Tư liệu lịch sử quý giá cho thời đại đạt giải B Giải thưởng sách quốc gia 2022

PV| 06/10/2022 10:59
Theo dõi ICTVietnam trên

Lịch Hai mươi mốt thế kỷ (0001-2100)" của tác giả nhà nghiên cứu Lê Thành Lân vừa được Hội đồng Giải thưởng sách quốc gia 2022 trao giải B. Đây là một tư liệu lịch sử quý giá cho thời đại.

Cuốn sách được thai nghén trước những nhu cầu cấp thiết của lịch sử nước nhà

Cuốn sách được ra đời trong bối cảnh bước sang thế kỷ XXI, trước nhu cầu xây dựng bộ Quốc sử Việt Nam đã trở nên hết sức cấp thiết, năm 2012 Ban Chấp hành Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã chính thức kiến nghị được tổ chức nghiên cứu biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam nhiều tập mang tính chất của một bộ lịch sử quốc gia.

Trong quá trình thực hiện, các nhà sử học soạn bộ Quốc sử đồ sộ, nhưng họ thiếu các sách để tra cứu về thời gian làm chỗ dựa chuẩn xác cho việc biên soạn lịch sử hàng ngàn năm của nước ta. Việc biên soạn và xuất bản bộ Quốc sử Việt Nam, rất cần sách để tra cứu về các mốc thời gian làm chỗ dựa chuẩn xác cho công tác biên soạn.

Lịch sử dẫn chúng ta trở về quá khứ, nhưng trong các cuốn cổ sử của người xưa, thường nặng về phần sưu tầm mà ít chuyên về phần tra cứu. Việc các tư liệu Quốc sử được biên soạn đối chiếu với các tư liệu khác rất hữu ích cho giới nghiên cứu lịch sử, nhất là đối với phần cổ sử Việt Nam vốn là một lĩnh vực hết sức phức tạp, khó khăn.

Cũng trong 36 năm qua, nhà nghiên cứu Lê Thành Lân là một nhà nghiên cứu độc lập với đề tài "Lịch cổ Việt Nam", trong rất nhiều năm ông đã tự vận động để có được nguồn kinh phí tối thiểu từ các quỹ nghiên cứu trong và ngoài nước nhằm thực hiện đề tài do mình đặt ra, góp phần tôn vinh lịch vẻ vang của dân tộc, một nước Việt Nam đâm rễ sâu và phát triển mạnh trong ý thức độc lập của mình.

Là tư liệu lịch sử, lịch học, niên đại học, là công cụ tra cứu, đối chiếu đòi hỏi tính chuẩn xác và có tính liên ngành, giá trị thông tin cao, khẳng định sự tồn tại của Lịch cổ Việt Nam, cần cho việc lưu trữ tư liệu phục vụ nghiên cứu khoa học và hoạt động thực tiễn như nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học, văn học cổ, gia phả học và các khoa học khác…Đáng chú ý các thư tịch cổ, nhất là các cuốn cổ sử đều ghi chép các sự kiện theo lịch cổ của các triều đại mà tác giả đã tìm ra.

Nội dung tư liệu lịch sử quý giá, đồ sộ

"Lịch Hai mươi mốt thế kỷ (0001-2100)" gồm các nội dung: Lịch Trung Quốc từ năm 0001 - năm 1543 (chưa tìm thấy Lịch Việt Nam); Lịch Việt Nam từ năm 1544 - 2100; Đối chiếu qua lại từng ngày giữa Lịch Dương và Lịch Âm; Tính được can chi, Tuần lễ, Lịch "sao" ngày Julius, cùng phần phụ lục: Lịch Can chi vĩnh cửu; Tuần lễ và lịch "sao" vĩnh cửu.

Phản ánh sự hình thành và phát triển Lịch Việt Nam, "Lịch hai mươi mốt thế kỷ (năm 0001 - năm 2100)" chú ý đến lịch cho lịch sử trải dài hơn 2000 năm. Đó là khoảng thời gian có nhiều sự kiện lịch sử còn được ghi chép lại trong sử sách, gồm nghìn năm đấu tranh giành lại độc lập dân tộc dưới ách đô hộ của các triều đại phong kiến phương Bắc và nghìn năm dựng nước và giữ nước từ thời tự chủ của họ Khúc (0905) đến các thời Độc lập về sau.

Cuốn sách cũng đánh dấu sự nối tiếp các kết quả nghiên cứu của GS. Hoàng Xuân Hãn về lịch và niên biểu, người đã dày công nghiên cứu lịch Việt Nam trên tinh thần tìm ra lịch đích thực đã được sử dụng ở nước ta qua các thời kỳ lịch sử trong sự so sánh đối chiếu với lịch Trung Quốc trong cùng thời kỳ tương ứng.

Giữa thế kỷ XX, vào năm 1944, GS. Hoàng Xuân Hãn công bố bài Lịch và lịch đời Lê trên tạp chí Khoa học số 26-27 và trên tạp chí Thanh Nghị số 52, 53, 54 mở đầu cho công việc này, đã nhận định rằng lịch nhà Lê khác với lịch nhà Thanh. 38 năm sau, vào năm 1982, trên tạp chí Khoa học xã hội ở Paris, GS. Hoàng Xuân Hãn công bố chuyên san Lịch và lịch Việt Nam.

Trong chuyên san này, GS. Hoàng Xuân Hãn đã chứng minh rằng lịch Việt Nam thời Lý, thời Trần gồm 220 năm, từ 1080 - 1300 và thời Lê, thời Nguyễn gồm 169 năm, từ 1644 - 1812, lịch ta khác hẳn lịch Trung Quốc. GS. Hoàng Xuân Hãn còn khảo cứu về lịch pháp và phục tích lịch nhà Lê, lịch đầu nhà Nguyễn từ năm 1644 - 1812. Đây là một kết quả nghiên cứu, một khám phá khoa học hết sức quan trọng của GS. Hoàng Xuân Hãn, đặt nền tảng cơ bản và vững chắc cho việc nghiên cứu lịch Việt Nam.

Trong hơn nửa thế kỷ qua, ngoài nhà nghiên cứu Trung Quốc là Chương Dụng có một công trình sơ khởi (vào năm 1940), thì dường như ở nước ta chỉ có hai người chuyên tâm nghiên cứu về lịch học, niên đại học trong đó có lịch và niên biểu lịch sử, trước đây là học giả Hoàng Xuân Hãn, nay là PGS. Lê Thành Lân. Có thể nói, Học giả Hoàng Xuân Hãn là người phát hiện, định hướng và đặt nền móng cho công trình, PGS. Lê Thành Lân là người kế thừa, phát triển và xây đắp ngôi nhà, nhất là phục vụ việc nghiên cứu lịch sử, khoa học và hoạt động thực tiễn. Với công trình lịch và lịch Việt Nam, cùng với hai công trình khác là Lý Thường Kiệt và La Sơn phu tử, học giả Hoàng Xuân Hãn đã được Nhà nước ta truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh.

Cuốn sách "Lịch Hai mươi mốt thế kỷ (0001-2100)" có một độ khó nhất định khi mà đặc điểm chữ Quốc ngữ một từ có nhiều chữ cái, trong khi chữ Trung Quốc dù phức tạp đến đâu cũng chỉ nằm trong một ô vuông, nên việc dịch những cuốn lịch Trung Quốc (đều ở dạng bảng) sang chữ Quốc ngữ để in là không dễ, nhất là nếu có dịch thì cũng sẽ không có lịch Việt Nam, nên chúng ta cần phải biên soạn một cuốn lịch riêng của Việt Nam để dùng cho lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc.

Cuốn sách là một thành công về việc nghiên cứu liên ngành của các khoa học tưởng rất xa nhau như Vật lý thiên văn, Toán học, Tin học, Sử học, Văn bản học, Y học cổ truyền phương Đông để tiếp cận và phục dựng lịch Việt Nam. Cuốn lịch này là một công cụ tra cứu về thời gian rất cần thiết và bổ ích cho việc nghiên cứu Lịch sử, Văn hóa của Việt Nam nói chung. Là loại sách công cụ giúp cho các nhà nghiên cứu lớp sau có một tài liệu lý luận khoa học có giá trị về Niên đại học, cũng như cung cấp cho bạn đọc một phương pháp nghiên cứu Văn bản học rất chặt chẽ và bài bản.

Theo GS. Phan Huy Lê viết trong lời giới thiệu cuốn "Năm trăm năm lịch Việt Nam (1544-2043), in năm 2010" do Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành, trong đó ông có nhấn mạnh "Ngoài một số tác giả có lúc viết về lịch và niên biểu, trong hơn nửa thế kỷ qua, dường như chỉ có hai người chuyên tâm nghiên cứu về lịch học, niên đại học trong đó có lịch và niên biểu lịch sử, trước đây là nhà Bác học Hoàng Xuân Hãn, nay là PGS. Lê Thành Lân. Cả hai người đều là những nhà nghiên cứu độc lập, tự mình làm, kiên trì theo đuổi một mục tiêu khoa học lâu dài. Đối với PGS Lê Thành Lân, tôi được biết, anh đã phải vượt qua vô vàn khó khăn, những khó khăn của đời sống, của phương tiện làm việc và dường như không mấy công trình được cơ quan và các nhà Quản lý khoa học quan tâm, hỗ trợ"./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tư liệu lịch sử quý giá cho thời đại đạt giải B Giải thưởng sách quốc gia 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO