Ban lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ đủ sức đối phó với mọi thách thức trong tương lai
Mới đây, ngay sau khi Quốc hội Việt Nam bầu thành công các chức danh chủ chốt, hãng thông tấn Italy Agenziastampaitalia đã đăng bài viết của tác giả Andrea Fais đánh giá Ban lãnh đạo mới của Việt Nam đưa đất nước tái khởi động trong điều kiện thuận lợi.
Ban lãnh đạo mới của Việt Nam:Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Nguồn: TTXVN)
Theo bài viết, Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam bế mạc vào ngày 1/2 vừa qua, với việc ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp. Ngày 31/3, Quốc hội khóa XIV đã bầu ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội, với 98,54% tổng số đại biểu tán thành.
Sau đó, ngày 5/4, Quốc hội khóa XIV đã bầu ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, đại biểu Quốc hội khóa XIV, giữ chức vụ Chủ tịch nước, với 97,5% tổng số đại biểu tán thành; bầu ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội khóa XIV giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ, với 96,25% tổng số đại biểu tán thành.
Bài báo nhận định cùng với việc ông Nguyễn Phú Trọng được bầu là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam hồi tháng 2, việc Quốc hội Việt Nam bầu thành công các chức danh lãnh đạo chủ chốt gồm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ đã hình thành bộ máy lãnh đạo chủ chốt của Việt Nam trong 5 năm tới.
Các nhà phân tích cho rằng mặc dù có những khó khăn ban đầu do đại dịch COVID-19, song Ban lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ đủ sức đối phó với mọi thách thức trong tương lai.
Ngày 5/4, trang mạng của Viện Nghiên cứu Các vấn đề quốc tế S. Rajaratnam Singapore (RSIS) cũng đã đăng tải bài viết của tác giả Yang Razali Kassim đánh giá những ý nghĩa mà đội ngũ lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ mang lại cho sự phát triển của đất nước.
Bài viết khẳng định ý nghĩa quan trọng nhất là đội ngũ lãnh đạo mới của Việt Nam đánh dấu sự kết hợp giữa yếu tố kinh nghiệm và sự mới mẻ. Đây là công thức phù hợp và cần thiết để dẫn dắt Việt Nam theo mục tiêu phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa.
Theo bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục giám sát việc đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và cuộc chiến chống tham nhũng vốn đã thu được những thành công đáng kể. Trong khi đó, tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tận dụng kinh nghiệm của mình đã có trên cương vị Thủ tướng để mở rộng và tăng cường quan hệ của Việt Nam với các nước.
Cũng theo bài viết, tính cách quyết đoán của ông Phạm Minh Chính là yếu tố cần thiết để trở thành người lãnh đạo cao nhất của Chính phủ, giúp thực hiện mục tiêu quan trọng hàng đầu của đội ngũ lãnh đạo mới của Việt Nam là chỉ đạo và điều hành đất nước hướng tới mục tiêu kép: đẩy lùi và ngăn chặn đại dịch COVID-19 trong khi tiếp tục duy trì và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Nhiều kỳ vọng tốt đẹp đối với Chính phủ mới của Việt Nam
Cùng ngày, báo điện tử Events Magazine News (Ai Cập) đã có bài viết với tiêu đề "Nhiều kỳ vọng tốt đẹp đối với Chính phủ mới của Việt Nam", trong đó đánh giá tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và tân Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được Quốc hội Việt Nam bầu với tỷ lệ tán thành cao.
Theo nhà báo Ahmeh Hassan, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã để lại dấu ấn lớn trên cương vị Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020, trong đó Chính phủ Việt Nam đã lãnh đạo đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt trong năm 2020 được coi là năm đặc biệt thành công của Việt Nam, thể hiện tinh thần vươn trên trong khó khăn thử thách.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi nhanh chóng và phát triển kinh tế - xã hội, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Năm 2020, Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,91%, là nước duy nhất có tăng trưởng dương trong 6 nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á. Quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt trên 340 tỷ USD, lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới.
Đặc biệt, bộ máy Chính phủ đã thực hiện tốt vai trò Chính phủ kiến tạo, nỗ lực xóa bỏ nhiều thủ tục hành chính rườm rà, tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi để tập trung, chuyển hóa nguồn lực từ tất cả các thành phần kinh tế vào phát triển kinh tế - xã hội.
Cũng theo tờ báo này, trước khi được Quốc hội Việt Nam bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ, ông Phạm Minh Chính từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng...Ở các vị trí đã đảm nhiệm, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn thể hiện là người dám nghĩ, dám làm, đổi mới, quyết liệt hành động và để lại nhiều dấu ấn lãnh đạo tích cực.
Nhà báo Hassan dẫn nhận định của các chuyên gia quốc tế về Việt Nam cho rằng tân Thủ tướng Phạm Minh Chính có những thế mạnh quan trọng để trở một Thủ tướng xuất sắc, sẽ lãnh đạo Chính phủ Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành những mục tiêu chiến lược trong giai đoạn 5 năm tới. Tiếp đó, Chính phủ mới ở Việt Nam được thừa hưởng một di sản quý báu mà Chính phủ tiền nhiệm để lại, không chỉ về tầm nhìn chiến lược, nề nếp điều hành mà cả ở uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ngoài ra, đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Việt Nam luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, sát cánh trong nỗ lực thực hiện những cải cách đột phá, xây dựng nền tảng để tạo nên những bước tiến thần kỳ cho công cuộc phát triển đất nước trong các thập kỷ tới.
Trong khi đó, tờ báo tài chính Mỹ Bloomberg đưa tin ông Nguyễn Xuân Phúc đã được bầu làm Chủ tịch nước. Bloomberg cho biết, trong nhiệm kỳ Thủ tướng của ông Nguyễn Xuân Phúc, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng nhanh, đạt 7,08% năm 2018, với đầu tư nước ngoài đạt mức cao nhất khoảng 30 tỷ USD, tăng 44%, năm 2017. Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế khen ngợi vì thành tích trong kiềm chế đại dịch COVID-19.
Bloomberg cũng đã dẫn phát biểu nhậm chức của tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong đó nhấn mạnh cam kết sẽ "tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế", "đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng", "phát triển kinh tế số dựa trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ", "tập trung tháo gỡ khó khăn cho các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân".
Còn Tạp chí Nikkei của Nhật Bản dẫn phân tích của giới chuyên gia cho rằng, ông Phạm Minh Chính trở thành Thủ tướng "phù hợp với việc Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh chống tham nhũng, một sáng kiến chủ chốt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong hai nhiệm kỳ qua".
Ngoài ra, Nikkei đánh giá tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là "người có công lao duy trì nền kinh tế phát triển ổn định bất chấp đại dịch" khi làm Thủ tướng. "Trên cương vị Chủ tịch nước, ông Nguyễn Xuân Phúc sẽ là nhà ngoại giao hàng đầu đất nước", Nikkei đánh giá.
Theo đó, hãng tin Nhật Bản cũng nhận định, ưu tiên của ban lãnh đạo mới là tiếp tục nỗ lực duy trì sự tăng trưởng kinh tế - điều hiếm thấy trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hiện nay.