Trung Quốc tăng tốc thử nghiệm xe tự hành nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mới
Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, bao gồm BYD và Nio, đã được cấp phép thử nghiệm xe tự hành và các công nghệ khác trên những tuyến đường hạn chế.
Trung Quốc sẽ cho phép các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thử nghiệm xe tự hành và các công nghệ khác trên những tuyến đường hạn chế, đánh dấu một bước tiến để chuyển đổi ngành công nghiệp trị giá 10.000 tỷ nhân dân tệ (1,4 nghìn tỷ USD), đồng thời cho thấy một thị trường tiềm năng cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Mới đây, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) và ba cơ quan chính phủ khác đã cùng công bố phê duyệt cho 9 nhà sản xuất, bao gồm nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới BYD, cũng như Nio, Changan Automobile và GAC Motor, thử nghiệm hệ thống xe tự hành cấp độ ba.
Tuyên bố của MIIT cho biết: “Chương trình thí điểm này có thể đẩy nhanh quá trình sản xuất hàng loạt và ứng dụng các sản phẩm xe thông minh kết nối Internet, thúc đẩy sự tích hợp của các ngành công nghiệp ô tô, năng lượng mới, trí tuệ nhân tạo, thông tin và truyền thông”.
Theo định nghĩa của Hiệp hội Kỹ sư Ô tô (SAE), xe tự hành cấp độ 3 cho phép ô tô tự động lái có điều kiện mà không cần sự can thiệp của con người trừ trường hợp khẩn cấp. Thang đo do SAE đưa ra gồm 6 cấp độ lái tự động, từ 0 (hoàn toàn do người lái) cho đến 5 (hoàn toàn tự động).
MIIT cho biết, với chương trình thí điểm được phê duyệt, các nhà sản xuất sẽ sử dụng dữ liệu để nâng cao công nghệ lái xe tự động, thiết lập các tiêu chuẩn ngành và hỗ trợ chính phủ về luật pháp, quy định và phát triển cơ sở hạ tầng liên quan.
Việc đặt cược của Bắc Kinh vào làn sóng năng lượng mới cách đây một thập kỷ đã được chứng minh là thành công khi nước này đã trở thành nhà sản xuất xe điện (EV) hàng đầu thế giới.
Trung Quốc đang tìm kiếm các lĩnh vực mới, bao gồm cả xe tự hành, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong tương lai trong bối cảnh xung đột thương mại gia tăng và các công nghệ đột phá khó lường.
Gary Ng, nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Đầu tư và Doanh nghiệp Natixis, cho biết: “Chương trình thí điểm này sẽ cho phép Trung Quốc xây dựng một hệ sinh thái xe điện toàn diện hơn và tận dụng lợi thế của các lĩnh vực khác nhau để tạo ra sự đối xứng”.
Ng cho biết động lực chính của chương trình là tăng cường khả năng cạnh tranh của lĩnh vực xe điện của Trung Quốc trước những thách thức về địa chính trị.
“Theo quan điểm của chính phủ Trung Quốc, nâng cao khả năng cạnh tranh bằng việc cung cấp sản phẩm tốt với chi phí thấp sẽ là cách tốt nhất để giữ được chỗ đứng trên thị trường toàn cầu”, Gary Ng nhấn mạnh.
Năm 2023, doanh thu từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã tăng 11,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt trên 10,1 nghìn tỷ nhân dân tệ. Ngành này đang chuyển sang sử dụng năng lượng mới và các công nghệ thông minh, đồng thời cũng đang sản xuất và xuất khẩu nhiều phương tiện sử dụng năng lượng mới nhất trên thế giới.
Theo thống kê, doanh số bán ô tô sử dụng năng lượng mới của Trung Quốc năm 2014 chỉ đạt 75.000 chiếc, chiếm 0,3% thị phần. Tuy nhiên, sau 10 năm nỗ lực, doanh số bán ô tô năng lượng mới của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã tăng lên 9,495 triệu xe vào năm 2023, đứng đầu thế giới trong 9 năm liên tiếp, với mức tăng trưởng trung bình hàng năm hơn 71 lần và chiếm 31,6% thị phần.
Một báo cáo hồi tháng 5 từ tờ Nhân dân Nhật báo cho biết các công ty công nghệ, bao gồm Huawei Technologies, Xiaomi và DJI, đang tăng cường sự hiện diện của mình trong ngành công nghiệp xe không người lái.
Trung Quốc đang đẩy mạnh thử nghiệm xe tự hành, với các thành phố như Bắc Kinh, Thâm Quyến và Hàng Châu đang mở những tuyến đường công cộng để thí điểm phương tiện này./.