Tự truyện và sức sống thể loại trong đời sống văn chương

Thúy Hạnh| 24/04/2020 15:51
Theo dõi ICTVietnam trên

"Trend sách tự truyện những năm gần đây" là nội dung cuộc tọa đàm trực tuyến giữa nhà thơ Hữu Việt với bạn đọc và các diễn giả là nhà phê bình Văn Giá; nhà thơ Trần Đăng Khoa trong khuôn khổ Hội sách trực tuyến quốc gia Books365.vn.

Sức sống mới của thể loại tự truyện

Buổi tọa đàm đã bàn luận sôi nổi về các vấn đề của thể loại tự truyện: lý giải vì sao thời gian gần đây thể loại này lại nở rộ; vị trí của thể loại này trong đời sống văn học nước nhà. Buổi tọa đàm cũng đã bàn luận sâu hơn về cuốn sách "Tuổi thanh xuân còn mãi" do nhà thơ Hữu Việt chủ biên.

Tự truyện và sức sống thể loại trong đời sống văn chương - Ảnh 1.

Nhà thơ Hữu Việt - người dẫn của cuộc giao lưu trực tuyến về chủ đề viết tự truyện.

Lý giải về việc tại sao tự truyện lại nở rộ, nhà phê bình Văn Giá nhận định, thời đại ngày nay, người ta được quyền nói về cá nhân một cách công khai, khi những kho bí mật được công khai sẽ kích thích họ kể về nó.

Nhà phê bình Văn Giá cho rằng, mỗi nhân vật gắn liền với hoàn cảnh sống và giai đoạn lịch sử khác nhau. Khi tác giả viết truyện, toàn bộ quá trình đó được tái hiện một cách sinh động, khiến độc giả khao khát tìm hiểu.

"Như tác giả Bình Ca viết về những năm tháng chiến tranh ở miền Bắc, thì toàn bộ đời sống  miền Bắc năm tháng đó hiện lên. Độc giả biết thêm được một thời kỳ mà có thể họ chưa biết, chưa trải qua", nhà phê bình Văn Giá nói.

Nhà phê bình Văn Giá cũng thẳng thắn thừa nhận, văn chương hư cấu đem lại sự chân thực cho con người hiện nay còn đang mờ nhạt, và để bù đắp vào đó, tự truyện ra đời. Nó tạo ra sự chân thực tận cùng của văn chương. 

Đồng tình với quan điểm của nhà phê bình Văn Giá, nhà thơ Hữu Việt bổ sung thêm, chính sự cởi mở trong việc xuất bản tự truyện hiện nay khiến cho con người có thể nói ra những suy nghĩ thầm kín của mình. Thêm vào đó, mạng xã hội xuất hiện làm cho mọi người kết nối với nhau được dễ dàng. Nhiều cuốn sách ra đời từ những những status trên mạng xã hội.

 "Con người ngày càng có nhu cầu chia sẻ về quá khứ. Khi đó, chúng ta được sống lại một đời sống của mình thêm một lần nữa", nhà thơ Hữu Việt chia sẻ.

Nguyễn Hy Hoài Nam – một facebooker rất hot trên mạng xã hội cho rằng, khi tiểu thuyết bình thường không có quá nhiều tác phẩm xuất sắc thì có sân chơi dành cho hồi ký nở rộ - họ có thể kể về một thời điểm lịch sử, cũng có thể là một quãng thời gian gần nhưng lại có dấu ấn trong đời sống của họ. 

Anh nói: "Ví dụ như gần đây có "Quân khu Nam Đồng" của Bình Ca, nói nhiều về những năm 1960-1970, người Hà Nội thời đó đọc là hiểu ngay, và họ giờ đã trưởng thành, đi khắp muôn nơi, họ vẫn tìm đọc, chính vì thế cuốn sách được tái bản nhiều lần. Đó là một sự thành công".

"Cũng như cuốn Hồi ức tập thể "Tuổi thanh xuân còn mãi" của chúng tôi – có thể chỉ hơn tờ "báo tường" nhưng nhiều người tò mò về cuộc sống của lưu học sinh ở Liên Xô thời bấy giờ... Nó tạo khung cảnh Đông Âu thời đó, có gì đó chân thực hơn những tiểu thuyết bình thường, nên có đất sống riêng", Nguyễn Hy Hoài Nam tâm sự.

"Tuổi thanh xuân còn mãi" và sự hấp dẫn từ sự chân thực

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói ông rất thích cuốn "Tuổi thanh xuân còn mãi" – nó không nằm ngoài xu hướng chung của văn học trong những năm gần đây đó là tự truyện hồi ức quá khứ.

Tự truyện và sức sống thể loại trong đời sống văn chương - Ảnh 2.

Cuốn hồi ký 'Tuổi thanh xuân còn mãi'

"Những năm gần đây xu hướng viết tự truyện nổi trội rất đặc biệt, người ta thích những điều không hư cấu. Nhưng nó đã manh nha từ rất lâu rồi. Bắt đầu từ Duy Khán với cuốn "Tuổi thơ im lặng". Ông dành thời gian rảnh để viết cho con, kể câu chuyện lặt vặt về những thứ xung quanh mình như chuyện con gà, con chó, chị gái, cổng chùa... nhưng tập hợp lại thành một quyển tự truyện rất hay.

Sau đó Thời xa vắng của nhà văn Lê Lựu - cái đó cũng có thể xem như là một cuốn tự truyện. Một loạt như cuốn tự truyện "Nhật ký Đặng Thùy Trâm", "Nhật ký Sống mãi tuổi hai mươi', "Biên bản Chiến tranh" của nhà báo Trần Mai Hạnh... và tất cả chúng hấp dẫn người đọc là bởi tính chân thực", nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.

Xu hướng tự truyện xuất hiện nhiều nhưng theo nhà thơ Hữu Việt, chất lượng của nó lại không đồng đều. Cuốn đầu tiên viết tốt, cảm giác như xuất hiện một tác giả văn chương xuất sắc nhưng đến cuốn thứ hai lại không chất lượng.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, sở dĩ có hiện tượng như vậy là bởi có thể cuốn đầu tiên khi xuất bản đã là tinh tuý, được"khơi trong gạn đục rồi", đến cuốn thứ 2 chẳng còn gì để viết, thành ra có nhiều hạn chế.

Nhà phê bình Văn Giá khẳng định, đã là tự truyện tất nhiên được quyền bộc lộ con người cá nhân nhưng nếu chỉ dừng lại ở đó là thất bại. Nhưng nếu qua đó, người viết cài cắm khiến độc giả hiểu được về một câu chuyện thời đại, đời sống thì mới thành công. "Nếu quá nhiều chuyện riêng tư không có mối liên hệ hệ xúc động giữa người kể với đời sống bên ngoài là thất bại", nhà phê bình Văn Giá trao đổi.

Facebooker Nguyễn Hy Hoài Nam đồng ý với quan điểm của nhà phê bình Văn Giá. Anh cho rằng, nếu tự truyện chỉ nói việc tôi đi đâu, ăn gì, làm gì ở một thời điểm nào đó rất cá nhân thì đúng là thất bại thảm hại.

"Viết tự truyện làm sao để người ta nhìn giọt nước thấy được đại dương mênh mông, nhìn cây nhỏ mà thấy đại ngàn, thế mới thành công", nhà thơ Hữu Việt nói.

Về vấn đề này, nhà phê bình Văn Giá cho rằng: "Tất nhiên, người viết có thể có động cơ PR cho chính mình, nhưng nếu đi qua giới hạn cho phép thì sẽ là đánh bóng tên tuổi quá đà. Nếu thông qua đời sống của anh hiện lên số phận của những người xung quanh, khiến cho người khác nghĩ ngợi về đời sống này, sống tốt, sâu hơn và nhân ái hơn, thì đó là tự truyện thành công. 

Còn nếu kể lể quá riêng tư, thể hiện cái tôi bản thân quá đà thì tự truyện không có ý nghĩa gì cả. Cái này người ta gọi là đạo đức thể loại. Nếu anh có đạo đức thể loại, anh biết mối quan hệ giữa cá nhân anh và những người xung quanh, đặc biệt với cộng đồng xung quanh và đất nước. Lúc đó anh mới được coi là giữ đạo đức thể loại, bạn đọc mới chấp nhận và đón đọc".

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Tự truyện và sức sống thể loại trong đời sống văn chương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO