Ghi nhận tại tỉnh Sơn La, thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BTY, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La đã quán triệt, phổ biến nội dung Chỉ thị số 08/BYT tới các y bác sỹ của Trung tâm trong đó quán nhấn mạnh tới việc cần hạn chế sử dụng chất thải nhựa dùng một lần; phân loại triệt để chất thải nhựa, nylon khó phân hủy để thu gom, tái chế; phấn đấu tiến đến chấm dứt việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần có thể thay thế và nilon khó phân hủy...
Cụ thể, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, để hạn chế chất thải nhựa, đơn vị cũng đã triển khai nhiều giải pháp như: chủ động tìm kiếm các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa sử dụng trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị. Không sử dụng ly, cốc, bình nhựa sử dụng một lần để tiếp khách và trong sinh hoạt tại cơ quan, đơn vị. Bố trí các thùng phân loại rác thải để đóng gói và thu gom thuận tiện.
Đồng thời, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng tổ chức tuyên truyền trong nhân dân về Chỉ thị số 08/CT-BTY của ngành y tế. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, ý thức của mỗi người dân, mỗi trong việc thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, giảm thiểu và tiến tới chấm dứt sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần mỗi khi đến khám bệnh tại bệnh viện cũng như các cơ sở y tế...
Tương tự, tại địa bàn tỉnh Thái Nguyên, thực hiện lời kêu gọi của của Thủ tướng Chính phủ và cũng là thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BYT, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên cũng đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực.
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Thực hiện việc phòng chống rác thải nhựa, trước đó, từ năm 2018, UBND tỉnh Thái Nguyên đã triển khai đến các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong đó có Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh về các giải pháp giảm thiểu sử dụng túi nilon, ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa; tổ chức tuyên truyền vận động, kêu gọi mọi người cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người.
Cũng trong tháng hành động vì môi trường năm 2019, Trung tâm cũng ký cam kết tham gia phong trào chống rác thải nhựa với tỉnh. Đồng thời, từ sau khi có Chỉ thị số 08/CT-BYT, và ký kết giữa Sở Y tế tỉnh với một số đơn vị của ngành, công tác phòng chống rác thải nhựa y tế tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh càng được triển khai quyết liệt.
Lãnh đạo Sở Y tế Thái Nguyên và các đơn vị y tế trong tỉnh ký cam kết thực hiện các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa trong các hoạt động khám chữa bệnh.
Theo đó, Trung tâm đặc biệt quan tâm triển khai các cuộc tuyên truyền trong người dân về ý thức giảm thiểu phát thải rác thải nhựa y tế khi đến khám và điều trị.Các hình thức tuyên truyền cũng được đa dạng hóa để người dân dễ hiểu. Tất cả các phông chính, pano, băng zôn tuyên truyền về phòng chống rác thải nhựa đều được thay thế từ dạng in chất liệu nhựa hiplex sang in trên chất liệu vải dễ phân hủy, thân thiện với môi trường… Để chuyển tải các nội dung trọng tâm như hạn chế, không sử dụng túi nilon, chai lọ nhựa, ly cốc nhựa... góp phần bảo vệ môi trường sống.
Từ sự vào cuộc quyết liệt của ngành y tế các địa phương, trong đó có vai trò của các Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, ý thức của người dân tới khám bệnh đã được nâng cao.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Hồng Duyên sinh sống trên địa bàn TP Sơn La cho biết: Thời gian qua, việc trển khai phong trào phòng chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh được các các Sở ban ngành triển khai rất quyết liệt. Các đơn vị trong đó có Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh đồng loạt ra quân, tuyên truyền đến người dân về tác hại lâu dài của việc phát thải nhựa nói chung, rác thải nhựa trong ngành y tế nói riêng. Vì vậy, người dân chúng tôi hiểu rõ và sẵn sàng chung tay hành động với ngành y tế vì tương lai của môi trường.