Từ Apple đến Samsung, thuế quan của Trump buộc chuỗi cung ứng phải thích ứng nhanh chóng
Cuộc chiến thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi xướng đang định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy các công ty chuyển hướng xuất khẩu, sản xuất và tìm kiếm các nhà cung cấp mới nhằm cố gắng giảm thiểu chi phí khi các mức thuế quan mới có hiệu lực từ 0h ngày 9/4 (theo giờ Mỹ).

Cuộc chiến thương mại và tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu
Thuế quan và mối đe dọa về thuế quan sẽ là một trong những công cụ của chính sách đối ngoại Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump hiện nay. Đồng thời, chính sách thuế quan của Washington đang nhắm tới nhiều quốc gia, bất kể là đối thủ hay đồng minh.
Kể từ khi ông Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024, các thương hiệu điện tử lớn nhất thế giới đã yêu cầu các nhà cung cấp của họ ở châu Á tăng cường sản xuất và vận chuyển điện thoại thông minh, máy tính xách tay và máy chủ đến Mỹ.
Những nỗ lực này nhằm tránh các mức thuế có thể được áp dụng khi ông Trump chính thức nhậm chức. Tuy nhiên, tất cả được đẩy lên cao trào hơn vào tuần trước khi Tổng thống Donald Trump công bố chính sách thuế đối ứng của Mỹ, áp thuế từ 11% đến 50% với hàng chục đối tác thương mại.
Theo đó, hai gã khổng lồ điện thoại thông minh toàn cầu Samsung Electronics và Apple phải đối mặt với mức thuế quan toàn diện từ 40 - 50% theo mức thuế quan "có đi có lại" của Tổng thống Mỹ Donald Trump bởi mức thuế mới tác động đến tất cả các quốc gia tham gia vào chuỗi cung ứng của hai công ty.
Hiện tại, Samsung sản xuất hơn 100 triệu điện thoại thông minh hàng năm, chiếm hơn 50% tổng sản lượng, tại các nhà máy của mình ở Bắc Ninh và Thái Nguyên, Việt Nam, chịu mức thuế quan 43% theo các biện pháp của Trump. Khoảng 30% điện thoại thông minh của Samsung được sản xuất tại Ấn Độ, nơi phải đối mặt với mức thuế quan 26%, trong khi phần còn lại được sản xuất tại Brazil, Indonesia và Gumi, Hàn Quốc. Mức thuế quan "có đi có lại" của Trump là 10% đối với Brazil, 32% đối với Indonesia và 25% đối với Hàn Quốc.
Trong khi đó, gần 90% iPhone được làm ra tại Trung Quốc, nơi đối diện với tổng mức thuế 54%. Ông Trump dọa đánh thuế thêm 50% nếu Trung Quốc không rút lại thuế trả đũa.
Các công ty chỉ có vài ngày để phản ứng. Apple, Dell, Microsoft và Lenovo đã liên tục yêu cầu các nhà cung cấp vận chuyển càng nhiều thiết bị cao cấp đến Mỹ càng tốt, tập trung vào các sản phẩm trị giá trên 3.000 USD, đặc biệt là máy tính.
"Chúng tôi nhận được cuộc gọi từ khách hàng yêu cầu sản xuất càng nhiều thiết bị điện tử tiêu dùng càng tốt, sau đó vận chuyển càng nhiều thiết bị bằng đường hàng không càng tốt”, một giám đốc điều hành tại một nhà cung cấp cho Apple, Microsoft và Google cho biết.
“Tất cả các thủ tục thông quan phải được hoàn thành trước nửa đêm ngày 8/4 theo giờ Mỹ, vì vậy, chúng tôi đã nhận được nhiều yêu cầu khẩn cấp về các chuyến bay từ châu Á”, người quản lý cho Nikkei Asia biết.
Samsung cũng đã thông báo với một số nhà cung cấp sẽ giảm đơn đặt hàng linh kiện điện thoại thông minh trong quý II và quý III năm 2025. Phía Nintendo vẫn đang chờ đợi và xem xét, đồng thời hoãn việc đặt trước tại Mỹ cho dòng máy trò chơi điện tử Switch 2.
Lenovo của Trung Quốc, nhà sản xuất PC lớn nhất thế giới, đã chỉ đạo tập trung nhiều hơn vào thị trường trong nước cũng như thị trường châu Âu nếu Mỹ tiếp tục áp thuế. Theo số liệu từ Canalys, Lenovo hiện là hãng máy tính lớn thứ ba tại Mỹ, chiếm khoảng 17% thị phần, sau HP và Dell.
Acer, nhà sản xuất máy tính lớn thứ 6 thế giới, tuyên bố sẽ ưu tiên các thị trường mới nổi là châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu. Trong khi đó, Asustek Computer, công ty lớn thứ năm, cho biết sẽ không thực hiện bất kỳ thay đổi đột ngột nào đối với chiến lược sản xuất của mình sau nhiều năm chuyển một số hoạt động sản xuất sang Việt Nam và Thái Lan.

Một lãnh đạo tại công ty cung cấp linh kiện cho Apple, Google và Microsoft cho biết khoảng 75% - 80% thị trường điện tử tiêu dùng nằm ngoài nước Mỹ, do đó các doanh nghiệp hoàn toàn có thể chuyển hướng sang những thị trường này.
“Ngay cả với các công ty Mỹ như Apple, thị trường Mỹ cũng không phải là tất cả. Chuỗi cung ứng công nghệ đã mở rộng sang Ấn Độ, Đông Nam Á và Mexico từ nhiều năm nay. Những nỗ lực đó vẫn sẽ phát huy hiệu quả ở các thị trường khác ngoài Mỹ”, người này cho biết.
Jack Zhang, Phó Giáo sư ngành khoa học chính trị tại Đại học Kansas, cũng đồng tình. Ông cho rằng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc giờ đã trở thành một cuộc chiến toàn cầu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chuỗi cung ứng ở Đông Nam Á hay Ấn Độ sẽ bị bỏ ngỏ trong thời gian tới.
Chính sách thuế quan Trump: Apple, Samsung được cho là sẽ tăng cường sản xuất tại Ấn Độ
Apple và Samsung được cho là đang cân nhắc chuyển một phần lớn sản lượng toàn cầu của họ sang Ấn Độ nhằm đối phó với mức thuế nhập khẩu cao hơn do Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố. Với việc Mỹ hiện đang áp dụng mức thuế 54% đối với các sản phẩm của Trung Quốc, 46% đối với hàng hóa Việt Nam và 26% đối với hàng xuất khẩu của Ấn Độ, Ấn Độ đang nổi lên như một trung tâm sản xuất hấp dẫn đối với các hãng điện tử.
Trước khi thuế quan được công bố, Apple đã đẩy mạnh dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Công ty đang trên đà sản xuất khoảng 25 triệu chiếc iPhone tại Ấn Độ trong năm nay. Apple đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Ấn Độ vào năm 2023 và dự kiến mở thêm bốn cửa hàng nữa trong năm nay tại thành phố Bengaluru, Pune, Delhi và Mumbai. Tính đến cuối năm tài chính 2023, Apple đã có 14 nhà cung cấp tại Ấn Độ, một nửa trong số đó đặt tại bang Tamil Nadu, miền Nam Ấn Độ.
"Các nhà máy của Ấn Độ sẽ ngày càng được sử dụng để chỉ vận chuyển đến Mỹ. Nhu cầu ở các thị trường khác như châu Âu, châu Mỹ Latinh và thậm chí châu Á hiện sẽ được đáp ứng từ các nhà máy ở Trung Quốc. Đây sẽ là bước tiến đáng kể cho hoạt động sản xuất iPhone tại Ấn Độ và có thể dẫn đến sự mở rộng lớn ở quốc gia này", một quan chức cấp cao trong ngành nói với The Times of India.
Hiện tại, iPhone tại Ấn Độ được lắp ráp bởi Foxconn và Tata. Tata đã mở rộng dấu ấn của mình trong lĩnh vực sản xuất đồ điện tử và đã tiếp quản các hoạt động trước đây do Wistron và Pegatron điều hành. Trong khi Apple cũng đang đánh giá các quốc gia khác như UAE, Ả Rập Xê Út và Brazil - nơi thuế quan tương đối thấp ở mức 10% - Ấn Độ dường như là ứng cử viên hàng đầu cho việc mở rộng.
Báo cáo của The Economic Times ước tính việc Apple chuyển dịch sản xuất có khả năng tạo ra 600.000 việc làm mới cho Ấn Độ vào thời điểm cuối năm nay.
Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra các chính sách ưu đãi, trong khi các bang như Tamil Nadu, Karnataka và Gujarat cũng đang cạnh tranh để thu hút các nhà máy của Apple bằng cách hỗ trợ vốn và miễn thuế điện.Samsung, với hơn 50% sản lượng điện thoại trên toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam, cũng được cho là bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mới của Mỹ. Theo đó, Samsung sẽ có hưởng lợi hơn khi xuất khẩu sản phẩm từ Ấn Độ với mức thuế 26% so với xuất khẩu từ Việt Nam. Mặc dù đây sẽ là biện pháp tạm thời cho đến khi chính phủ Việt Nam đàm phán với Mỹ, nhưng điều đó cho thấy tầm quan trọng của chính sách “sản xuất tại Ấn Độ” .
Samsung đã sản xuất các mẫu điện thoại chính như Galaxy S25 và Fold tại nhà máy Noida, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ và hiện công ty có thể đẩy nhanh xuất khẩu sản phẩm từ Ấn Độ sang Mỹ trong ngắn hạn./.