Truyền thông xã hội và cách ứng xử của nhà báo trẻ

Lê Quốc Minh| 07/06/2016 10:52
Theo dõi ICTVietnam trên

Một phương tiện truyền thông không có lỗi nếu chúng ta biết sử dụng nó một cách phù hợp và vì những mục đích nhân văn. Nhưng báo chí – bao gồm cả tòa soạn và cá nhân các nhà báo – có thêm một yếu tố là trách nhiệm xã hội.

Ảnh mang tính minh họa (nguồn: Internet)

Không ít lần trên các trang mạng xã hội, tôi đọc được những dòng status của các nhà báo trẻ. Bên cạnh những dòng tâm sự về nghề nghiệp, những thắc mắc, trao đổi về chủ đề báo chí thì cũng có khá nhiều nội dung gây tranh cãi. Chẳng hạn có phóng viên phàn nàn về việc bị biên tập viên sửa bài không đúng ý, và sau đó đăng nguyên xi bài viết gốc để chứng minh quan điểm của riêng mình. Có người đi phỏng vấn nhân vật và viết một bài theo yêu cầu của tòa soạn nhưng chê bai kể xấu nhân vật không tiếc lời. Cũng có phóng viên nhờ điều kiện làm việc nên có cơ hội tiếp cận các quan chức cấp cao, và mang ra khoe trên mạng xã hội những điều về các quan chức mà họ nói rằng “không thể kể trong bài báo.”

Nguy hiểm hơn là việc một số tòa soạn, nhà báo coi mạng xã hội như một nguồn thông tin để họ khai thác. Có trang báo điện tử lập ra hẳn một chuyên mục dành riêng đăng tải những nội dung lấy từ mạng xã hội và các diễn đàn, chẳng hạn như hình ảnh của các ca sĩ, người mẫu, diễn viên, bất kể những người đó có đồng ý hay không. Có trường hợp một người nổi tiếng do bực bội về một tờ báo đưa tin sai đã viết quan điểm của mình lên Facebook, vậy là có hàng loạt trang điện tử đăng lại status đó và không quên lồng những ý kiến chỉ trích chê bai, thậm chí “dạy” cô kia rằng: Là người nổi tiếng thì phải biết nói năng phù hợp nơi công cộng. Thực tế, logic của mạng xã hội là mỗi người có một cái tường (wall) riêng để nêu quan điểm cá nhân của mình, chia sẻ với những người bạn của mình hoặc với công chúng. Gần đây, có một người đẹp đăng câu chuyện về lá đơn ly hôn thú vị trên mạng xã hội, ngay lập tức nhiều báo khẳng định rằng đó chính là lá đơn của người chồng cô ngoài đời thực.

Thuật ngữ trên thế giới gọi mạng xã hội là “social media” – truyền thông xã hội – nghĩa là thừa nhận khả năng “truyền thông” của các mạng xã hội này. Điều đó phù hợp với sự phát triển về mặt công nghệ, cũng như nhu cầu chia sẻ thông tin của mọi người khi điều kiện công nghệ cho phép. Trước đây, quyền đăng tải thông tin thuộc về một nhóm người nắm trong tay công cụ là các tờ báo, tạp chí, các đài truyền hình, phát thanh… nhưng bây giờ bất kỳ ai cũng có thể trở thành nhà báo nếu họ có được thông tin vì công cụ và nền tảng đã sẵn có, lại hoàn toàn miễn phí. Thêm vào đó, có một xu hướng từ lâu là độc giả thích tìm đến những thông tin “thô” chưa được biên tập, gọt giũa, họ có nhu cầu tự tìm hiểu và đánh giá chứ không cần thông qua lăng kính của phóng viên hay tòa soạn.

Đương nhiên, báo chí có những thế mạnh của mình, song những thế mạnh đó không còn mang tính tuyệt đối trong thế giới phẳng và trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển cực kỳ mạnh mẽ như hiện nay. Trong rất nhiều trường hợp, ví dụ như vụ tấn công Osama bin Laden, chúng ta đã thấy rằng thông tin trên mạng xã hội còn có trước cả thông tin chính thống.

