Tương lai của ngân hàng là... doanh nghiệp công nghệ số

Theo vietnamnet.vn| 28/09/2020 15:26
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngân hàng có thể trở thành công ty công nghệ bằng cách hợp tác với chính các công ty công nghệ, ví dụ như các doanh nghiệp viễn thông để tạo ra không gian tăng trưởng mới.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng gợi mở tầm nhìn với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MBBank) trong cuộc làm việc sáng 26/9.

Khát vọng chuyển đổi số

Thượng tướng Lê Hữu Đức – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng MBBank cho biết, đơn vị này xác định ngân hàng số là trọng tâm trong kế hoạch phát triển. Để hiện thực hóa điều này, MBBank đã bắt tay hợp tác với các đối tác công nghệ như IBM, Oracle, Viettel nhằm tối ưu hóa giải pháp chuyển đổi số.

Trong năm 2020, MBBank đã đưa vào vận hành hệ thống loyalty point số, cho phép người dùng mua dịch vụ và đổi điểm. MBBank cũng đã thử nghiệm việc thanh toán bằng robotic, áp dụng chữ ký số và xác thực điện tử (eKYC) trên nền tảng app.

Tương lai của ngân hàng là... doanh nghiệp công nghệ số - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Thông tin -Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Chủ tịch Hội đồng quản trị MBBank Lê Hữu Đức chủ trì buổi làm việc

Theo ông Lưu Trung Thái – Tổng Giám đốc MBBank, ngân hàng này muốn trở thành một doanh nghiệp số dẫn đầu trong 3 năm tới. Mục tiêu của đơn vị này là có 10 triệu khách hàng, tăng gấp đôi doanh thu, trong đó 90% giao dịch trên kênh số.

Tổng Giám đốc MBBank cho biết, đơn vị này chuyển đổi số bằng việc thành lập một khối kinh doanh riêng là ngân hàng số trực tiếp dưới quyền CEO.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đồng ý với cách làm này và chia sẻ thêm rằng, nhiều tổ chức tuy thành lập khối số nhưng lại đứng dưới các phòng ban. Mô hình này cơ bản là thất bại bởi các phòng ban truyền thống sẽ áp dụng cách làm cũ lên các khối mới.

Một mô hình không thành công khác là lập ra các nhóm thử nghiệm bởi cách làm này hơi “nửa chừng xuân”.

“Một tổ chức hàng nghìn người nhưng lại chỉ cho một người đứng ra thử nghiệm. Người đó sẽ bị tác động bởi những người còn lại nên sẽ thất bại ngay. Chuyển đổi số hạn chế nhất là cách làm nửa chừng như thế”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói.

Thay vào đó, cần phải tạo ra một khối số với không gian độc lập. Không nên gắn tỷ lệ phần trăm của khối số trong tổng doanh thu bởi không có khái niệm cơ cấu doanh thu trong chuyển đổi số.

Nhiều đơn vị tuy chuyển đổi số nhưng lại quay về việc ứng dụng CNTT. Việc ứng dụng CNTT và dùng nó như một công cụ đã được thực hiện suốt 20 năm nay, cònchuyển đổi số là một cách làm hoàn toàn khác.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng gợi ý MBBank nên trở thành một công ty công nghệ số và tạo ra các nền tảng cung cấp dịch vụ xung quanh khách hàng. Chuyển đổi số là việc thay đổi toàn bộ hoạt động mà mình đang làm. Đó cũng là lý do nhiều công ty dịch vụ đang manh nha tuyên bố trở thành công ty công nghệ.

Biến việc khó thành việc dễ

Theo MBBank, một trong những bài toán hóc búa nhất với đơn vị này là nguồn nhân sự về khoa học dữ liệu.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, việc tuyển người khó khăn bởi chúng ta vẫn đang tuyển dụng theo cách thức truyền thống.

Tìm người phân tích dữ liệu rất khó, nhưng nếu tách ra, yêu cầu cụ thể và chi tiết từng đầu việc nhỏ thì ai cũng làm được. Trong bối cảnh này, người lãnh đạo phải biến việc khó thành việc dễ bằng cách đưa ra một đề bài tường minh. Đây là cách để giải được vấn đề ngay lập tức mà không cần mời chuyên gia từ nơi khác.

Tương lai của ngân hàng là... doanh nghiệp công nghệ số - Ảnh 2.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý phải chuyển đổi số bằng việc làm khách hàng cảm thấy ngạc nhiên bởi những dịch vụ mà mình được cung cấp.

Để tìm ra không gian tăng trưởng mới, nhiều ngân hàng hiện đang đẩy mạnh các dịch vụ beyond banking, tức các sản phẩm không liên quan ngân hàng. Tuy vậy, do bị ràng buộc về chính sách, đại diện MBBank cho biết họ rất khó cạnh tranh với các công ty fintech.

Trả lời thắc mắc của MBBank, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, chuyển đổi số phải làm inside (các dịch vụ lõi ngân hàng) trước khi nghĩ tới beyond. Ngân hàng phải chuyển đổi số trước tiên từ chính các dịch vụ mà mình đang cung cấp. Trong đó, người được hưởng lợi đầu tiên phải là các khách hàng trung thành thay vì những khách hàng mới.

Chuyển đổi số chủ yếu đụng chạm vào những điều không có trong quy định. Do vậy, một trong những dấu hiệu nhận dạng chuyển đổi số là sự mâu thuẫn với các quy định hiện tại. Để phát triển các dịch vụ không liên quan tới ngân hàng (beyond banking), MBBank có thể giải bài toán này thông qua hình thức hợp tác với các doanh nghiệp khác.

Điều này có thể thấy ngay ở bài toán Mobile Money mà ngành ngân hàng đang phải đối mặt. Các ngân hàng nên coi Mobile Money là công cụ đào tạo người dân làm quen với các dịch vụ tài chính để từ đó tạo ra những khách hàng mới.

“Tại sao không đưa Mobile Money vào một số dịch vụ ngân hàng thông qua hình thức hợp tác giữa ngân hàng và nhà mạng? Hợp tác với nhau, đó chính là tư duy để phát triển chuyển đổi số.” Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng lưu ý phải chuyển đổi số bằng việc làm khách hàng cảm thấy ngạc nhiên bởi những dịch vụ mà mình được cung cấp. Đó chính là trải nghiệm khách hàng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý MBBank cần phải “vẽ” cho mình một giấc mơ ngoài mục tiêu lợi nhuận. Giấc mơ này phải là sứ mệnh giúp giải “nỗi đau” của dân tộc Việt Nam. Điều đó có ý nghĩa hơn nhiều việc trở thành một ngân hàng lớn nhất.

Ngân hàng số từ góc nhìn công nghệ

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Huy Dũng – Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) gợi ý, trải nghiệm mới đối với các dịch vụ ngân hàng không bắt đầu từ cây ATM hay chi nhánh. Nó thể hiện qua việc cung cấp dịch vụ mọi lúc, mọi nơi bằng chính chiếc điện thoại thông minh.

Tương lai của ngân hàng là... doanh nghiệp công nghệ số - Ảnh 3.

Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Huy Dũng: "Hãy để chuyển đổi số bao trùm lên toàn bộ máy".

Theo ông Nguyễn Huy Dũng, ngân hàng dùng lịch sử giao dịch trong quá khứ làm kênh thông tin để quyết định việc cho vay. Với các công ty công nghệ, những đơn vị này này ra quyết định cho vay dựa trên việc đánh giá khả năng trả nợ. Đây là điểm khác biệt về cơ chế, chính sách cho vay của các công ty fintech khi so sánh với ngân hàng truyền thống. Việc đầu tiên mà các ngân hàng nên làm là tập trung dữ liệu và kết nối tất cả các hệ thống phòng, ban dựa trên một nền tảng thống nhất.

“Thay vì tạo ra một đơn vị nhỏ để thực hiện chuyển đổi số cả một tập đoàn lớn, hãy để chuyển đổi số bao trùm lên toàn bộ máy. Thay vì để khách hàng chủ động tiếp cận, các ngân hàng số giờ đây phải chủ động tiếp cận khách hàng và có khả năng dự đoán mức xét duyệt khoản vay từ trước cả khi khách hàng có nhu cầu”, ông Dũng nói.

Theo Cục trưởng Cục Tin học hóa, 92% hoạt động thanh toán di động ở Trung Quốc hiện nay do hai công ty công nghệ là Tencent và Alibaba xử lý thay vì các ngân hàng. Do vậy, ông Dũng gợi ý MBBank về việc chuyển đổi trở thành một doanh nghiệp công nghệ số.

Để làm được điều đó, ngân hàng phải định hình lại các mối quan hệ, không coi các doanh nghiệp công nghệ số là đối thủ cạnh tranh mà xem họ như đối tác để cùng cung cấp dịch vụ.

Ngoài ra, các ngân hàng số còn phải đóng một vai trò quan trọng trong việc giải các “nỗi đau” của xã hội. Ngân hàng cũng có thể thay đổi bằng cách trở thành nhà đầu tư lớn vào các doanh nghiệp công nghệ và trả tiền cho các hacker để thuê họ tìm ra những điểm yếu trong hệ thống.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tương lai của ngân hàng là... doanh nghiệp công nghệ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO