại Bắc Kinh và nhấn mạnh đây là "thời điểm vàng" để các doanh nghiệp (DN) tư nhân "phát huy hết khả năng của mình".
Các DN tư nhân đóng góp hơn 60% vào GDP của Trung Quốc và hơn 80% việc làm, mặc dù quy mô so với khu vực nhà nước đôi lúc còn bị lu mờ. Nhiều công ty, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, vẫn đang phục hồi sau quy định nghiêm ngặt kéo dài hơn 3 năm.
Alibaba ra mắt đối thủ DeepSeek, đẩy cổ phiếu tăng vọt
Cũng trong ngày 6/3, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba đã công bố mô hình lý luận AI mới nhất của công ty này, tự hào rằng khả năng của nó vượt trội hơn so với các mô hình đối thủ từ OpenAI và công ty khởi nghiệp DeepSeek.

Tin tức này đã thúc đẩy cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của Alibaba vào thời điểm đóng cửa giao dịch ngày 6/3 cao hơn 8% trong ngày và giúp thúc đẩy Chỉ số DN Trung Quốc của Hang Seng.
Việc phát hành mô hình AI mới của Alibaba diễn 1 ngày sau khi một công ty khác ra mắt "tác nhân AI" có tên là Manus. Một video trên trang web dành riêng cho Manus cho biết phần mềm này có thể thực hiện các tác vụ phức tạp, nhiều bước như sàng lọc sơ yếu lý lịch và tạo trang web. Theo Reuters, Manus là sáng tạo của công ty Trung Quốc Monica.
Video cũng cho biết tác nhân AI này tiên tiến hơn chatbot vì nó không chỉ tạo ra ý tưởng mà còn mang lại kết quả hữu hình như tạo báo cáo đề xuất các bất động sản để mua dựa trên các tiêu chí cụ thể.
Alibaba đã quảng cáo mô hình mới của mình, QwQ-32B, trong một tuyên bố trực tuyến là mang lại "hiệu suất vượt trội, gần như hoàn toàn vượt trội so với OpenAI-o1-mini và ngang bằng với mô hình suy luận nguồn mở mạnh nhất, DeepSeek-R1". OpenAI-o1-mini là mô hình suy luận tiết kiệm chi phí của công ty Mỹ được phát hành vào năm ngoái.
Alibaba cho biết thêm mô hình đã đạt được "bước nhảy vọt về chất lượng trong toán học, mã hóa và khả năng chung, với hiệu suất tổng thể ngang bằng với DeepSeek R1".
Công ty tuyên bố rằng mô hình của mình có 32 tỷ tham số so với 671 tỷ tham số của R1 của DeepSeek. Ít tham số hơn ngụ ý rằng mô hình nhỏ hơn và hiệu quả hơn để đào tạo.
Alibaba, chủ sở hữu của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc Taobao và Tmall, lần đầu tiên ra mắt dịch vụ tương đương ChatGPT Tongyi Qianwen vào năm 2023, sau khi OpenAI ra mắt mô hình lý luận AI định nghĩa ngành của mình.
Vào tháng 1, Alibaba đã phát hành một mô hình khác, Qwen 2.5 Max, mà hãng cho biết đã vượt qua hiệu suất của mô hình V3 được đánh giá cao của DeepSeek, được phát hành chỉ vài tuần trước đó.
Tuần trước, Alibaba đã cam kết đầu tư ít nhất 380 tỷ nhân dân tệ (52,4 tỷ USD) vào cơ sở hạ tầng AI và điện toán đám mây của mình trong ba năm tới. Công ty cho biết số tiền này vượt quá số tiền mà họ đã đầu tư vào các lĩnh vực đó trong thập kỷ qua./.