Với báo chí trong nước, có một thực tế đáng buồn là không ít tờ báo có số phát hành chỉ khoảng hơn 10.000 bản, thậm chí có báo chỉ vài ngàn bản mỗi ngày. Trong khi đó, có những người nổi tiếng trên mạng có tới hàng ngàn người kết bạn (add friend) và hàng chục ngàn người đăng ký theo dõi thông tin của họ (subscribe). Một thông tin họ phát lên mạng xã hội thu hút một số lượng lớn quan tâm, thậm chí bình luận. Có thể nói không quá rằng những người này cũng tạo ra ảnh hưởng nhất định.

Ngay các cơ quan báo chí cũng nhìn thấy tầm quan trọng của mạng xã hội và cũng dựa vào mạng xã hội để lan tỏa thông tin. Một trong những “key word” quan trọng của báo chí hiện đại là “truyền thông xã hội” và tuy chưa ai dám nói rằng nó có thể lấn át báo chí nhưng hầu như tất cả các nhà nghiên cứu đều phải thừa nhận rằng nó đã trở thành một phần không thể tách rời của báo chí. Các nhà báo giờ đây sử dụng mạng xã hội để tác nghiệp, thu thập thông tin, và cũng dùng mạng xã hội để lan tỏa các bài viết của mình. Các tòa soạn cũng lập fanpage trên Facebook, Google hoặc các tài khoản Twitter, Pinterest hay nhiều mạng xã hội khác. Mạng xã hội trở thành công cụ làm thương hiệu cho báo chí và duy trì một lượng độc giả trung thành.

Có người đã đặt câu hỏi rằng: Vậy mạng xã hội có tốt không, và liệu nó có giết chết báo chí hay không? Có nhiều thực tế không cho phép chúng ta phán xét tốt hay không tốt vì dù có muốn hay không thì nó vẫn xảy ra, thậm chí phát triển với tốc độ nhanh chóng. Truyền thông xã hội cũng thế. Và báo chí giờ đây cần phải tìm hiểu cách thức để tận dụng nó, khai thác những thế mạnh của nó, thậm chí biến nó thành công cụ cho chính mình, chứ không phải là lo sợ và tìm cách ngăn chặn.

Chính các mạng xã hội cũng có chiến lược hợp tác với báo chí chứ họ không tự coi mình là thách thức hay mối đe dọa với báo chỉ, bởi xét cho cùng, họ vẫn cần những nội dung được xây dựng chuyên nghiệp và cần những tên tuổi uy tín. Mạng xã hội không chỉ muốn có những nội dung do người dùng tự khởi tạo mà tỷ lệ khá cao là những nội dung mang tính cá nhân, chưa được kiểm chứng.

Chẳng hạn Facebook đã hợp tác với hơn 30 tờ báo của Mỹ và Anh hồi đầu năm 2012 để ra các ứng dụng tin tức trên Facebook. Google cũng có chiến lược với các nhà sản xuất nội dung gốc. Twitter thì đương nhiên là mạng xã hội mà giới phóng viên ở nước ngoài rất quan tâm vì họ có thể tận dụng nó để theo dõi tin tức rất hiệu quả. Như vậy, xét về góc độ tích cực, mạng xã hội cũng mang lại nhiều lợi ích cho báo chí.

Tuy nhiên, xét ở góc độ phát triển công nghệ với tốc độ chóng mặt hiện nay, không có gì là bất biến. Chưa thể biết sau một thời gian nữa mạng xã hội sẽ phát triển đến mức độ nào. Bởi vậy, nếu báo chí không tự thay đổi, tìm ra những hướng đi mới để phù hợp với môi trường, không biết cách duy trì lợi thế của mình mà lại chạy theo xu hướng của mạng xã hội là thông tin chưa cần qua kiểm chứng đã đăng tải, thì rất có thể sẽ bị thua kém sau này. Cần lưu ý rằng có một lực lượng “nhà báo công dân” vốn xuất thân từ nhà báo chuyên nghiệp, hoặc có thái độ làm việc chuyên nghiệp, khi họ trở nên đông đảo, lại biết tận dụng sức mạnh của truyền thông xã hội thì sẽ tạo ảnh hưởng vô cùng lớn.

Với các cá nhân trên mạng xã hội thì khác, có người ý thức được những điều mình viết, có người không hiểu rõ, và có những người không quan tâm, bởi họ cho rằng họ đang nói lên sự thực. Đương nhiên, không thể mang những tiêu chuẩn của báo chí ra để áp đặt cho các cá nhân đó. Lúc này, báo chí sẽ trở thành nơi cung cấp thông tin có kiểm chứng cho độc giả, và phải cung cấp thật nhanh chóng – một nhiệm vụ vô cùng khó khăn trong thời đại công nghệ hiện nay. Nếu không làm được điều đó thì chúng ta tự làm mất vai trò của báo chí, của chính mình.

Hiện tại, có một tình trạng là báo chí thậm chí góp phần lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng lấy từ mạng xã hội. Những tờ báo đi theo cách làm này rõ ràng đã bỏ mất sở trường của mình thì làm sao cạnh tranh được với mạng xã hội. Nếu nói “lệch chuẩn” thì chính là lệch chuẩn trong tư duy của những người làm báo chuyên nghiệp khi không phân biệt rõ mình đang đứng trong môi trường nào, và thay vì tìm cách tận dụng mạng xã hội cho hoạt động nghề nghiệp chuyên nghiệp của mình thì lại bị cuốn theo cách làm việc theo kiểu mạng xã hội với sự tham gia của rất nhiều đối tượng khác nhau.

Các tờ báo lớn ở nước ngoài đều có quy định về việc sử dụng mạng xã hội đối với phóng viên, biên tập viên. Mỗi phóng viên khi sử dụng mạng xã hội phải xác định rõ việc họ đang đăng tải một status với tư cách cá nhân hay vì công việc. Những phóng viên nổi tiếng ở nước ngoài cũng có một số lượng lớn người theo dõi (subscribers) nên một dòng chữ họ viết ra cũng có thể có tác động vô cùng to lớn. Do các báo lớn đều có chiến lược tích hợp truyền thông xã hội nên việc sử dụng Facebook, Twitter, Tumblr, Google , Pinterest hay nhiều mạng khác để hỗ trợ tác nghiệp gần như đã trở thành công việc hàng ngày. Tuy nhiên, mọi thông tin đều phải được thẩm định về sự chính xác và đảm bảo không vi phạm bản quyền, không xâm phạm đời tư thì mới được đưa lên mặt báo. Và bắt buộc phải có những hạn chế về phát ngôn trên mạng xã hội đối với phóng viên, biên tập viên vì ranh giới giữa sử dụng vì mục đích cá nhân và mục đích công việc là rất mong manh. Khi phóng viên làm việc cho một tờ báo, nhận lương của tờ báo đó thì bài viết chính là tài sản chung của cả phóng viên và tòa soạn, và phiên bản được xuất bản trên báo mới là sản phẩm chính thức và duy nhất. Phóng viên, biên tập viên không được phép công bố những nội dung làm hiểu sai quan điểm của tờ báo.

Một phương tiện truyền thông không có lỗi nếu chúng ta biết sử dụng nó một cách phù hợp và vì những mục đích nhân văn. Nhưng báo chí – bao gồm cả tòa soạn và cá nhân các nhà báo – có thêm một yếu tố là trách nhiệm xã hội. Khi một tòa soạn quyết định đăng một nội dung nào đó, họ phải đưa ra một quyết định dựa trên trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Thực tế và kinh nghiệm cho thấy không phải sự thực nào cũng biến thành tin tức. Vì thế, các nhà báo trẻ, hãy suy nghĩ ít nhất 2 lần trước khi đăng một status lên mạng xã hội. Bởi chúng ta không phải là những người sử dụng mạng xã hội thông thường, dù trong hoàn cảnh nào chúng ta vẫn đang gánh trên vai một trách nhiệm nào đó với xã hội, dù là nhỏ nhoi./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông xã hội và cách ứng xử của nhà báo trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO