Tăng cường hội nhập quốc tế để cùng phát triển
Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 52 về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0". Các mục tiêu hướng tới của Nghị quyết này là tận dụng có hiệu quả các cơ hội do cuộc CMCN 4.0 đem lại để thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Tại Nghị quyết 52, Bộ Chính trị đã xác định chính sách hội nhập quốc tế là 1 trong 8 chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc CMCN 4.0. Việt Nam mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác về khoa học, công nghệ (KHCN) với các đối tác, đặc biệt là các nước đối tác chiến lược có trình độ KHCN tiên tiến, đang đi đầu trong cuộc CMCN 4.0; chủ động tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu; đẩy mạnh thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ nước ngoài và các đối tác quốc tế cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, chuyển giao công nghệ...
Nghị quyết chỉ rõ, cần tăng cường hội nhập quốc tế và thông tin, truyền thông tạo hiểu biết và nhận thức đúng về bản chất, đặc trưng, các cơ hội và thách thức của CMCN lần thứ 4 để có cách tiếp cận, giải pháp phù hợp, hiệu quả. Thông qua hợp tác quốc tế, các đơn vị trong nước chủ động nắm bắt cơ hội, đưa ra các giải pháp thiết thực tận dụng tối đa các lợi thế, đồng thời giảm thiểu những tác động tiêu cực của cuộc CMCN lần thứ 4 đối với Việt Nam,
Đồng thời, tại Nghị quyết 78 do Chính phủ ban hành ngày 22/5/2020 khẳng định về việc Việt Nam ký bản ghi nhớ với Diễn đàn Kinh tế thế giới về thành lập Trung tâm liên kết CMCN 4.0 (Centre for the Fourth Industrial Revolution - C4IR) tại Việt Nam.
Việt Nam là nước đầu tiên ký thỏa thuận với Diễn đàn Kinh tế thế giới về hợp tác xây dựng Trung tâm liên kết (Affiliate Center) về CMCN 4.0. Điều này, khẳng định các cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng tầm nhìn, định hướng và chính sách trong các ngành nghề và lĩnh vực kinh tế - xã hội để tận dụng lợi thế vượt trội mà cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư.
Theo Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ TT&TT, Dự án nghiên cứu hợp tác của Việt Nam với WEF sẽ thử nghiệm các khung chính sách, mô hình thực nghiệm và cách thức quản trị đối với công nghệ mới, các công cụ quản trị để giải quyết các thách thức cụ thể liên quan đến CMCN 4.0. Trung tâm có thể sử dụng nghiên cứu các nước để thí điểm ở Việt Nam cũng như quảng bá công nghệ của Việt Nam ra thế giới.
Học hỏi kinh nghiệm thế giới về chính sách và ứng dụng công nghệ
Cuộc CMCN 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và Trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Làn sóng công nghệ mới này đang diễn ra với tốc độ khác nhau tại các quốc gia trên thế giới, nhưng đang tạo ra tác động mạnh mẽ, ngày một gia tăng tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, dẫn đến việc thay đổi phương thức và lực lượng sản xuất của xã hội.
Việt Nam cần xây dựng và thí điểm các nguyên tắc, cách thức và khung pháp lý cho các công nghệ nhất định, để chính phủ và ngành công nghiệp thực thi là yếu tố quan trọng để khai thác các lợi ích của các công nghệ mới nổi. Những thể chế này đóng vai trò khuôn mẫu cho chính sách ở cấp độ quốc tế, khu vực, quốc gia hay miền.
Trung tâm và mạng lưới C4IR của WEF đang thể hiện vai trò lớn trong cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra trên thế giới với sự tham gia của nhiều tập đoàn đa quốc gia, các DN khởi nghiệp vừa và nhỏ và các quốc gia trên thế giới, trong đó có hầu hết các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, Bản, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Các Tiểu vương quốc Ả rập, Ả rập Xê-út…
Là thành viên của Mạng lưới 4IR Toàn cầu, Trung tâm liên kết CMCN lần thứ 4 Việt Nam sẽ được hưởng những lợi ích sau:
- Trau dồi những kiến thức chuyên môn để xây dựng Trung tâm liên kết CMCN lần thứ 4 của Việt Nam;
- Tiếp cận sớm, thông qua họp trực tuyến, các cách thức và khung chính sách được xây dựng và kiểm thử bởi cộng đồng chính sách công nghệ toàn cầu của các Trung tâm San Francisco hoặc thông qua sự lãnh đạo và khuyến nghị nổi lên từ những lĩnh vực trọng tâm chẳng hạn như cách làm việc trong tương lai và thực tiễn của quản trị thay đổi nhanh;
- Truy cập Mạng lưới 4IR Toàn cầu và chia sẻ tri thức với các trung tâm khác;
- Kết nối với mạng và con người các cơ quan công – tư 4IR của quốc gia và khu vực, tạo các cơ hội để học hỏi lẫn nhau;
- Cơ hội để phổ biến các nghiên cứu, đề xuất chính sách và kinh nghiệm của Trung tâm Việt Nam tới các Trung tâm khác qua Mạng lưới 4IR Toàn cầu;
- Tham gia vào Hội đồng 4IR Toàn cầu, tổ chức cao nhất của các lãnh đạo chính phủ, tập đoàn, xã hội và công nghệ là những người được giao nhiệm vụ quản lý các công nghệ sáu trong chín lĩnh vực nghiên cứu của Trung tâm San Francisco.
- Hướng dẫn từ Các lãnh đạo toàn cầu ở San Francisco qua các cuộc họp hằng quý để xây dựng các dự án của Trung tâm trong cùng lĩnh vực và phạm vi chính sách của Mạng lưới 4IR toàn cầu trong một lĩnh vực công nghệ nhất định;
- Mỗi năm sẽ có những chuyên gia của Diễn đàn kinh tế thế giới tham gia sự kiện do Trung tâm tổ chức. Các chủ đề thảo luận có thể về một công nghệ cụ thể, vấn đề nổi cộm, hoặc buổi làm việc liên quan đến Hội đồng 4IR Toàn cầu hoặc Trung tâm;
- Được định danh là một Trung tâm khi hợp tác với Diễn đàn kinh tế thế giới và một phần của Mạng lưới 4IR Toàn cầu.
Bên cạnh những lợi ích khi là thành viên của Mạng lưới 4IR Toàn cầu, Trung tâm liên kết CMCN 4.0 Việt Nam cũng phải có những nghĩa vụ quan trọng, tham gia sâu hơn trong việc định hình quỹ đạo của CMCN 4.0 toàn cầu thông qua việc:
- Đảm bảo cam kết từ Chính phủ (ở cấp quốc gia hay vùng) cho phép hội nhập với Trung tâm C4IR quốc gia khác và Trung tâm San Fracisco;
- Đóng vai trò là nền tảng thảo luận và hợp tác công – tư ở cấp độ quốc gia và vùng để khai thác ảnh hưởng của các công nghệ mới nổi để đem lại lợi ích cho xã hội;
- Chia sẽ những bài học của Trung tâm với Mạng lưới 4IR Toàn cầu;
- Cử đại diện biệt phái đến Trumg tâm San Francisco trong thời gian là thành viên của Mạng lưới 4IR Toàn cầu để đảm bảo sự kết nối và hợp tác giữa Trung tâm San Franciso và Trung tâm Việt Nam;
- Áp dụng những kinh nghiệm từ Mạng lưới 4IR Toàn cầu vào các chính sách của Trung tâm;
- Bảo đảm sự hợp tác đa bên trong việc xây dựng các chính sách quốc gia phù hợp với ít nhất 2 trong 9 lĩnh vực của Trung tâm San Francisco; và
- Thí điểm ở cấp độ quốc gia các phương thức và xây dựng các điển hình để chia sẻ với các quốc gia và Mạng lưới 4IR Toàn cầu.
Lãnh đạo Bộ TT&TT cho biết, lợi ích mà các DN công nghệ Việt Nam có được khi tham gia Trung tâm tâm liên kết CMCN 4.0 Việt Nam - WEF bao gồm: hoạt động theo mô hình franchise của WEF; Có cơ hội kết nối với các nhà phát triển, sáng tạo công nghệ và các chuyên gia trên thế giới; Sử dụng nghiên cứu ở các nước để thí điểm vào Việt Nam; Quảng bá công nghệ của Việt Nam ra thế giới.
Với sự phát triển bùng nổ của công nghệ, công nghệ sẽ thường phát triển nhanh hơn chính sách và hệ thống pháp luật. Những sản phẩm công nghệ bị rơi vào vùng cấm của chính sách thì sẽ không thể triển khai. Nhưng với chính sách sandbox, những công nghệ, sản phẩm đó có thể được thử nghiệm trong một phạm vi hẹp. Sau thử nghiệm, cơ quan quản lý nhà nước sẽ đánh giá và có thể xem xét cho triển khai trên diện rộng hay không.