TS. BS Đào Thị Yến Phi: Hiểu biết để làm đúng những gì cần làm trước tình hình phức tạp của bệnh dịch COVID-19

.| 10/03/2020 14:55
Theo dõi ICTVietnam trên

"Việc ứng dụng những hiểu biết để tìm ra cách ứng xử thích hợp nhất trong khả năng có thể là điều khôn ngoan nhất nên làm để được an toàn", BS Phi chia sẻ trước tình hình phức tạp của dịch COVID-19.

Thông tin mới đây được đăng tải trên trang Lá chắn virus corona. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, TS. BS Đào Thị Yến Phi, Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng, Đại học Y dược Phạm Ngọc Thạch (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Trong một tai hoạ, sự hoảng loạn và thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến các hành động sai, có khi không thể sửa chữa được. Việc ứng dụng những hiểu biết để tìm ra cách ứng xử thích hợp nhất trong khả năng có thể là điều khôn ngoan nhất nên làm để được an toàn". Thông tin mới đây được đăng tải trên trang Lá chắn Virus Corona. Ông bà ta có câu "Biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng".

Không phải vô cớ mà suốt thời gian qua, hàng ngàn nhà khoa học trên thế giới hối hả ngày đêm đi tìm mọi điều có thể tìm được về virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-2019. Những hiểu biết về loại virus này càng nhiều, việc đối phó với nó sẽ càng tốt hơn. Vậy chúng ta ứng dụng những hiểu biết về virus và dịch như thế nào để tự bảo vệ mình và cùng nhau chống dịch?

1. Virus lây lan qua giọt bắn, tiếp xúc, khí dung. Chúng ta đối phó bằng cách đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc gần, rửa tay, làm vệ sinh bể mặt, phun thuốc khử trùng, hạn chế thủ thuật khí dung, mặc đồ bảo hộ… Cái này nói từ đầu rồi, coi như là chuyện cũ.

2. Virus có khả năng lây lan từ người sang người. Chúng ta đối phó bằng việc dẹp bỏ lễ hội, hạn chế đám đông, cách ly vùng dịch, cách ly người nghi ngờ bệnh, cách ly người bệnh… Cái này cũng làm rồi. Cho đến giờ, hiệu quả đạt được cũng nhờ làm triệt để những chuyện này.

 3. Virus lây lan rất nhanh, gây bệnh rất nhiều, nhưng tỉ lệ tử vong không cao, kiểu giống như bệnh cúm, tức là hệ miễn dịch thật tốt có thể giúp phòng bệnh, và lỡ có bệnh cũng sẽ phòng được biến chứng nặng. Giống như cúm, bệnh sẽ khỏi sau 1-2 tuần nếu người bệnh không có các bệnh nền, khoẻ mạnh và hệ miễn dịch tốt. Vậy thì tìm cách gia tăng miễn dịch lên! Cái này cũng đã viết rồi, làm rồi.

4. Hàn Quốc, Nhật, Singapore... đang trở thành các ổ dịch mới, thậm chí Hàn Quốc vừa nâng cảnh báo dịch lên mức độ cao (tương đương mức cảnh báo mà Việt Nam áp dụng từ 1/2/2020).

Tổng số ca mắc toàn thế giới đang tăng nhanh, ngày càng gần con số sẽ làm WHO phải công bố đại dịch toàn thế giới: Cái này mới xảy ra, tức là tình hình quanh ta đến hôm nay đã có sự thay đổi theo chiều hướng xấu đi, nên giờ cần phải có thêm phương án bảo vệ mình. Nếu có thể ngăn chặn toàn bộ giao thương thì ngăn, nhưng khả năng này chắc là sẽ khó khăn. Không lẽ ngăn hết luôn từ Ý tới Iran? Vì vậy, nếu có sự gia tăng số ca mắc tại Việt Nam trong thời gian tới đến mức đáng sợ như Hàn hay Nhật, tức là dịch xảy ra với mức độ cao nhất, cần thực hiện một số điều như sau:

- Không được hoảng loạn vô nghĩa: Sự hoảng loạn sẽ làm mọi người rần rần kéo vô bệnh viện (là ổ dịch lớn nhất và lây lan kinh khủng nhất khi dịch lớn xảy ra), sẽ làm quá tải hệ thống y tế (là chỗ dựa cuối cùng cho những người bệnh nặng có nguy cơ chết), sẽ làm hao tổn nguồn lực cho những việc vô ích (như đi bắt bọn làm khẩu trang giả, nước rửa tay giả…).

Số chết cao trong một ổ dịch đầy hoảng loạn không hoàn toàn chỉ là do virus đâu, mà còn do quá tải, do kiệt sức, do nhiễm trùng chéo, do nhiễm trùng bệnh viện, do stress làm giảm miễn dịch, do bệnh nền bộc phát, do thiếu ăn mất ngủ,… Nếu có dịch lớn bùng phát, cần phải nhường nguồn lực y tế cho người cần đến nó nhất, và phải giữ cho nhân viên y tế sống sót để họ còn làm việc.

- Tiếp tục thực hiện mấy quy tắc cũ từ 1-3 như đã nêu ở phía trên nếu chưa có biểu hiện bệnh.

- Lỡ có biểu hiện bệnh: Bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể những gì cần làm vào thời điểm cần thiết. Đó là những việc cần làm để bảo vệ mình khi dịch tăng lên mức cao, nhưng chưa cần làm hôm nay. Nếu hướng dẫn bây giờ lỡ có ai đó hoảng loạn áp dụng đại thì có hại nhiều hơn có lợi, không chỉ cho người đó mà còn cho cả cộng đồng. Mong là sẽ không bao giờ phải viết tiếp phần này. Sẽ không có ai thoát khỏi ảnh hưởng của đại dịch nếu nó bộc phát đâu.

Cách duy nhất để cùng thoát là cùng chung sức nhau mà chống dịch một cách bài bản, phối hợp nhịp nhàng, bình tĩnh và hiệu quả. Mỗi người đều có vai trò của mình trong hệ thống chung, ai làm việc nấy và chỉ nên làm việc mình làm giỏi nhất.

Những khuyến cáo nên tin trong thời gian này có lẽ nên là của các bác sĩ có uy tín, các thông tin có bằng chứng và cơ sở khoa học. Trong một tai hoạ, sự hoảng loạn và thiếu hiểu biết sẽ dẫn đến các hành động sai, có khi không thể sửa chữa được. So với những trận dịch đã xảy ra cho nhân loại từ những ngày xa xưa mông muội, giờ chúng ta đã hiểu biết nhiều hơn một chút về mối nguy cơ. Việc ứng dụng những hiểu biết đó để tìm ra cách ứng xử thích hợp nhất trong khả năng có thể là điều khôn ngoan nhất nên làm để được an toàn.

 Nguồn: Lá chắn Virus Corona

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
TS. BS Đào Thị Yến Phi: Hiểu biết để làm đúng những gì cần làm trước tình hình phức tạp của bệnh dịch COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO