Trường Chinh - nhà tư tưởng, lý luận, văn hóa và báo chí bậc thầy

Hà Đăng| 06/03/2017 08:35
Theo dõi ICTVietnam trên

Trường Chinh là một tên tuổi lớn của cách mạng Việt Nam thế kỷ XX.Sinh năm 1907, mất năm 1988. Tám mươi mốt năm tuổi đời, sáu mươi ba năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Đồng chí Trường Chinh với các đại biểu tỉnh Bến Tre và thành phố Hồ Chí Minh dự Đại hội VI của Đảng (tháng 12, năm 1986). Ảnh | TL

Đồng chí được Đảng và nhân dân ta vinh danh một cách xứng đáng: một nhân cách lớn, người cộng sản kiên cường mẫu mực, nhà lãnh đạo chính trị kiệt xuất, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Đồng chí còn được coi là ngọn cờ đầu về tư tưởng, lý luận, văn hóa và báo chí của Đảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, trong điếu văn đọc tại lễ truy điệu đồng chí Trường Chinh ngày 5-10-1988, đã nêu rõ: “Ở đồng chí, nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà lý luận, hoạt động văn hóa, nhà báo, nhà thơ đã quyện với nhau làm một. Đó là sự thể hiện một cách sinh động lương tâm, trí tuệ và tình cảm cách mạng cao đẹp của người chiến sĩ cộng sản, của nhà lãnh đạo cách mạng của Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin”.

Đúng như vậy.

Về tư tưởng, lý luận

Đồng chí Trường Chinh đã ghi đậm dấu ấn trong những sự kiện lịch sử khó quên.

Năm 1941, tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám, dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh, Trường Chinh đã cùng Bác Hồ đề xuất cương lĩnh cách mạng giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc.

Ngày 9-3-1945, đồng chí chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương mở rộng, ra Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” và chủ trương Tổng khởi nghĩa.

Trong kháng chiến chống Pháp, hai tác phẩm nổi tiếng Kháng chiến nhất định thắng lợi và Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam đọc tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951), không chỉ nêu lên quan điểm rất khoa học về cuộc chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ mà còn trình bày một cách biện chứng con đường phát triển của cách mạng Việt Nam, con đường giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên xã hội chủ nghĩa.

Sau này, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là ở thời kỳ đầu đổi mới, trong quá trình chuẩn bị Đại hội VI, với tư cách Tổng Bí thư, đồng chí đã mạnh mẽ tuyên bố: “Đối với nước ta, đổi mới là yêu cầu bức thiết, là vấn đề có tầm quan trọng sống còn”. Đồng chí chính là tác giả của quan điểm đánh giá tình hình: “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”. Và cũng là người chỉ đạo hoàn chỉnh 4 bài học về lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong đó, bài học thứ nhất là: Trong toàn bộ hoạt động của mình, Đảng phải quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”, xây dựng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động. Bài học thứ hai: Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan... Năng lực nhận thức và hành động theo quy luật là điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng.

Về văn hóa, văn học - nghệ thuật

Khi nói Trường Chinh là nhà văn hóa lớn, chúng ta không thể quên được tác phẩm Đề cương văn hóa Việt Nam mà đồng chí khởi thảo năm 1943, mở đầu cho cuộc vận động của Đảng xây dựng nền văn hóa mới theo ba phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng. Chúng ta cũng không thể quên Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam đọc tại Đại hội Văn hóa cứu quốc lần thứ hai tháng 7-1948. Báo cáo đặt cơ sở lý luận cho đường lối xây dựng nền văn hóa - văn nghệ cách mạng và giải quyết những vấn đề thực tiễn của văn hóa nước ta trong giai đoạn cách mạng dân tộc, dân chủ. Có thể nói đây là hai tác phẩm sáng giá nhất của văn hóa - văn nghệ nước ta thời bấy giờ.

Khó ai quên câu nói nổi tiếng hồi đó của đồng chí để khích lệ sự phê bình: “Không có phê bình, không có luận chiến, phong trào văn nghệ nước ta êm đềm, trầm mặc quá. Nó khác nào con ngựa đi bước một, rũ cổ xuống đất, thiếu một cái roi phê bình quất cho nó lồng lên”. Và: “Hiện thực xã hội chủ nghĩa không cấm người ta mơ ước. Văn nghệ không có mơ ước khác nào con chim không có cánh, cái thuyền không buồm”.

Đồng chí Trường Chinh vừa là bậc thầy vừa là chiến sĩ tiên phong trên mặt trận văn hóa - văn nghệ. Bản thân đồng chí là nhà thơ, bút danh Sóng Hồng. Thơ Sóng Hồng không nhiều. Toàn bộ thơ sưu tập được chỉ có 65 bài. Nhưng thơ Sóng Hồng bao quát nhiều xúc cảm tinh tế và chân thực, luôn mang khí phách của một cán bộ cách mạng, đậm chất trữ tình.

Ta bắt gặp một lời tuyên ngôn trong bài thơ Là thi sĩ:

Là thi sĩ nghĩa là cao khúc họa

Cuộc đấu tranh vĩ đại của hoàn cầu

Chống hung tàn xâm lược khắp năm châu

Trên trái đất dựng cao cờ dân chủ

Dùng bút làm đòn chuyển xoay chế độ

Mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền...

Ta cũng tìm thấy dào dạt chất trữ tình trong mấy vần thơ tự sự:

Nhớ buổi cùng nhau vui ước mơ,

Trăng tròn đang độ, nhụy đang tơ.

Yêu nhau ta hẹn cùng yêu nước,

Xao xuyến lòng anh bao ý thơ.

Về báo chí

Trường Chinh là một nhà báo bậc thầy. Là cây bút xuất sắc của cách mạng từ thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936 - 1939). Từ những năm 40 thế kỷ XX đến sau này, là người trực tiếp phụ trách công tác tư tưởng và văn hóa của Đảng, đồng thời chịu trách nhiệm trực tiếp những cơ quan ngôn luận của Đảng như các báo Cờ Giải phóng, Sự Thật, Nhân Dân, Tạp chí Tiên phong, Tạp chí Sinh hoạt nội bộ, Tạp chí Học tập (Tạp chí Cộng sản).

Giới báo chí nước ta coi đồng chí Trường Chinh như người Anh Cả.

Nhà văn, nhà báo Hà Xuân Trường, khi còn sống, kể lại: Giữa năm 1947, ông từ Hà Tĩnh được điều về cơ quan Trung ương, lúc đầu được phân công làm thư ký riêng cho Tổng Bí thư, sau chuyển hẳn sang Ban biên tập báo Sự Thật. Buổi đầu gặp gỡ, ông tỏ ra băn khoăn là mình chưa từng viết báo in. Để tạo niềm tin cho ông, đồng chí Trường Chinh cười và thân mật nói: Hãy bắt tay vào làm, vừa làm vừa học, cần có chí và tính đảng mọi việc sẽ tốt. Rồi đồng chí đưa cho ông bản đánh máy “Mười tám điều tự răn trong khi viết văn” mà đồng chí vừa thảo theo ba phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng của Đề cương Văn hóa Việt Nam. Tự răn những gì? Xin nêu vài điều thí dụ: Không dùng một chữ nước ngoài nếu không cần thiết. Không dùng điển tích nếu không có ích lợi gì. Không viết một câu sai ngữ pháp Việt Nam. Không dùng một chữ thừa, trừ trường hợp cố ý nhắc lại để nhấn mạnh. Không sợ dùng tiếng thường dùng của quần chúng. Không được viết dài dòng và dẫn sách vở một cách vô ích để lòe thiên hạ...

Trên báo Sự thật, Trường Chinh còn phát động “phong trào làm trong sáng lời và văn của chúng ta”.

Thế đấy. Bằng cách giúp đỡ và dìu dắt những người mới vào nghề từ những việc nhỏ nhất, đồng chí đã trực tiếp đào tạo nhiều nhà báo giỏi sau này.

Bản thân tôi, nhờ làm báo Nhân Dân mà may mắn được tiếp cận đồng chí Trường Chinh từ rất sớm, không bao lâu sau khi tập kết ra bắc. Vào cuối những năm 50 của thế kỷ trước, với những danh nghĩa khác nhau, đồng chí thường đi thăm và làm việc với nhiều địa phương và cơ sở, cả thành thị, nông thôn và miền núi, cả công nghiệp và nông nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang... Hầu như mọi chuyến đi đó đều có phóng viên báo Nhân Dân đi theo. Nếu là về nông nghiệp và nông thôn, thì tôi thường là người được chọn. Có những chuyến đi của đồng chí cho đến nay tôi vẫn còn nhớ. Thăm và chỉ đạo công tác sửa sai ở Phú Thọ và Vĩnh Phúc. Xem xét phong trào làm thủy lợi ở Hưng Yên. Khảo sát phong trào hợp tác hóa ở Thanh Hóa...

Qua công việc chung và những lúc chuyện trò riêng, mỗi chuyến đi với đồng chí Trường Chinh đều đem lại cho tôi một bài học quý. Về cách xem xét vấn đề. Về thái độ ứng xử. Về chủ đề và cấu trúc một bài báo. Về cách dùng lời văn, chữ nghĩa, sửa chữa bài.

Nhiều năm sau, năm 1986, là thành viên Tổ Biên tập Báo cáo chính trị tại Đại hội VI, tôi lại có dịp cùng các anh trong tổ tiếp nhận những ý kiến chỉ đạo sâu sắc của đồng chí để hoàn chỉnh bản báo cáo đó, cả về nội dung và hình thức.

Phong cách và nụ cười

Mới đây, có nhà báo hỏi tôi về cảm nhận cá nhân của mình đối với đồng chí Trường Chinh.

Tôi đáp: Dưới bóng một cây đại thụ, khó mà không cảm thấy mình bé nhỏ. Nhưng với đồng chí Trường Chinh, tôi không có cái cảm giác ấy. Đồng chí là con người trí tuệ uyên thâm, nói năng cân nhắc, từ tốn, lắng nghe người khác nói và nói lại với người nghe những điều cần nói một cách ôn tồn, không có gì áp đặt. Con người tưởng là nghiêm nghị ấy lại có cái cười rất hồn nhiên, cởi mở, chân tình. Cái cười có thể xóa tan mọi điều e ngại cho những ai lần đầu tiếp xúc. Cái cười làm dịu đi sự lo lắng của những người vừa bị phê bình do có khuyết điểm. Cái cười độ lượng, bao dung của một người anh, người bác. Cái cười để kéo mọi người lại gần mình chứ không phải để đẩy người ta ra xa.

29 năm đã qua kể từ ngày đồng chí ra đi, trong lòng tôi vẫn giữ mãi hình ảnh một anh Năm Trường Chinh hiền hòa, vẹn toàn đức độ.

Phải chăng đây cũng là lời kết của bài báo này?

Tháng 2-2017

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Trường Chinh - nhà tư tưởng, lý luận, văn hóa và báo chí bậc thầy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO